Bản tin Covid-19 ngày 26.10: Số ca tử vong tại "điểm nóng" TP.HCM giảm sâu

26/10/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 26.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin Covid-19 hôm nay ngày 26.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận 3.595 ca Covid-19 mới, 2.989 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 26.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 25.10 đến 17 giờ ngày 26.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.595 ca nhiễm mới, 2.989 ca khỏi bệnh.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 21.802 ca.

Thông tin về 3.595 ca nhiễm mới như sau:

  • 3 cá cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 3.592 ca ghi nhận trong nước (giảm 28 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 1.431 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (783), Bình Dương (528), Đồng Nai (481), An Giang (290), Đắk Lắk (162), Tiền Giang (121), Tây Ninh (120), Kiên Giang (118), Trà Vinh (108), Bạc Liêu (106), Long An (66), Nghệ An (59), Cần Thơ (57), Thanh Hóa (50), Gia Lai (46), Khánh Hòa (45), Bình Thuận (40), Bà Rịa - Vũng Tàu (33), Phú Thọ (33), Cà Mau (32), Quảng Nam (28), Hà Giang (28), Hậu Giang (27), Nam Định (26), Bình Định (23), Bình Phước (23), Bến Tre (19), Vĩnh Long (18), Hà Nội (18), Đồng Tháp (17), Thừa Thiên-Huế (12), Ninh Thuận (11), Hà Nam (11), Hưng Yên (8 ), Quảng Ngãi (8 ), Đắk Nông (7), Lâm Đồng (6), Sơn La (4), Quảng Bình (3), Đà Nẵng (2), Phú Yên (2), Vĩnh Phúc (2), Kon Tum (2), Bắc Giang (2), Lai Châu (2), Tuyên Quang (2), Bắc Ninh (1), Lạng Sơn (1), Hải Dương (1).
Ngày 26.10: Cả nước 3.595 ca Covid-19, 2.989 ca khỏi | TP.HCM 783 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-186), Sóc Trăng (-87), Bạc Liêu (-50).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+129), An Giang (+58), Trà Vinh (+48).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.690 ca/ngày.- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 896.174 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.099 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 891.389 ca, trong đó có 807.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (426.873), Bình Dương (229.885), Đồng Nai (62.471), Long An (34.367), Tiền Giang (15.858).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.989
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 810.290

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.722 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.840
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 446
  • Thở máy không xâm lấn: 90- Thở máy xâm lấn: 329
  • ECMO: 17

Trong ngày, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (27), Bình Dương (14), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), Long An (3), Bạc Liêu (3), Tây Ninh (3), An Giang (3), Ninh Thuận (1), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Nghệ An (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 65 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.802 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 26.10: Thông báo 64 ca Covid-19 tử vong tại 12 tỉnh thành

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 21.714.085 mẫu cho 59.313.892 lượt người.

Trong ngày 25.10 có 920.398 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 74.950.393 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 53.125.886 liều, tiêm mũi 2 là 21.824.507 liều.

Vắc xin Covid-19 Pfizer được tiêm đồng loạt cho trẻ em

Hôm nay 26.10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

Theo đó, từ tháng 11.2021, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vắc xin được khẳng định đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Bộ Y tế 'chốt' tiêm vắc xin Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ em từ tháng 11.2021

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ và các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em theo độ tuổi đã hướng dẫn trong Văn bản 8688 ngày 14.10.2021 của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

Việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ.

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã, phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).

Việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn.

“Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ngày 27.10, gần 11.000 trẻ em ở Củ Chi bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19

Sáng 26.10, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND H.Củ Chi (TP.HCM) cho biết đến sáng nay, công tác chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em đã cơ bản hoàn tất. H.Củ Chi và Q.1 là 2 địa phương đầu tiên được thành phố chọn thí điểm tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em.

Dự kiến vào ngày mai (27.10), H.Củ Chi bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ em tại 6 điểm tiêm, bố trí tại các trường học ở bệnh viện, gần trạm y tế.

Chiều 26.10 hoặc ngày 27.10, TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi

Cụ thể, 6 điểm tiêm gồm: Trường Tiểu học thị trấn Củ Chi (đường Nguyễn Phúc Trú, khu phố 1), Trường THCS Thị trấn 2 (số 28 đường Lê Vĩnh Huy, khu phố 7, thị trấn Củ Chi), Trường THCS Phước Thạnh (tỉnh lộ 7, ấp Phước An, xã Phước Thạnh), Trường THPT An Nhơn Tây (tỉnh lộ 7, xã An Nhơn Tây), Trường THCS Tân Thạnh Đông (tỉnh lộ 15, xã Tân Thạnh Đông) và Trường Tiểu học Hòa Phú (ấp 1A, xã Hòa Phú).

Theo thống kê của UBND H.Củ Chi, tổng trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn huyện khoảng 51.095 em. Ước tính, huyện tổ chức tiêm vắc xin cho khoảng 11.000 trẻ em từ 16 - 17 tuổi trong đợt này, chủ yếu là học sinh cấp 3.

Bà Hiền cho biết công tác chuẩn bị được thực hiện rất chu đáo, kế hoạch được xây dựng kỹ càng, cân nhắc kỹ cho từng tình huống, bố trí xe cấp cứu tại các điểm tiêm.

TP.HCM đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em trên địa bàn

sỹ đông

Trước đó, huyện đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh, trẻ em. “Tất cả phụ huynh được lấy ý kiến đã thống nhất với việc tiêm vắc xin cho con em mình, bao gồm cả một số em khó khăn về vận động. Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn tổ chức tiêm sớm để an tâm hơn”, bà Hiền cho hay. Khi lập danh sách, phụ huynh sẽ đăng ký tiêm cho con em trên tinh thần tự nguyện, tỷ lệ thống nhất gần như 100%.

Về công tác chuẩn bị, bà Hiền cho biết nếu như trước đây việc tiêm chủng chú trọng bác sĩ cấp cứu sau tiêm thì nay bổ sung thêm bác sĩ nhi để xử trí khi có vấn đề xảy ra.

Còn lãnh đạo UBND Q.1 cho biết đã khảo sát, thống kê danh sách học sinh và trẻ em ở độ tuổi 16 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn, khi có hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế TP.HCM thì quận tổ chức tiêm. Dự kiến, các điểm tiêm được tổ chức ở trường học, những em có bệnh nền thì tiêm ở bệnh viện; phụ huynh nào còn chần chừ thì quận tiếp tục vận động.

Thống kê sơ bộ, tổng trẻ từ 12- 17 tuổi trên địa bàn Q.1 khoảng 23.000 em; số lượng học sinh cấp 3 trên địa bàn khoảng hơn 8.100 em.

Chiều qua (25.10), Sở Y tế TP.HCM gửi công văn đề nghị Viện Pasteur TP.HCM chấp thuận cho phép sử dụng vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi. Ước tính có khoảng 780.000 trẻ 12 - 17 tuổi trên toàn TP.HCM.

Q.1 tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em tại 2 điểm tiêm từ ngày 27.10

Chiều 26.10, lãnh đạo UBND Q.1 (TP.HCM) cho biết ngày mai (27.10) quận sẽ tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em tại điểm tiêm: Trường THPT Lương Thế Vinh (P.Cô Giang).

Thống kê sơ bộ, tổng số trẻ từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn Q.1 là 25.421 em; số lượng học sinh cấp 3 là 9.384 em. Đa số điểm tiêm ở Q.1 là trường học, những em có bệnh nền thì tổ chức tiêm ở bệnh viện.

Ngày mai, TP.HCM sẽ bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ em ở Q.1 và H.Củ Chi

độc lập

Q.1 là một trong 2 địa phương đầu tiên được TP.HCM chọn làm nơi thí điểm tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em, nơi còn lại là Củ Chi.

Chiều cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với các đơn vị khảo sát và thống nhất chọn Trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi (H.Củ Chi) là nơi thí điểm tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn huyện, dự kiến số lượng là 1.500 em.

TP.HCM còn khoảng 700.000 liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em

Chiều 26.10, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đã ký văn bản trả lời Sở Y tế TP.HCM liên quan đến công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, Viện Pasteur đề nghị Sở Y tế chỉ đạo thực hiện theo đúng các hướng dẫn tại công văn 8688 ngày 14.10 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi và công điện 1675 ngày 22.10 về việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19.

TP.HCM tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi từ ngày 27.10

Về cơ bản, Viện thống nhất với Kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM. Tuy nhiên, nên triển khai trước ở 1 - 2 quận, huyện, sau đó cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện, bổ sung công tác tổ chức (nếu cần thiết) nhằm đảm bảo tối đa tiêm chủng an toàn.

Trên nguồn vắc xin hiện có của TP.HCM, sử dụng vắc xin Comirnaty (Pfizer) đã được Bộ Y tế và nhà sản xuất hướng dẫn sử dụng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và tiêm theo lộ trình đã được Bộ Y tế hướng dẫn tại công văn 8688; trước mắt ưu tiên cho trẻ 16 - 17 tuổi.

TP.HCM sử dụng vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 12 -17 tuổi

NGọc DƯƠNG

Về khám sàng lọc trước tiêm vắc xin Covid-19, thực hiện khám sàng lọc theo quyết định 4355 ngày 10.9 của Bộ Y tế, trong đó có hướng dẫn các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là: “Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc xin” và tiếp tục cập nhật khi có hướng dẫn mới của Bộ Y tế.

Hôm qua, ngày 25.10, Sở Y tế TP.HCM có công văn khẩn số 7861 gửi Viện trưởng Viện Pasteur về việc xin ý kiến tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Theo công văn 7861, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể loại vắc xin sử dụng để tiêm cho trẻ, chưa có hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Vì vậy, trong khi chờ Bộ Y tế có hướng dẫn, Sở Y tế đề nghị Viện Pasteur TP.HCM chấp thuận cho phép sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và hướng dẫn, tập huấn chuyên môn.

Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị Viện trưởng Viện Pasteur sớm xem xét và có ý kiến chỉ đạo để TP.HCM thực hiện.

Sáng 26.10, Sở Y tế TP.HCM, Viện Pasteur, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã tập huấn công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả đội tiêm và các Trung tâm y tế. Như vậy, sau khi có trả lời từ Viện Pasteur, TP.HCM sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi là vắc xin Pfizer. Triển khai tiêm vào ngày 27.10 tại điểm trường Q.1 và H.Củ Chi.

Theo thông tin PV Thanh Niên có được, hiện TP.HCM còn khoảng 700.000 liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em.

TP.HCM tạm ngưng toàn bộ các chốt kiểm soát cửa ngõ

Chiều 26.10, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu về hoạt động của các các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào thành phố.

Cách đây gần 1 tuần, Phó chủ tịch Ngô Minh Châu đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành như: công an, quân đội, giao thông vận tải, y tế, công thương… để nghe báo cáo đề xuất tạm ngưng triển khai 51 chốt, trạm kiểm soát khu vực cửa ngõ.

TP.HCM tạm dừng chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ, đặc biệt theo dõi biến thể Delta Plus

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, Phó chủ tịch Ngô Minh Châu chấp thuận chủ trương tạm ngưng triển khai các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào thành phố; thực hiện từ 18 giờ ngày 26.10.

UBND TP.HCM giao Công an TP.HCM chủ trì, phối họp với các cơ quan đơn vị có liên quan tiếp tục công tác tuần tra kiểm soát lưu động, chỉ đạo các tổ tuần tra lưu động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định công tác phòng, chống dịch tại các khu vực bến xe, ga tàu, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh. Đồng thời, quan tâm đến công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn đối với người lưu thông theo quy định.

Các chốt kiểm soát khu vực cửa ngõ TP.HCM chính thức dừng hoạt động

sỹ đông

Sở GT-VT phối hợp Công an TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra các tiêu chí, quy định về hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách của các đơn vị vận tải đàm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch trên địa bàn.

Sở Y tế TP.HCM phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát, phòng, chống dịch theo quy định tại các khu vực bến xe, ga tàu, sân bay... các tuyến đường vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh; lưu ý việc sử dụng hộ chiếu vắc xin và đặc biệt theo dõi diễn biến của biến thể mới Delta Plus của Covid-19.

Chủ tiệm vàng thoát cảnh chạy xe máy về quê nhờ chuyến xe của bộ đội

Từ cuối tháng 4.2021, hai vợ chồng ông Nguyễn Tấn Lập lên TP.HCM định ở chơi một vài hôm với các con. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến hai người mắc kẹt nhiều tháng không về quê được.

Ở quê, ông mở một tiệm vàng nhỏ, may mắn trước khi lên TP.HCM ông cũng đã đem gửi cho người thân giữ dùm. Mặc dù vậy, ông vẫn nóng lòng được về nhà vì đã xa quê gần 6 tháng.

Có 509 người xác nhận về quê nhưng đến sáng nay, chỉ có 201 người lên xe về miền Tây.

vũ phượng

Thời điểm đầu tháng 10.2021, khi làn sóng nhiều người tiếp tục đổ về quê. Ông đã định mua một chiếc xe máy cũ để đi về theo. Nhưng sau đó, ông biết được TP.HCM có hỗ trợ người về quê nên đã đăng ký.

Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Lập là một trong số nhiều trường hợp vừa được Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc, Công an TP.HCM và Sở GTVT TP.HCM hỗ trợ về quê theo nguyện vọng vào ngày 26.10.2021.

Chủ tiệm vàng thoát cảnh chạy xe máy về quê nhờ chuyến xe của bộ đội

Những người về quê trong dịp này đều thuộc đối tượng yếu thế như lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, người khuyết tật lên TP.HCM khám bệnh hoặc thăm người thân nhưng do dịch mà chưa về được. Những người về quê được lực lượng tổ chức hỗ trợ đưa đón, mang đồ đạc lên xe. Đặc biệt, những người dân trước khi lên xe còn được hỗ trợ thêm một phần quà.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM, thì trong sáng 26.10 chỉ có 201 người đã lên xe về quê, ít hơn nhiều so với số lượng người trong danh sách đã đăng ký trừ trước. Cụ thể, danh sách ban đầu có 696 người được thành phố hỗ trợ về quê trong đợt này, sau đó chốt lại có 509 người xác nhận về quê. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có 201 người đã lên xe về các tỉnh miền Tây. Thời gian tới đây sẽ tiếp tục có các chuyến xe hỗ trợ đưa người dân về các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và Bà Rịa – Vũng Tàu xuất phát từ TP.HCM.

Chưa kịp khai trương vì dịch, chủ quầy bar chuyển qua ‘pha chế online’ trên YouTube

Nguyễn Phú Cường, 28 tuổi, chủ một quầy bar chưa kịp khai trương vì dịch Covid-19 tại Q.Bình Tân, TP.HCM mở màn để bắt đầu một clip hướng dẫn pha chế cocktail trên kênh YouTube cá nhân suốt gần 5 tháng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

Chưa kịp khai trương vì dịch, chủ quầy bar chuyển qua ‘pha chế online’ trên YouTube

Ngoài kỹ năng pha chế của một bartender chuyên nghiệp, anh Nguyễn Phú Cường còn từng có thời gian dài làm hướng dẫn du lịch cho khách nước ngoài ở Sài Gòn. Bởi vậy, anh chàng sở hữu khả năng nói chuyện lưu loát và đầy lôi cuốn.

Tháng 8.2020, anh Cường trở về Việt Nam trên chuyến bay hồi hương sau 2 năm trải nghiệm và làm bartender ở Úc. Tận dụng không gian tầng thượng của nhà mình, anh Cường đã cùng vợ tự tay xây dựng một quầy bar nhỏ, khi anh vừa là chủ, vừa là người pha chế duy nhất để kể những câu chuyện và trải nghiệm cá nhân.

Chưa kịp khai trương đã phải ngưng hoạt động vì dịch, thế nhưng, suốt 5 tháng qua, anh chàng chưa khi nào hết bận rộn khi quyết định chuyển qua pha chế… online, thực hiện loạt video pha chế cocktail trên YouTube để thích nghi với tình hình mới.

Mỗi video anh Cường đăng trên YouTube có độ dài từ 7-15 phút. Trước khi bắt đầu quay, anh phải mất nhiều công sức tìm nguồn tài liệu về loại cocktail để truyền tải thông tin hữu ích nhất đến người xem của mình.

Công việc bartender là niềm đam mê của chàng trai này sau khi có một khoảng thời gian làm hướng dẫn viên du lịch

lê nam

Đến nay, anh Cường đã đăng tải gần 40 video trên trang YouTube cá nhân. Lượt xem mỗi video tuy chưa quá nhiều vì trước đây kênh từng có thời gian làm các clip về du lịch và khám phá nước Úc. Tuy nhiên, anh chàng kỳ vọng trong thời gian tới, lượt tiếp cận sẽ cải thiện khi nhiều người biết loạt nội dung này hơn.

Nguyễn Phú Cường - Chủ quầy bar chia sẻ: "Cường chưa kiếm được thu nhập từ YouTube nhưng mà sau này có thể có. Giống như bây giờ là thời gian để mình đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức vào để sau này mình có thể có lợi nhuận để mình trang trải những vấn đề khác. Nhưng hiện tại, tiền để Cường trang trải trong cuộc sống hiện tại thứ nhất là tiền bán shop ở dưới chung với vợ của Cường và thứ hai là tiền mà Cường đã để dành lúc Cường đi làm bên Úc".

Cường thường dành nhiều thời gian để tìm hiểu về lịch sử món đồ uống trước khi quay video pha chế trên YouTube

lê nam

Sau dự án 365 video trên YouTube về cocktail, Cường mong muốn sẽ mang văn hoá uống rượu, văn hoá cocktail đến gần hơn với các bạn trẻ.

"Khi nhắc tới rượu, nhiều người cảm giác không tốt, lúc nào cũng gắn liền với những hình ảnh xấu nên Cường cùng với những bartender khác mong muốn sẽ xây dựng một hình ảnh tốt hơn cho rượu và cocktail", ông chủ quầy bar nói PV Thanh Niên.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 26.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.