Bản tin Covid-19 ngày 12.7: Lần đầu tiên công bố hơn 2.000 ca bệnh một ngày

12/07/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 12.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 ngày 12.7 của Báo Thanh Niên gồm có nhưng nội dung sau:

2.383 ca bệnh được Bộ Y tế công bố

Trong ngày 12.7, Bộ Y tế đã công bố tổng cộng 2.383 ca bệnh. Đây tiếp tục là một kỷ lục mới về số ca bệnh được ghi nhận trong một ngày tại Việt Nam kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Trong ngày 12.7 có 56 người được công bố khỏi bệnh.
Trong số 2.383 ca bệnh được công bố trong ngày 12.7, TP.HCM là địa phương nhiều nhất khi có đến 1.764 bệnh nhân Covid-19
2.383 ca bệnh được Bộ Y tế công bố gồm:
+ 16 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bình Định (6), Tây Ninh (5), Vĩnh Long (2), An Giang (1), Hải Phòng (1), Hòa Bình (1).
+ 2.367 ca ghi nhận trong nước; trong đó 2.096 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Gồm: TP.HCM (1.764), Bình Dương (128), Tiền Giang (118), Đồng Nai (82), Khánh Hoà (58), Đồng Tháp (40), Phú Yên (30), Hà Nội (29), Vĩnh Long (26), Đà Nẵng (14), An Giang (11), Bình Phước (8 ), Trà Vinh (8 ), Hậu Giang (8 ), Bắc Giang (7), Hưng Yên (7), Quảng Ngãi (7), Sóc Trăng (5), Bắc Ninh (4), Tây Ninh (3), Bạc Liêu (2), Thanh Hóa (2), Nam Định (2), Huế (1), Nghệ An (1), Vĩnh Phúc (1), Đắk Nông (1).
Tính đến 19 giờ ngày 12.7, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 32.199 bệnh nhân. Gồm 30.259 ca ghi nhận trong nước và 1.940 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 28.689 ca.
- Số ca tử vong: 123 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 9.331 ca.

Thêm 4 bệnh nhân Covid-19 tử vong

Sáng 12.7, Bộ Y tế thông báo thêm 4 ca bệnh Covid-19 tử vong ghi nhận ở Đồng Tháo và Long An, nâng tổng số ca bệnh tử vong do Covid-19 lên 123 ca.
Cụ thể, ca tử vong thứ 120 là BN26658, 44 tuổi, nam, địa chỉ tại TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; có tiền sử ung thư màng phổi, xơ gan. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Bệnh nhân tử vong ngày 8.7 và được chẩn đoán là viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân bội nhiễm, ung thư màng phổi, xơ gan.
Ca tử vong thứ 121 là BN17053, 74 tuổi, nam, địa chỉ tại TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử suy tim độ 3, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn giai đoạn 2, bắc cầu mạch vành.
Bệnh nhân tử vong ngày 8.7, tại Bệnh viện Sa Đéc. Nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên trên bệnh nhân suy tim độ 3, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn giai đoạn 2, bắc cầu mạch vành.

Sáng 12.7: Thêm 4 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Đồng Tháp và Long An

 
 
Ca tử vong thứ 122 là BN19971, 48 tuổi, nữ, địa chỉ TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; có tiền sử suy tim độ 3, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy thận mạn giai đoạn 5.
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Sa Đéc; tử vong ngày 8.7. Nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhồi máu cơ tim cấp trên bệnh nhân suy tim độ 3, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy thận mạn giai đoạn 5.
Ca tử vong thứ 123 là BN19607, nữ, 67 tuổi, địa chỉ tại H.Cần Đước, tỉnh Long An; có tiền sử xơ gan mất bù, viêm gan siêu vi B, suy tim.
Bệnh nhân được công bố mắc bệnh vào ngày 29.6 và được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Long An.
Tới ngày 9.7, bệnh nhân tử vong. Nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là do viêm phổi do Klebsiella kèm viêm phổi do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân xơ gan mất bù, viêm gan B, xuất huyết tiêu hóa trên, suy tim, hạ kali máu.

Chui hẻm né chốt kiểm soát Covid-19 ở Gò Vấp để tránh kiểm tra “giấy thông hành”

Ngày 12.7.2021 là ngày thứ tư TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống Covid-19 cũng là thứ Hai, các chốt kiểm soát ở quận Gò Vấp đã đông đúc trở lại sau những ngày cuối tuần vắng vẻ.

Từ 7 giờ sáng, lượng xe qua chốt kiểm soát tại chốt Phan Văn Trị hướng ra Phạm Văn Đồng bắt đầu đông hơn. Lực lượng trực chốt gồm: công an, CSGT, thanh niên tình nguyện, bảo vệ dân phố làm việc hết công suất để kiểm tra các loại giấy tờ hợp lệ cho phép người dân được ra ngoài đường.

Dù 3 cán bộ liên tục kiểm tra nhưng cũng không kịp. Dòng xe mỗi lúc một đông. Những người ra đường không có giấy xác nhận đi lại được cấp nằm trong lĩnh vực thiết yếu được công an giải thích lại về Chỉ thị 16. Những trường hợp đi siêu thị gần đó cũng được linh động giải quyết, không tốn nhiều thời gian.

Chui hẻm né chốt kiểm soát Covid-19 ở Gò Vấp để tránh kiểm tra “giấy thông hành”

Trong sáng cùng ngày, ống kính của phóng viên Báo Thanh Niên cũng phát hiện được tình trạng nhiều người chạy vào các con hẻm gần đó để thoát ra đường lớn, né chốt kiểm soát.

Lãnh đạo đội CSGT – trật tự Công an quận Gò Vấp cho biết từ ngày 11.7, CSGT đã tăng cường xử phạt người dân ra đường không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, CSGT cũng kiểm tra giấy tờ xe khi lưu thông trên đường, nếu phát hiện vi phạm, CSGT sẽ lập biên bản xử phạt vi phạm giao thông kèm theo vi phạm ra đường không lý do. 

Cảnh sát giao thông – trật tự Công an Q.Bình Thạnh cũng có đội tuần tra trên đường, kiểm tra ngẫu nhiên việc người dân ra đường và xử phạt nếu phát hiện vi phạm. 

Chỉ riêng trong sáng 11.7, CSGT – trật tự Công an Q.3 cũng đã lập biên bản, xử phạt 20 trường hợp ra đường không lý do, mỗi trường hợp bị phạt 2 triệu đồng. Sau khi được lực lượng chức năng giải thích, ai cũng đồng ý ký biên bản xác nhận lỗi.

Nâng thời gian cách ly tại nhà với người về từ TP.HCM lên 14 ngày

Chiều 12.7, Bộ Y tế có Công  văn số 5533/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành về việc điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm đối với người từ TP.HCM về địa phương.
Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, số người từ TP.HCM về các địa phương có tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 tăng cao.
Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng đối với những người từ TP.HCM về địa phương, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện Công văn số 5389/BYT-MT ngày 7.7.2021 của Bộ Y tế về việc tiếp nhận đối với người về từ TP.HCM.
Điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ TP.CM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) từ 7 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo.
Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
Những người tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát đến làm việc tại TP.HCM theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không phải thực hiện cách ly y tế nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở vệ địa phương lưu trú.
Trong thời gian tự theo dõi sức khoẻ, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. 

Hà Nội tạm cắt tóc, ăn uống tại chỗ, hàng quán chỉ cho bán mang về

Theo công điện khẩn phát đi 12.7.2021, UBND TP.Hà Nội yêu cầu từ 0 giờ ngày 13.7, dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.
Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức đợt cao điểm kiểm tra xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19.

Hà Nội dừng quán cắt tóc, nhà hàng chỉ cho bán mang về để phòng Covid-19

Giám đốc Công an thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp, cơ sở dịch vụ không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học; tập thể dục nơi công cộng; hàng rong, trà đá vỉa hè, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch;... tăng mức phạt cao nhất, yêu cầu đóng cửa và xem xét việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm nhiều lần.

Hàng ngàn công nhân Công ty Pouchen tạm nghỉ phòng Covid-19

Theo thông báo của Công ty Pouchen Việt Nam ra vào tối 11.7, do công ty nằm ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) thuộc khu vực phong tỏa theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 10.7. Do đó, công ty sắp xếp cho toàn thể người lao động nghỉ phép trong vòng 14 ngày, kể từ 11.7.
Quyết định này cũng đã đã được sự đồng ý của Ban chấp hành công đoàn cơ sở Công ty Pouchen Việt Nam. Thời gian nghỉ phép sẽ tính vào phép cách ly phòng dịch, công nhân hưởng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Hàng ngàn công nhân Công ty Pouchen tạm nghỉ phòng Covid-19

Công ty Pouchen Việt Nam nằm cạnh chợ Hóa An, được xác định nơi có ổ dịch phức tạp. Trong khi đó, nhiều công nhân Công ty Pouchen Việt Nam tập trung sinh sống gần khu vực chợ và thường xuyên mua thực phẩm ở chợ này, nguy cơ lây nhiễm cao. Trong ngày 10.7 và 11.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân (gần 17.000 người).

Chiến sĩ công an mắc Covid-19 xuất viện, nghẹn ngào nói lời cảm ơn

Sau hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch, phải đặt ECMO để duy trì sự sống, chiến sĩ công an ở quận Tân Phú (TP.HCM) nhiễm Covid-19 (tức BN8944) đã được xuất viện vào chiều 11.7.2021.
Dù giọng nói còn chưa mạch lạc như trước nhưng chiến sĩ công an đã có thể đứng nói chuyện, trao đổi với các bác sĩ và đồng đội trong ngày được xuất viện.
Anh tâm sự, sau khi hồi phục, anh cảm thấy mình có lỗi với cơ quan, có lỗi với đồng nghiệp vì không may nhiễm Covid-19 trong thời gian làm nhiệm vụ chống dịch. Việc anh mắc Covid-19 đã vô tình làm ảnh hưởng đến các đồng đội ở cơ quan, ảnh hưởng đến gia đình. Tuy nhiên, trong thời gian nằm viện, anh nhận được sự chăm sóc nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ, sự động viên kịp thời của các đồng đội, của lãnh đạo Công an TP.HCM và Công an quận Tân Phú khiến anh rất xúc động. 

Chiến sĩ công an mắc Covid-19 xuất viện, nghẹn ngào nói lời cảm ơn

Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trao giấy xuất viện và động viên, chiến sĩ công an cho biết sẽ tiếp tục quay lại tham gia cùng các đồng đội trong công tác chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo BSCK2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là bệnh nhân nhiễm Covid-19 diễn tiến nặng không thua gì bệnh nhân 91 (phi công người Anh) trước đây.
Trong đợt dịch lần thứ 4 này, chiến sĩ công an này là bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng đầu tiên phải đặt ECMO được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy và cũng là bệnh nhân nặng đầu tiên được xuất viện từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trải qua giai đoạn gần 4 tuần bệnh nhân rất nguy kịch, các bác sĩ phải tiến hành lọc máu, đặt ECMO, thở máy, có những lúc tưởng chừng khả năng cứu sống bệnh nhân không cao. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ và kinh nghiệm từ điều trị cho bệnh nhân 91, các bác sĩ đã điều trị cho chiến sĩ công an được hồi phục an toàn và xuất viện.
Sau khi được xuất viện, dự kiến chiến sĩ công an sẽ được cách ly tại nhà trong vòng khoảng 1 tuần, sau đó tái khám tại bệnh viện. Theo bác sĩ, với tình hình sức khỏe tiến triển như hiện tại, dự kiến trong vòng một tuần nữa, bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn. 

TP.HCM yêu cầu không kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 trong khu vực nội thành

UBND TP.HCM vừa thông báo chính thức đến Sở GT-VT, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an TP.HCM, UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức và Ban quản lý (BQL) các Khu chế xuất và công nghiệp, BQL Khu Công nghệ cao về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. UBND TP.HCM khẳng định, đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi thành phố do nhu cầu thật sự cần thiết thì không thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19.
Chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Đồng thời, tổ chức tuần tra thường xuyên trên địa bàn để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các trường hợp ra đường mà không có lý do chính đáng (chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết).

TP.HCM yêu cầu không kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 trong khu vực nội thành

Bên cạnh đó, các đơn vị nêu trên chủ động làm việc với các công ty, nhà máy, xí nghiệp được phép hoạt động trên địa bàn quản lý để phối hợp với các tỉnh giáp ranh có công nhân, chuyên gia thường xuyên di chuyển qua lại giữa các địa phương để có giải pháp hạn chế đi lại (tổ chức ăn, nghỉ tại nơi sản xuất).
Hoặc có thể tổ chức xe ô tô đưa rước tập trung công nhân, chuyên gia nhằm hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân lưu thông qua lại giữa các địa phương. UBND TP.HCM lưu ý, tùy theo điều kiện làm việc cụ thể, xem xét điều chỉnh quy mô, quy trình sản xuất tại các phân xưởng nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch theo đúng quy định.

Quán nghỉ bán, vợ chồng nấu hàng trăm ly chè tặng y bác sĩ chống dịch

Dù hàng quán bán đồ ăn trên khắp TP.HCM đều đã tạm nghỉ trong đợt thành phố giãn cách xã hội nhưng vợ chồng chủ quán chè trên đường Lê Văn Duyệt (phường 3, quận Bình Thạnh) này vẫn đang tất bật nấu nướng. 

Quán nghỉ bán, vợ chồng nấu hàng trăm ly chè tặng y bác sĩ chống dịch

Vài ngày nay, mỗi ngày họ đều nấu cả trăm ly chè nhưng không phải để bán. Sau khi hoàn tất, những phần chè này sẽ được chuyển đến cho các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch ở các bệnh viện trong thành phố.
"Nguyên liệu hầu như chuẩn bị từ 2-3 ngày trước rồi, khoai lang nhập về rất nhiều để giúp bà con miền Tây giải cứu khoai lang tím. Mình mua về để nấu tặng cho khách, hàng tồn rất nhiều.
Hiện tại các quán chè phải đóng cửa, lượng khoai lang này để lâu sẽ bị hư, nên mình nghĩ thay vì để đó ăn cũng không hết mình đem đi nấu tặng các y bác sĩ", chị Lương Thị Nhi, chủ quán chè Mẹ siêu nhân chia sẻ.

Quán nấu hàng trăm ly chè mỗi ngày tặng y bác sĩ

Lê Nam

Như thường lệ, hai vợ chồng vẫn đều đặn dậy từ sớm để gọt khoai, nấu chè. Hai bạn nhân viên thay vì bán hàng thì giúp vợ chồng chị Nhi chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu, rồi phụ đóng gói, đóng thùng để cứ mỗi sáng phải xong 100 phần để chuyển đến tận tay các bác sĩ.

Các y bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 175 (Q. Gò Vấp, TP.HCM) nhận chè trong ngày chống dịch

Lê Nam

Không chỉ tặng cho các y bác sĩ, quán chè Mẹ siêu nhân từng được báo Thanh Niên đưa tin về câu chuyện truyền cảm hứng của hai vợ chồng thạc sĩ nghỉ việc mở quán chè chăm con mắc bệnh hiểm nghèo, còn tặng các lỳ chè thanh mát đến các chiến sĩ công an, lực lượng dân quân đang làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát gần nhà.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 12.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.