Bản tin Covid-19 ngày 24.12: Nỗ lực tiêm vắc xin mũi 3 ứng phó biến thể Omicron

24/12/2021 20:05 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 24.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 24.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.157 ca Covid-19, 30.833 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 24.12 cho biết tính từ 16h ngày 23.12 đến 16h ngày 24.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.157 ca nhiễm mới, 30.833 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 235 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 30.766 ca.

Ngày 24.12: Cả nước 16.157 ca Covid-19, 30.833 ca khỏi | Hà Nội 1.834 ca | TP.HCM 679 ca

Thông tin về 16.157 ca nhiễm mới như sau:

  • 15 ca nhập cảnh.
  • 16.142 ca ghi nhận trong nước (giảm 225 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.528 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.834), Cà Mau (1.334), Tây Ninh (948), Vĩnh Long (868), Khánh Hòa (785), Cần Thơ (785), Đồng Tháp (782), TP.HCM (679), Trà Vinh (568), Bình Định (543), Bạc Liêu (507), Thừa Thiên Huế (399), Bà Rịa - Vũng Tàu (359), Đồng Nai (354), Kiên Giang (353), Phú Yên (353), Sóc Trăng (323), An Giang (299), Hưng Yên (296), Bắc Ninh (289), Bến Tre (263), Đắk Lắk (263), Lâm Đồng (229), Thanh Hóa (222), Gia Lai (216), Bình Thuận (185), Tiền Giang (146), Đà Nẵng (140), Nam Định (121), Quảng Nam (119), Nghệ An (114), Vĩnh Phúc (104), Quảng Ninh (98), Bình Dương (94), Quảng Ngãi (90), Hà Giang (86), Đắk Nông (79), Hậu Giang (78), Long An (74), Quảng Trị (70), Thái Bình (61), Phú Thọ (59), Ninh Thuận (51), Hà Nam (48), Kon Tum (48), Hòa Bình (48), Hải Dương (44), Quảng Bình (42), Bình Phước (40), Thái Nguyên (37), Hà Tĩnh (35), Lạng Sơn (34), Bắc Giang (31), Tuyên Quang (28), Hải Phòng (19), Sơn La (19), Yên Bái (14), Lào Cai (12), Cao Bằng (10), Lai Châu (7), Điện Biên (4), Bắc Kạn (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-233), Bạc Liêu (-182), Bến Tre (-173).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (+219), Đắk Lắk (+172), Cà Mau (+167).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.041 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.620.869 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.434 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.615.292 ca, trong đó có 1.212.444 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (498.628), Bình Dương (289.825), Đồng Nai (96.347), Tây Ninh (68.720), Long An (39.965).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 30.833 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.215.261 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.767 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.518 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.190 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 150 ca
  • Thở máy xâm lấn: 890 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 23.12 đến 17h30 ngày 24.12 ghi nhận 235 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (44) trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (3), Vĩnh Long (2), An Giang (2), Bình Thuận (1), Đồng Nai (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (20), An Giang (18), Tiền Giang (15), Đồng Tháp (13), Cần Thơ (13), Vĩnh Long (12), Bình Dương (11), Bến Tre (11), Tây Ninh (10), Kiên Giang (9), Sóc Trăng (7), Bình Định (6), Hà Nội (5), Bến Tre (5), Trà Vinh (5), Cà Mau (5), Khánh Hòa (4), Bình Thuận (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bạc Liêu (4), Bình Phước (2), Long An (2), Hậu Giang (2), Hải Phòng (1), Ninh Thuận (1), Lạng Sơn (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 238 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.766 ca, chiếm tỉ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 139.546 mẫu xét nghiệm cho 177.212 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 29.498.397 mẫu cho 73.609.689 lượt người.

Trong ngày 23.12 có 1.219.867 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 143.520.464 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.679.502 liều, tiêm mũi 2 là 64.807.736 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 2.033.226 liều.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3 trong quý I/2022

Ngày 23.12.2021, Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 9406 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 trong quý I/2022

Công điện nêu rõ, trong thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp; tại nhiều địa phương số ca mắc mới có xu hướng tăng; số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron đang diễn biến rất khó lường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và tổ chức thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19.

Chậm nhất ngày 31.12.2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1.2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I/2022.

Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ tiêm vắc xin tại địa phương khi đã được cung cấp vắc xin đầy đủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế bảo đảm đủ vắc xin và phân bổ kịp thời cho các địa phương, hướng dẫn các địa phương tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chống mọi biểu hiện tiêu cực.

Các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng này vào nước ta; thực hiện test nhanh đối với hành khách trước khi lên và sau khi xuống tàu bay, cách ly ngay đối với các trường hợp nghi nhiễm; giải trình tự gien để phát hiện chủng Omicron và xử lý triệt để.

Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu toàn diện về chủng mới Omicron để kịp thời có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

TP.HCM chưa phát hiện vi phạm liên quan đến Công ty Việt Á

Những lùm xùm liên quan đến Công ty Việt Á đang là câu chuyện làm dậy sóng mạng xã hội nhiều ngày qua.

TP.HCM chưa phát hiện vi phạm liên quan đến Công ty Việt Á

Chiều 23.12.2021, tại buổi họp báo định kỳ, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã chủ động cung cấp thông tin liên quan đến mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế của Công ty công ty công nghệ Việt Á (Gọi tắt là Công ty Việt Á).

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, hồi đầu tháng 6.2021 khi dịch Covid-19 phức tạp, ca mắc trong cộng đồng tăng, việc điều tra truy vết cần được thực hiện khẩn trương nên thành phố kêu gọi hỗ trợ chống dịch.

Sau đó, Công ty Việt Á đề xuất tham gia thực hiện xét nghiệm RT-PCR và được Sở Y tế đồng ý. Trong 2 tuần, Công ty Việt Á đưa nhân lực và trang thiết bị vào cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu (hiện là Trung tâm hồi sức Covid-19 1.000 giường ở thành phố Thủ Đức) thực hiện công việc.

Về chi phí xét nghiệm, Tập đoàn Vingroup ngỏ lời thanh toán giúp toàn bộ chi phí mà Công ty Việt Á đã hỗ trợ xét nghiệm và được TP.HCM chấp thuận. TP.HCM cũng không mua sắm trang thiết bị và vật tư tiêu hao của doanh nghiệp này trong thời gian sau đó.

Trả lời câu hỏi có bao nhiêu bệnh viện mua sắm kit test từ Công ty Việt Á, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết qua rà soát các cơ sở công lập (không thống kê bệnh viện tư nhân) thì có 2 bệnh viện mua sắm kit test của Công ty Việt Á, bao gồm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 kit test và Bệnh viện thành phố Thủ Đức mua sắm 65.870 kit test.

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết công an đã rà soát hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư chống dịch Covid-19. Ông khẳng định, trước mắt, không thấy có dấu hiệu vi phạm về giá so với hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Công an TP.HCM, nên nhìn nhận, đánh giá khách quan vào từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể chứ không nên gán ghép cứ liên quan đến Công ty Việt Á là vi phạm. Trong đó, cơ sở quan trọng nhất là đối chiếu với thời điểm Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mua kit test. Nếu có trục lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có vấn đề tư lợi khi thi hành công vụ thì cơ quan điều tra và các đơn vị mới xử lý.

Về công tác phòng chống tội phạm liên quan đến hoạt động phòng chống dịch, ông Hà cho biết Công an TP.HCM đã có kế hoạch phối hợp với Sở Y tế tiếp tục rà soát, nắm tình hình chung về mua sắm trang thiết bị vật tư y tế để phát hiện và xử lý vi phạm, nếu phát hiện vụ việc mới sẽ chủ động thông tin tới báo chí.

Người nhập cảnh ngắn ngày vào Việt Nam phải tuân thủ nghiêm phòng chống Covid-19

Ngày 24.12.2021, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).

Người nhập cảnh ngắn ngày vào Việt Nam phải tuân thủ nghiêm phòng chống Covid-19

Đối tượng áp dụng của hướng dẫn này là những người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày bao gồm: Người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; Người nhập cảnh không phải mục đích ngoại giao công vụ; Những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc tại Việt Nam.

Theo hướng dẫn, người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.

Trong trường hợp người nhập cảnh dự kiến làm việc, hoạt động tại nhiều địa phương, cần phải có kế hoạch, phương án di chuyển rõ ràng và được địa phương liên quan chấp thuận.

Người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày phải thực hiện đầy đủ quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương để xử lý theo quy định.

Bộ Y tế lưu ý việc lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc, đi thực địa. Nơi lưu trú (khách sạn, nơi lưu trú do doanh nghiệp thu xếp, cơ sở lưu trú khác) được UBND cấp tỉnh phê duyệt đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Bố trí riêng khu vực lưu trú cho người nhập cảnh ngắn ngày. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại nơi lưu trú và lây nhiễm ra cộng đồng. Đối với người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì được miễn chi trả (trừ chi phí lưu trú tại khách sạn theo nguyện vọng).

Trường hợp sau thời gian làm việc ngắn ngày mà người nhập cảnh tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc thì phải thực hiện các quy định hiện hành về nhập, xuất cảnh và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với người đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, kết thúc thời gian làm việc trước 3 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú đến hết ngày thứ 3, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Thực hiện xét nghiệm SARS- CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng... phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.

Trường hợp kết thúc thời gian làm việc sau 3 ngày và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính vào ngày thứ 3 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng.thì phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.

Đối với người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19, kết thúc thời gian làm việc trước 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải tự cách ly tại nơi lưu trú đến hết ngày thứ 7. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 tính từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng thì phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.

Trường hợp kết thúc thời gian làm việc sau 7 ngày và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính vào ngày thứ 7 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng thì phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Spa ở TP.HCM nôn nao ngày mở lại

Được mở lại theo bộ tiêu chí hoạt động an toàn của thành phố, các cơ sở spa, massage trên địa bàn TP.HCM mong rằng từ giờ sẽ được hoạt động ổn định, không phải đóng cửa thêm lần nào nữa.

Spa ở TP.HCM nôn nao ngày mở lại: “Mong từ giờ sẽ ổn định”

Chị Hương Ly (33 tuổi) mở tiệm spa Bonita (P.4, Q.3) được 2 năm nay. Những ngày qua, chị Ly vui mừng vì dịch vụ kinh doanh của mình được mở lại khi TP.HCM đã chính thức ra bộ tiêu chí hướng dẫn hoạt động để thích ứng với dịch bệnh.

Bà chủ tiệm spa dán mã QR khai báo y tế ngay ở cửa ra vào, khách phải có thẻ xanh Covid-19 và khai báo y tế trước khi vào bên trong tiệm. Toàn bộ nhân viên cũng đều đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, đồng thời luôn đeo khẩu trang trong quá trình làm việc với khách.

Chị Bá Hảo (28 tuổi, Q.4) trước đây thường duy trì thói quen ít nhất 2 lần/tháng sẽ đi spa chăm sóc da, dưỡng móng. Dịch bùng lên khiến cho thói quen làm đẹp của chị gặp cản trở. Ngày trở lại tiệm spa, chị Hảo cũng có chút hồi hộp, lo lắng vì dịch bệnh vẫn còn.

Giống chị Hương Ly, chị Bùi Thị Trúc Chi (35 tuổi, chủ tiệm spa ở Q. Bình Thạnh) cho biết đã cầm cự qua 3 đợt dịch, đến đợt dịch thứ tư thì suy sụp. Chị Chi từng làm công việc văn phòng trước khi chuyển qua kinh doanh dịch vụ spa. Dùng hết số tiền tích lũy trước đó để đi học nghề, thuê mặt bằng rồi mở tiệm, khi khách vừa quen mặt thì dịch bùng đến, tiệm spa phải đóng cửa suốt hơn nửa năm trời.

Để tồn tại qua những ngày dịch bệnh, các chủ spa phải xoay sở nhiều cách trước khi để Covid-19 hạ gục.

Ngày mở lại, chị Chi thay đổi mô hình kinh doanh tiệm spa, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hỗ trợ khách hàng dù gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, chị Chi cũng kết hợp hoạt động với một chủ cơ sở spa khác để đỡ gánh nặng, thay vào đó, chị mở rộng mảng đào tạo nhân viên để có thể tồn tại qua dịch.

Trẻ em có cần tiêm vắc xin Covid-19 hay không?

Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang mở rộng chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em trước sự xuất hiện của biến thể Omicron mới vốn mang nhiều hiểm họa tiềm ẩn.

Vì sao cần tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em?

Hai năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các bác sĩ trên toàn thế giới đang tìm hiểu thêm về tác động của căn bệnh này đối với trẻ em. Theo một báo cáo từ UNICEF, phân tích 115 triệu trường hợp mắc Covid-19 được xác nhận từ 105 quốc gia, trẻ em thanh thiếu niên trong độ tuổi dưới 20 chiếm 16% số ca.

Dù các trường hợp bệnh nặng và tử vong ở trẻ em hiếm hơn nhiều so với người lớn, hàng chục nghìn trẻ em có thể chịu những di chứng lâu dài của bệnh, đặc biệt là các trẻ có tình trạng sức khỏe yếu, mắc bệnh nền thì sẽ có khả năng mắc bệnh nặng hơn.

Khi nhiễm bệnh, trẻ em có thể:

  • Mắc bệnh nặng
  • Gặp các di chứng ngắn hạn và lâu dài do Covid-19
  • Lây lan Covid-19 cho người thân hoặc thầy cô, bạn bè ở trường học

Trẻ em mắc Covid-19 cũng có thể bị các biến chứng nghiêm trọng như PIMS (Hội chứng viêm đa hệ thống nhi khoa) - một hội chứng viêm có hệ thống, có biểu hiện bao gồm sốt dai dẳng, viêm và suy tạng. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, hơn 6.000 ca PIMS đã được ghi nhận ở trẻ em, trong đó có 52 ca tử vong.

Nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu thực hiện tiêm chủng cho trẻ em để giúp tạo khả năng bảo vệ trẻ khi quay lại trường học trực tiếp, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu hay các nước ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ La-tinh.

Về vắc xin Pfizer/BioNTech, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin với hàng nghìn trẻ em và không phát hiện lo ngại nghiêm trọng nào về an toàn. Kết quả nghiên cứu giai đoạn cuối cho thấy vắc xin Pfizer cung cấp khả năng bảo vệ lâu dài chống lại virus cho thiếu niên từ 12-15 tuổi. Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của WHO đã kết luận rằng vắc xin Pfizer/BioNTech phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã cấp phép khẩn cấp vắc xin Pfizer để sử dụng cho trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Ngoài vắc xin Pfizer/BioNTech, các loại vắc xin khác đang được các nước sử dụng để tiêm ngừa cho trẻ em phòng Covid-19 còn có Sinopharm, Soberana-02 và Soberana Plus (Cuba).

Nhờ đâu trẻ em nhiễm Covid-19 ít bị bệnh nặng như người lớn?

Nghiên cứu cho thấy phản ứng miễn dịch bẩm sinh đã giúp trẻ em chống lại Covid-19 tốt hơn người trưởng thành.

Qua so sánh lây nhiễm Covid-19 ở người lớn và trẻ nhỏ, một nghiên cứu tại Anh đã nhận xét rằng trẻ em chống virus SARS-CoV-2 tốt hơn.

Nghiên cứu do Đại học College London (UCL) phát hiện ra rằng trẻ em triển khai interferon nhanh hơn, giúp các tế bào lân cận tăng cường khả năng phòng thủ trước mối đe dọa. Interferon là một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi hệ miễn dịch để chống lại các tác nhân ngoại lai bao gồm virus. Các protein này thường sẽ kích hoạt các tế bào B và T để tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh và ngăn virus hoặc vi khuẩn lây lan.

Phản ứng trong cơ thể người trưởng thành chậm hơn, đồng nghĩa với việc virus có thể lan đến các bộ phận khác của cơ thể, nơi khó kiểm soát lây nhiễm hơn. Điều này có thể dẫn đến phản ứng quá mức nguy hiểm của hệ thống miễn dịch.

Tiến sĩ Masahiro Yoshida cho biết: "Bởi vì SARS-CoV-2 là một loại virus mới, nó không phải là thứ mà hệ thống miễn dịch thích ứng của cơ thể người trưởng thành đã nhận biết để phản ứng lại. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh của trẻ em linh hoạt hơn và có khả năng phản ứng tốt hơn trước mối đe dọa".

Nghiên cứu của UCL đã xem xét đường thở và mẫu máu của 19 bệnh nhân Covid-19 trẻ em và 18 người lớn, cộng với các mẫu đối chứng từ những người khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng hít interferon có thể được xem như một liệu pháp chữa Covid-19.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 24.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.