Bản tin Covid-19 ngày 4.3: Cả nước 173.631 ca | Còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh cúm mùa

04/03/2022 20:03 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 4.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 4.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 173.631 ca Covid-19, 38.911 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 4.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 3.3 đến 16h ngày 4.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 125.587 ca nhiễm mới. Ngoài ra, Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 29.074 ca và Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 18.970 ca.

Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 173.631 ca.

Trong ngày có 38.911 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 97 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.644 ca.

Thông tin về 173.631 ca vừa được công bố như sau:

  • 19 ca nhập cảnh.
  • 125.568 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.788 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 79.992 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (21.395), Nghệ An (6.657), Bắc Ninh (6.011), Sơn La (4.182), Quảng Ninh (3.919), Nam Định (3.870), Hưng Yên (3.702), Lạng Sơn (3.335), Phú Thọ (3.288), Bình Dương (3.201), TP.HCM (3.070), Vĩnh Phúc (2.814), Thái Nguyên (2.670), Bắc Giang (2.653), Lai Châu (2.637), Hòa Bình (2.593), Tuyên Quang (2.582), Đắk Lắk (2.560), Ninh Bình (2.405), Yên Bái (2.385), Hải Dương (2.317), Quảng Bình (2.305), Cao Bằng (2.159), Khánh Hòa (2.142), Thái Bình (2.138), Hà Giang (2.124), Lào Cai (1.984), Bình Phước (1.958), Hà Nam (1.896), Điện Biên (1.806), Bình Định (1.703), Đà Nẵng (1.689), Cà Mau (1.608), Gia Lai (1.276), Thanh Hóa (1.128), Quảng Trị (1.110), Lâm Đồng (1.088), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.067), Đắk Nông (894), Hà Tĩnh (846), Bến Tre (781), Phú Yên (776), Tây Ninh (697), Bắc Kạn (509), Quảng Ngãi (431), Thừa Thiên-Huế (385), Bình Thuận (384), Quảng Nam (357), Vĩnh Long (341), Trà Vinh (313), Kon Tum (255), Bạc Liêu (250), Đồng Nai (179), Long An (154), Cần Thơ (133), Kiên Giang (130), Hải Phòng (106), An Giang (49), Đồng Tháp (48), Ninh Thuận (39), Sóc Trăng (38), Tiền Giang (23), Hậu Giang (23).
  • Ngày 4.3.2022, Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 29.074 ca và Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 18.970 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-2.475), Lào Cai (-430), Bà Rịa - Vũng Tàu (-254).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+2.734), Lai Châu (+2.637), Bình Dương (+919).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 101.812 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.059.262 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 41.093 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.051.832 ca, trong đó có 2.586.619 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (545.057), Hà Nội (340.443), Bình Dương (304.810), Đồng Nai (119.444), Tây Ninh (102.004).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 38.911 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.589.436 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.246 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.418 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 421 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 104 ca
  • Thở máy xâm lấn: 294 ca
  • ECMO: 9 ca

Từ 17h30 ngày 3.3 đến 17h30 ngày 4.3 ghi nhận 97 ca tử vong tại: Hà Nội (18), Nam Định (14 ca trong 02 ngày), Quảng Nam (9), Nghệ An (6), Thái Nguyên (6), Đà Nẵng (5), Hà Giang (3), Quảng Bình (3), Bình Phước (2), Bình Thuận (2), Đắk Lắk (2), Đồng Tháp (2), Gia Lai (2), Hòa Bình (2), Kiên Giang (2), Lào Cai (2), Phú Thọ (2), Quảng Ninh (2), Tây Ninh (2), TP.HCM (2), An Giang (1), Bắc Ninh (1), Bình Dương (1), Cà Mau (1), Cao Bằng (1), Đắk Nông (1), Hậu Giang (1), Ninh Bình (1), Yên Bái (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 97 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.644 ca, chiếm tỉ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 34.130.109 mẫu tương đương 79.863.303 lượt người, tăng 135.464 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 3.3 có 645.805 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 196.320.242 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 179.519.139 liều: Mũi 1 là 70.803.561 liều; Mũi 2 là 67.534.637 liều; Mũi 3 là 1.448.003 liều; Mũi bổ sung là 14.122.259 liều; Mũi nhắc lại là 25.610.679 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.801.103 liều: Mũi 1 là 8.634.244 liều; Mũi 2 là 8.166.859 liều.

Còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh cúm mùa

Chiều 3.3.2022, trả lời câu hỏi về nguyên nhân số F0 tăng cao cũng như dự báo diễn biến dịch năm 2022 tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết số ca mắc mới tăng cao hiện nay do nhiều nguyên nhân như tốc độ lây lan của chủng Omicron gấp 5 lần chủng cũ và gấp 2 lần chủng Delta trước đây.

Còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh cúm mùa

Việc chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, mở lại một số hoạt động, đặc biệt độ bao phủ tiêm vắc xin cao khiến một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan.

Về dự báo kịch bản dịch bệnh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết WHO trong báo cáo ngày 14.2 đã nhận định thời điểm này còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh cúm mùa. Ngoài ra, chủng Omicron đang lây lan rất nhanh chưa từng thấy, năm 2022 dự báo tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc.

Dù vậy, chúng ta không nên quá lo lắng vì Việt Nam đứng top 10 thế giới, top 5 châu Á và top 2 Đông Nam Á về tỉ lệ tiêm và độ phủ vắc xin.

Về thuốc điều trị, ngày 17.2, Cục Quản lý dược (thuộc Bộ Y tế) cũng đã cấp giấy phép cho 3 loại thuốc Monulpiravir đưa vào điều trị. Bộ Y tế cũng đã làm việc với Pfizer để đưa một số loại thuốc đã được thế giới cấp phép vào điều trị.

Trước phản ánh của người dân về việc kit test xét nghiệm khan hàng, tăng giá liên tục, ông Đỗ Xuân Tuyên cho rằng khi xuất hiện chủng Omicron tốc độ lây lan nhanh, nhu cầu người dân tăng lên khiến nguồn cung không đáp ứng kịp. Bộ Y tế cách đây 2 tuần đã nắm được tình hình và họp bàn giải pháp với các bộ liên quan để đưa ra các giải pháp bình ổn.

Dù vậy, để tránh tăng giá kit test, ý thức người dân rất quan trọng, chỉ mua kit khi cần, không nên mua dự trữ, dùng đến đâu mua đến đó. Mỗi gia đình chỉ cần test 2 - 3 ngày/lần, vì chủng Omicron chu kỳ lây là 2 - 3 ngày. Khi giảm cầu thì nguồn cung sẽ đáp ứng đủ.

Về việc công bố số F0 hàng ngày, theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc công bố bao nhiêu ca, thời điểm nào đều báo cáo và phải được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho phép. Hiện nay, việc thống kê số F0 vẫn phải làm bình thường vì phục vụ cho công tác dự báo, dự đoán và các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc có công bố công khai số liệu F0 hàng ngày nữa hay không Bộ Y tế sẽ tổng hợp để báo cáo lại Ban Chỉ đạo quốc gia.

Bên cạnh đó, quy định cách ly F1 tới 5 ngày của Bộ Y tế cũng được cho là chưa phù hợp do nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết việc cách ly F1 mục tiêu nhằm giảm gia tăng số lượng F0. Trước đó khi chưa có vắc xin, Bộ Y tế còn đưa ra quy định cách ly 28 ngày, sau đó đưa xuống cách ly 14 ngày, xét nghiệm 3 lần. Khi độ bao phủ vắc xin tăng cao mới hướng dẫn cách ly 5 ngày, với người nhập cảnh tự theo dõi sức khoẻ 3 ngày. Ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết cũng nhận được phản ánh về việc cách ly dài, đã giao Cục Y tế dự phòng nghiên cứu. Với diễn biến tình hình này, sẽ tham mưu để Bộ có hướng dẫn phù hợp. Quy định điều chỉnh liên tục, có khi nay đưa ra mai đã phải xem xét sửa đổi.

Liên quan đến việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - 7 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ đã báo cáo Chính phủ, xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chính phủ đã có Nghị quyết cho mua vắc xin với số lượng 21,9 triệu liều để tiêm cho 11,8 triệu trẻ em với tỉ lệ 98%, theo cơ chế đặc biệt.

Về câu hỏi cá nhân ông nghĩ gì về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 7 tuổi, ông Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ Y tế đã lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt phụ huynh học sinh từ 5 - 11 tuổi, tỉ lệ đồng tình cao khoảng 78%, tỉ lệ đồng tình khoảng 18%, tổng tỉ lệ đồng tình khoảng 95 - 96%. Bộ Y tế đã phối hợp Bộ GD-ĐT khảo sát, thấy cơ bản người dân rất quan tâm và đồng tình. Bộ Y tế cũng đã họp với Pfizer xây dựng dự toán và thống nhất nhà thầu, mục tiêu trong tháng 3 sẽ đưa 7 triệu liều vắc xin về trước và tháng 4 sẽ đưa hết 14 triệu liều còn lại.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết thêm, dịch Covid-19 đang lây lan rất nhanh ra cộng đồng với số F0 tăng cao. Một bộ phận cán bộ, người dân lơ là và xuất hiện tâm lý chủ quan đằng nào cũng mắc bệnh. Dự kiến thứ Bảy tuần này, Chính phủ sẽ họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp ứng phó.

Dịch Covid-19 có xu hướng tăng, TP.HCM có kế hoạch tiêm vắc xin mũi 4 hay không?

Tính đến hết ngày 3.3.2022, số ca mắc Covid-19 mà TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị lên đến gần 70.000 ca. Trong đó, số ca nhập viện tầng 2, tầng 3 là 4.576 ca, 677 ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và có đến gần 63.600 ca cách ly tại nhà. Số ca mắc mới gia tăng kéo theo số ca nhập viện tăng và số ca nặng cũng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 359, số ca đang thở máy xâm lấn là 58, nhưng số ca tử vong vẫn được kiểm soát từ 0 - 2 ca/ngày.

Dịch Covid-19 có xu hướng tăng, TP.HCM có kế hoạch tiêm vắc xin mũi 4 hay không?

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Quyết định 218 ngày 27.1.2022 của Bộ Y tế chỉ hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, còn ứng xử theo từng cấp độ dịch như thế nào thì căn cứ vào Nghị quyết 128 ngày 11.10.2021 của Chính phủ và từng địa phương có biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (như trường hợp TP.HCM có Quyết định 3900 ngày 16.11.2021). Quyết định 218 hay ở điểm là chỉ đánh giá dịch cấp xã chứ không phải cấp quận, huyện và thành phố. Nếu vùng nào dịch tăng thì hạn chế một số hoạt động vùng đó, các vùng khác không bị ảnh hưởng. TP.HCM đã có phường, xã “vùng cam” thì phải áp dụng theo đúng Quyết định 3900, tức là sẽ áp dụng hạn chế một số hoạt động.

Cũng theo lãnh đạo HCDC, với đà ca bệnh gia tăng như hiện nay, vấn đề đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 218 chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định, bởi dịch và bệnh tăng là sự thật. Những ca bệnh báo cáo đó chỉ là phần nổi của tảng băng, thực tế sẽ còn nhiều hơn. Cách đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 218, tính đến thời điểm này là hợp lý so với các cách đánh giá cũ, vì ngưỡng mức độ lây nhiễm, ca mắc mới đã được nới rất nhiều, cho phép có những yếu tố điều chỉnh. Để giảm thiệt hại, không còn truy vết như trước, giảm thời gian cách ly F1, xác định đúng F1 nào đáng cách ly thì cách ly, và bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ là quan trọng nhất.

Chiều 3.3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM họp giao ban trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng, nhiều phường, xã tăng cấp độ dịch. Theo báo cáo của Sở Y tế, tuần qua, TP.HCM có 77 phường, xã cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - “vùng vàng”) và 13 phường, xã cấp độ 3 (nguy cơ cao - “vùng cam”).

Về tình hình tiêm vắc xin phòng Covid-19, kể từ đầu tháng 2.2022 đến nay, mỗi ngày đều có hàng chục đến hàng trăm người ở TP.HCM đi tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19. Tính đến hết ngày 2.3, TP.HCM đã tiêm hơn 20,2 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó có hơn 8,1 triệu liều mũi 1; hơn 7,3 triệu liều mũi 2; hơn 673.000 liều mũi bổ sung và hơn 4 triệu liều mũi nhắc lại. Đối với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm hơn 18,8 triệu liều và trẻ em từ 12 - 17 tuổi là hơn 1,4 triệu liều.

Trả lời câu hỏi TP.HCM có chuẩn bị, tính toán tiêm mũi 4 hay không, lãnh đạo HCDC cho biết quan trọng nhất hiện nay của thành phố là tiêm phủ hết cho những người cần tiêm mũi 3, tiêm bảo vệ hết cho người thuộc nhóm nguy cơ và tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Đối với vấn đề tiêm mũi 4, ngay cả trên thế giới vẫn còn chưa ngã ngũ, Bộ Y tế cũng chưa có khuyến cáo và TP.HCM thì càng chưa.

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nói rằng TP.HCM đặt mục tiêu 2 tuần tới vượt qua đỉnh dịch, trong đó rất cần sự cố gắng lớn của các địa phương, vai trò phường, xã rất quan trọng. Do vậy, các phường căn cứ Quyết định 3900 của UBND TP.HCM để thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt, trong đó siết chặt các hoạt động ở phường vùng cam; nếu làm không nghiêm thì sẽ xử lý. Đồng thời, UBND các quận, huyện cử đoàn kiểm tra tại các phường, xã để chấn chỉnh.

Liên quan chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao, lãnh đạo TP.HCM giao Sở Y tế khẩn trương thực hiện đến ngày 31.3 để bảo vệ người dân trước những tác động của dịch Covid-19, tinh thần là đi từng ngõ, gõ từng nhà để ghi nhận những trường hợp cần hỗ trợ.

Trước báo cáo về một số phường, xã tăng cấp độ dịch do mức độ đáp ứng trung bình và yếu, ông Dương Anh Đức cho rằng đây là điều không thể chấp nhận được vì các địa phương đã có thời gian chuẩn bị. Giải pháp trước mắt là Sở Y tế dùng nguồn lực chung của thành phố, cùng các quận, huyện gánh vác cho nhau; vận dụng tối đa mạng lưới thầy thuốc đồng hành, tư vấn trực tuyến để giảm tải cho địa phương. Khi tính năng lực đáp ứng của địa phương phải tính cả lực lượng này bởi đây là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho thành phố trong công tác phòng chống dịch thời gian qua. Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM cũng hy vọng báo cáo đánh giá cấp độ dịch tuần này sẽ không địa phương nào có mức độ đáp ứng trung bình trở xuống.

Về dữ liệu tiêm chủng vắc xin trên hệ thống tiêm chủng quốc gia thấp hơn thực tế, ông Dương Anh Đức yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc nhập dữ liệu, chủ động điều chỉnh, bổ sung các thông tin chưa chính xác. Trong lúc chờ hỗ trợ của Bộ Y tế và hệ thống tiêm chủng quốc gia về chia sẻ dữ liệu, các địa phương tính toán lại số liệu tiêm chủng thực tế để đánh giá cấp độ dịch, và chịu trách nhiệm về tính chính xác.

WHO cập nhật hướng dẫn điều trị Covid-19 đối với thuốc Molnupiravir

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra bản cập nhật hướng dẫn về phương pháp điều trị Covid-19 để đưa vào khuyến nghị có điều kiện về thuốc Molnupiravir.

WHO cập nhật hướng dẫn điều trị Covid-19 đối với thuốc Molnupiravir

Molnupiravir là loại thuốc kháng vi rút đường uống đầu tiên được đưa vào hướng dẫn điều trị Covid-19. Đây là một loại thuốc mới nên còn ít dữ liệu về độ an toàn. WHO khuyến nghị giám sát tích cực về tính an toàn của thuốc, cùng với các chiến lược khác để giảm thiểu tác hại tiềm ẩn.

Molnupiravir chỉ nên được cung cấp cho những bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng (nguy cơ nhập viện cao nhất), bao gồm: Những người chưa tiêm vắc xin Covid-19, người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mãn tính…

Trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên dùng thuốc. Những người sử dụng Molnupiravir nên có kế hoạch tránh thai và hệ thống y tế phải đảm bảo khả năng tiếp cận với xét nghiệm mang thai và các biện pháp tránh thai tại điểm chăm sóc.

Molnupiravir được dùng dưới sự giám sát của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mỗi lần dùng 4 viên (tổng 800mg), hai lần mỗi ngày, trong 5 ngày. Thuốc cũng được dùng trong vòng 5 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng. Khi được sử dụng càng sớm sau khi bị nhiễm trùng càng tốt, nó có thể giúp ngăn ngừa nhập viện.

Những khuyến nghị và khuyến cáo trên về thuốc molnupiravir được WHO đưa ra dựa trên các kết quả của 6 cuộc thử nghiệm liên quan gần 4.800 bệnh nhân.

Một số lưu ý khi dùng thuốc Monulpiravir

- Không dùng thuốc cho những trường hợp quá mẫn với Monulpiravir hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.

- Do có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn nên Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi.

- Thuốc cũng không dùng cho việc phòng ngừa trước hoặc sau phơi nhiễm với Covid-19 hoặc bắt đầu điều trị ở bệnh nhân nhập viện do Covid-19, do lợi ích của việc điều trị chưa được quan sát thấy ở những người khi bắt đầu điều trị sau khi nhập viện do Covid-19.

- Molnupiravir không thể thay thế cho việc tiêm chủng ở những người được khuyến cáo tiêm vắc xin Covid-19.

- Các tác dụng phụ được quan sát thấy bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và chóng mặt. Tính an toàn và hiệu quả của Molnupiravir để điều trị Covid-19 tiếp tục được đánh giá.

96% người được khảo sát đồng tình tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo khảo sát, có khoảng 96% người dân, phụ huynh được khảo sát đồng ý tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi này.

96% người được khảo sát đồng tình tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Chính phủ đã có Nghị quyết cho mua 21,9 triệu liều vắc xin của Pfizer tiêm cho khoảng 11,8 triệu trẻ em, nhân hai mũi nhân 98%. Thủ tướng đã có quyết định cho Bộ Y tế mua theo cơ chế đặc biệt, theo điều 26 của Luật Đấu thầu.

Cùng với đó, căn cứ ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương để lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh học sinh từ 5 - 11 tuổi. Cụ thể, tỉ lệ phụ huynh được khảo sát "đồng tình cao" khoảng 78%; tỉ lệ "đồng tình" khoảng 18%; tổng cộng đạt 95 - 96%. Như vậy, với khảo sát của Ban Tuyên giáo, cùng với việc Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để khảo sát thì cơ bản là người dân quan tâm, đồng tình.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết Bộ Y tế đã họp và thống nhất với Pfizer để xây dựng dự toán và kế hoạch đấu thầu, phấn đấu trong quý I (tháng 3.2022) đưa được 7 triệu liều vắc xin về tiêm cho trẻ em và trong quý IV đưa về 14,9 triệu liều.

Trước đó, khoảng cuối tháng 2.2022, Bộ Y tế thông tin đã cơ bản đã thực hiện xong thủ tục mua vắc xin và Bộ đề nghị cấp chậm nhất là đến 30.4.2022 để Việt Nam đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vắc xin cho trẻ em.

Tính đến 14 giờ ngày 4.3, cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, cả nước đã tiêm hơn 196,3 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó ngày 3.3 tiêm được hơn 647.000 mũi.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 4.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.