Bản tin Covid-19 ngày 22.8: TP.HCM trước ngày siết chặt giãn cách xã hội

22/08/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 22.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

 Bản tin Covid-19 ngày 22.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau: 

Ngày 22.8: Cả nước công bố 11.352 ca Covid-19

Bản tin tối 22.8 của Bộ Y tế cho biết tính từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 22.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.214 ca nhiễm mới. Ngày 22.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng đăng ký bổ sung 138 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19; như vậy tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 11.352 ca.

Ngày 22.8: Cả nước công bố 11.352 ca Covid-19, 7.580 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.193 ca

Ngày 21 và 22.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 737 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên con số 8.277 ca.
Thông tin về 11.352 ca Covid-19 được công bố vào chiều 22.8 gồm:
- 6 cách ly ngay sau khi ca nhập cảnh.
- 11.208 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 6.387 ca trong cộng đồng. Gồm TP.HCM (4.193), Bình Dương (3.795), Đồng Nai (849), Tiền Giang (709), Long An (365), Đà Nẵng (183), Khánh Hòa (160), Đồng Tháp (142), Bà Rịa - Vũng Tàu (107), Cần Thơ (97), Tây Ninh (83), An Giang (69), Nghệ An (68), Vĩnh Long (49), Bình Thuận (47), Đắk Nông (39), Trà Vinh (39), Phú Yên (38), Bình Định (20), Hà Tĩnh (20), Quảng Nam (16), Kiên Giang (15), Sơn La (15), Đắk Lắk (12), Bắc Ninh (11), Hà Nội (11), Gia Lai (10), Cà Mau (10), Hậu Giang (7), Lào Cai (6), Bắc Giang (6), Ninh Thuận (5), Lạng Sơn (5), Quảng Ngãi (3), Quảng Trị (3), Thái Bình (1).
- , Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng đăng ký bổ sung 138 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19
- Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 91 ca. Tại TP.HCM tăng 109 ca, Bình Dương giảm 710 ca, Đồng Nai tăng 298 ca, Tiền Giang tăng 120 ca, Long An giảm 28 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 348.059 ca nhiễm, đứng thứ 68/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.540 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 343.972 ca, trong đó có 144.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Giang.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (175.994), Bình Dương (70.242), Long An (17.805), Đồng Nai (17.688), Tiền Giang (7.284).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 147.667 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 687 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.

Tối 22.8: Thông báo 737 ca Covid-19 tử vong trong 2 ngày

Ngày 21 và 22.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 737 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM: (599), Bình Dương (62), Đồng Nai (25), Tiền Giang (22), Đồng Tháp (11), Cần Thơ (4), Long An (4), Hà Nội (2), Bến Tre (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 22.8 là 8.277 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 9.450.525 mẫu cho 27.763.959 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 17.065.896 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.274.648 liều, tiêm mũi 2 là 1.791.248 liều.

Thủ tướng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 toàn TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội

Công điện gửi Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, nêu rõ:
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ và tích cực tham gia của Nhân dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.

Thủ tướng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 toàn TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội

Với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đặc biệt lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
2. Hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng cần thiết khác của Trung ương, các địa phương cho TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng của địa phương và các lực lượng hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đã được đề ra tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ; trong đó đặc biệt lưu ý: (a) Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên; (b) Cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực tăng cường giãn cách xã hội, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; (c) Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch; (d) Bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
3. Thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng TP.HCM xét nghiệm toàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan. Ưu tiên cao nhất phân bổ vắc xin cho TP.HCM và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí, kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch.
4. Đẩy mạnh công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; phát huy vai trò quan trọng của toàn bộ hệ thống truyền thông, tạo đồng thuận xã hội với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; hướng dẫn, động viên, cổ vũ, truyền cảm hứng cho người dân để dân biết, dân hiểu, dân tin tưởng, chia sẻ và tự giác thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc.
5. Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể, khả thi để phối hợp hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện nghiêm, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó lưu ý: (a) Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tối đa các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin; cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng người dân; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; (b) Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, của các Bộ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
6. UBND TP.HCM, UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An khẩn trương thống nhất với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để ban hành Chỉ thị thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-TTg và Công điện này về việc thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch: (a) Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đối với toàn bộ xã, phường, thị trấn; các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An căn cứ tình hình dịch bệnh để lựa chọn, quyết định xã, phường, thị trấn để thực hiện; (b) Quyết định những người thực thi công vụ, cung cấp, cung ứng lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu, bảo đảm giảm tối đa số người được phép ra khỏi nhà.
7. Các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất, xuyên suốt và bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn với các lực lượng hỗ trợ của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
8. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả để thực hiện Công điện này.

TP.HCM xét nghiệm Covid-19 toàn bộ người dân ở “vùng đỏ”, “vùng cam” trong 3 ngày

Người dân TP.HCM các vùng "đỏ, cam, vàng, xanh" không được đi chợ từ 23.8 

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TP.HCM thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 86 của Chính phủ mà TP.HCM mới ban hành hôm qua, 21.8.
UBND TP.HCM cho hay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn nhất cho người dân, thực hiện tốt nhất các biện pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn nên việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân sẽ được thực hiện thông qua các phương thức phù hợp.

Người dân TP.HCM các vùng "đỏ, cam, vàng, xanh" không được đi chợ từ 23.8

Mục tiêu đặt ra là vừa kiểm soát việc di chuyển, lưu thông trên đường tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, vừa đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận, cung ứng kịp thời hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày.
Cụ thể, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố...), công an, quân đội với tần suất 1 lần/tuần, phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).
Nếu địa bàn thiếu hụt nguồn hàng thì Sở Công thương hỗ trợ bổ sung và tổ chức điều phối các chuyến xe bán hàng lưu động, “Siêu thị mini di động” để bổ trợ thêm kênh phân phối hàng hóa đến người dân.

Từ 23.8, chốt kiểm soát ở TP.HCM bắt đầu kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm

Ngày 22.8, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã có hướng dẫn triển khai thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 23.8 đến ngày 6.9. Cụ thể, TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm nhà cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn:
Trong ngày 22.8, Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp cùng Sở Nội vụ, công an, bộ đội biên phòng tham mưu kế hoạch thành lập Tổ Công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ).

Từ 23.8, chốt kiểm soát Covid-19 ở TP.HCM sẽ xử phạt nghiêm các vi phạm

Sở Y tế phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức ra quyết định về việc tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh đối với các phường, xã, thị trấn thuộc vùng cam và vùng đỏ.
Ngày mai (23.8), chính quyền địa phương ra quyết định về việc tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh đối với các phường, xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, UBND phường, xã, thị trấn ra quyết định thành lập các Tổ công tác đặc biệt tại vùng cam và vùng đỏ.

Những ngày gần đây, lượng người và phương tiện đổ ra đường khá đông

Ảnh: Nguyên Vũ

Cũng từ ngày mai, lực lượng các chốt kiểm soát bắt đầu tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm, công việc này được Ban chỉ đạo giao Công an TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM và UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Những trường hợp ra đường phải có giấy đi đường, dấu hiệu nhận diện, riêng công chức thì mặc đồng phục theo hướng dẫn của thành phố.
Về công tác an sinh, trong ngày 22.8 và 23.8, TP.HCM triển khai 500.000 túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.
Từ ngày 24.8 đến ngày 6.9, tiếp tục triển khai thêm 1,5 triệu túi an sinh đến tay người dân, công việc này được giao cho Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 thực hiện.

Shipper Sài Gòn 'hốt' cú chót, chạy xuyên trưa trước giờ ‘tắt app’

TP.HCM trước giờ thực hiện lệnh siết chặt giãn cách xã hội, đường phố tấp nập, người dân đổ xô ra đường để xếp hàng, tìm mua nhu yếu phẩm. Shipper, tài xế công nghệ đứng kín ở các chốt chặn kiểm soát dịch để gọi khách ra nhận hàng.
22.8 là ngày cuối cùng shipper được hoạt động tại TP. Thủ Đức và 7 quận, huyện khác, gồm quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn trước khi tạm dừng tắt ứng dụng 2 tuần từ ngày 23.8 - khi TP.HCM thực hiện các biện pháp tăng cường chống dịch.

Shipper Sài Gòn 'hốt' cú chót, chạy xuyên trưa trước giờ ‘tắt app’

11 giờ trưa, anh Phạm Nhật Minh vẫn chưa hết tất bật khi vừa nhận thêm một lúc 5 đơn hàng, chủ yếu là nhu yếu phẩm, để kịp giao cho khách hàng trong ngày cuối. 
"Lượng đơn hàng bây giờ rất cao. Một người giờ chạy một lúc 5-6 đơn không ấy. Giờ vừa lấy thêm 5 đơn để chạy nữa đó", anh Nhật Minh chia sẻ.
Kể từ ngày 23.8, lực lượng shipper sử dụng ứng dụng công nghệ tạm ngưng hoạt động tại TP.Thủ Đức và 7 quận, huyện. Đối với các quận, huyện còn lại, shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định tại của UBND TP.HCM. 

Shipper hối hả gọi điện giao hàng cho khách giữa trưa

Lê Nam

Mặc dù nằm trong khu vực được phép hoạt động nội quận nhưng nhiều shipper cho biết sẽ chủ động tắt app nửa tháng để tránh dịch. Bởi vậy nên ai cũng tranh thủ chạy bữa cuối với lượng hàng hóa chất đầy trên xe. 
Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành bộ nhận diện shipper như thẻ cứng, QR code, trang phục shipper, giấy đi đường... Đồng thời, yêu cầu các tài xế chỉ được chạy trong một quận, huyện và TP.Thủ Đức. Sau đó, TP.HCM điều chỉnh cho các shipper chạy liên quận.
Đến ngày 21.8, UBND TP tiếp tục điều chỉnh và tạm ngưng hoạt động của shipper tại một số quận, huyện và TP Thủ Đức. Từ ngày 23.8.2021, TP.HCM sẽ thực hiện các biện pháp nhằm siết chặt giãn cách xã hội, lực lượng shipper ở nhiều nơi lại bước vào chuỗi ngày không có thu nhập với nhiều khó khăn phía trước.

Những dấu hiệu F0 Covid-19 tại nhà trở nặng cần báo ngay cơ quan y tế

Theo “Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà” do Bộ Y tế ban hành hôm nay, 21.8, trường hợp nhiễm Covid-19 (F0) được quản lý tại nhà là người nhiễm Covid-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng hoặc có triệu chứng ở mức độ nhẹ.
Các triệu chứng nhẹ như: sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở 20 lần/phút hoặc dưới mức này, chỉ số SpO2 từ 96% trở lên khi thở khí trời; không có thở bất thường như: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít khi hít vào.

Những dấu hiệu F0 Covid-19 tại nhà trở nặng cần báo ngay cơ quan y tế

Để đủ điều kiện điều trị tại nhà, các trường hợp trên cần đáp ứng thêm tối thiểu một trong 2 tiêu chí sau: đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 sau 14 ngày.
Hoặc có đủ 3 yếu tố sau: tuổi (là trẻ trên 1 tuổi; người lớn dưới 50 tuổi); không có bệnh nền; và không đang mang thai.
Ngoài ra, người bệnh phải có khả năng tự chăm sóc bản thân, có phương tiện liên lạc và khả năng liên lạc, giao tiếp với nhân viên y tế; hoặc phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên.
Theo hướng dẫn, cơ sở quản lý người nhiễm tại nhà phải hướng dẫn bệnh nhân theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều, hoặc khi có các triệu chứng cần chuyển viện, cấp cứu.
Người bệnh F0 khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu bất thường phải báo cáo ngay cơ sở quản lý, trạm y tế xã, phường… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
Các dấu hiệu bất thường gồm: khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em: thở rên, rút lõm lồng ngực,…; nhịp thở: từ 21 lần/phút trên mức này (ở người lớn), từ 40 lần/phút và trên hơn mức này (ở trẻ từ 1 - dưới 5 tuổi); từ 30 lần/phút và trên mức này (với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi).
Trong đó, cách đếm nhịp thở ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.

Thực hư lời khuyên xông dầu gió, khò nước muối trong 7 ngày đầu cách ly | BÁC SĨ ƠI số 9

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần báo ngay khi có bất kỳ tình trạng bất ổn nào hoặc khi phát hiện một trong các dấu hiệu khác như: mạch nhanh trên 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; huyết áp thấp: huyết áp tối đa dưới 90 mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg (nếu có thể đo); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật…
Bộ Y tế khuyến cáo người nhiễm Covid-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.
Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà hướng dẫn người nhiễm cách thức liên hệ để được xử trí, chuyển viện cấp cứu kịp thời trong các trường hợp bất thường. Trong thời gian đợi chuyển tuyến, cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà phải hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho bệnh nhân.

'Mừng như Tết' vì được về quê trước ngày TP.HCM siết giãn cách

Sáng sớm 22.8, hơn 400 người dân Cần Thơ đầu tiên được các cơ quan chức năng TP. Cần Thơ và TP. HCM đưa về quê tránh dịch trên những chiếc xe nghĩa tình của Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang ngay trước giờ TP.HCM siết chặt giãn cách.
Sáng sớm 22.8.2021, hơn 400 người dân Cần Thơ đầu tiên được các cơ quan chức năng TP. Cần Thơ và TP. HCM đưa về quê tránh dịch trên những chiếc xe nghĩa tình của Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang – . Có mặt tại bến xe miền Tây từ 6 giờ 30 phút sáng, Thanh Tâm (25 tuổi) vừa hạnh phúc, vừa hồi hộp trong chuyến xe hồi hương trước giờ TP.HCM siết chặt giãn cách.

Đại gia đình Cần Thơ 'mừng như Tết' vì được về quê trước ngày TP.HCM siết chặt giãn cách

Gia đình anh Phương Thanh (37 tuổi, quê ở Huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) có đến 17 người là anh em ruột thịt, con cháu trong nhà đã thức dậy từ 4 giờ sáng vì nôn nao trong chuyến hồi hương lần này. Cả đại gia đình đã lên TP.HCM mưu sinh được gần 20 năm, hầu hết đều làm công nhân ở trong các công gỗ hoặc da giày. Vài tháng qua, mọi người đều thất nghiệp, không thu nhập, sống thấp thỏm trong khu nhà trọ, mong ngóng được về quê tránh dịch.

Đại gia đình 17 người của anh Phương Thanh cùng nhau về quê đợt này

Lê Nam

“Nói chung được về quê rất mừng, ở đây mấy tháng rồi không có việc làm. Công ty không hoạt động, không việc làm cũng khổ. Hy vọng về quê trước tiên vô khu cách ly tập trung. Xong hết thời gian cách ly tập trung thì mình được về quê. Cách ly tại nhà cảm thấy rất thoải mái, vui vẻ, về gặp mặt cha mẹ, anh chị em dưới thấy thoải mái, vui tươi, hạnh phúc lắm”, anh Thanh chia sẻ.
Tất cả người dân về quê được xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí tại Bến xe Miền Tây. Các trường hợp không may xét nghiệm dương tính sẽ phải ở lại để điều trị theo quy định. Bởi vậy, dù là chuyến hồi hương sát ngày TP.HCM thực hiện siết chặt giãn cách, nhiều người dân vẫn hồi hộp chờ đợi kết quả xét nghiệm Covid-19 trước giờ lên xe. 

Dậy sớm ra bến xe khiến nhiều người mệt mỏi, ngủ gục bên va li

Lê Nam

Tính từ những chuyến xe đầu tiên hồi cuối tháng 7 đến nay, công ty Phương Trang đã phối hợp đưa hơn 9.000 bà con bình an về lại quê nhà Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, Bình Thuận, Hậu Giang, Đắk Lắk, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Nai và Cần Thơ. Rất nhiều người trong số hành khách đặc biệt này là sinh viên, người lao động, công dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tới, mặc dù sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng công ty Phương Trang cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức các chuyến xe hồi hương quy củ, an toàn cho bà con về tránh dịch.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 22.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.