Bản tin Covid-19 ngày 7.12: Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam

07/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 7.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 7.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 13.840 ca Covid-19, 1.249 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 7.12 cho biết tính từ 16h ngày 6.12 đến 16h ngày 7.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.840 ca nhiễm mới, 1.249 ca khỏi bệnh.Cả nước ghi nhận thêm 217 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 26.700 ca.

Ngày 7.12: Cả nước 13.840 ca Covid-19, 1.249 ca khỏi | TP.HCM 965 ca

Thông tin về 13.840 ca nhiễm mới như sau:

  • 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 13.835 ca ghi nhận trong nước (giảm 723 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.306 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (965), Cần Thơ (898), Tây Ninh (869), Sóc Trăng (746), Hà Nội (737), Đồng Tháp (697), Bình Dương (645), Bình Phước (640), Cà Mau (615), Vĩnh Long (529), Bà Rịa - Vũng Tàu (491), Khánh Hòa (486), Bến Tre (441), Bạc Liêu (434), Tiền Giang (340), An Giang (325), Thừa Thiên Huế (306), Hậu Giang (293), Bình Định (281), Đồng Nai (272), Trà Vinh (254), Kiên Giang (229), Bắc Ninh (190), Nghệ An (179), Gia Lai (178), Bình Thuận (170), Hải Phòng (156), Đà Nẵng (141), Đắk Nông (137), Đắk Lắk (131), Lâm Đồng (100), Thanh Hóa (97), Hà Giang (86), Ninh Thuận (84), Long An (83), Phú Yên (63), Quảng Nam (53), Vĩnh Phúc (51), Hưng Yên (42), Quảng Ngãi (40), Quảng Ninh (37), Hòa Bình (33), Hải Dương (32), Phú Thọ (32), Kon Tum (32), Nam Định (31), Quảng Bình (28), Quảng Trị (25), Yên Bái (25), Bắc Giang (19), Thái Bình (18), Thái Nguyên (17), Hà Tĩnh (9), Hà Nam (9), Cao Bằng (5), Tuyên Quang (4), Bắc Kạn (2), Sơn La (2), Lào Cai (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (-315), Cần Thơ (-291), Bến Tre (-258).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (+419), Thừa Thiên-Huế (+245), Hà Nội (+150).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.959 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.337.523 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.567 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.332.216 ca, trong đó có 1.008.839 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (480.448), Bình Dương (285.134), Đồng Nai (90.094), Long An (38.883), Tây Ninh (34.211).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.249 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.011.656 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.019 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.666 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.388 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 180 ca
  • Thở máy xâm lấn: 770 ca
  • ECMO: 15 ca

Từ 17h30 ngày 6.12 đến 17h30 ngày 7.12 ghi nhận 217 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (57) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (2), Đồng Tháp (1), Tiền Giang (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Bình Dương (37), An Giang (19), Đồng Nai (18), Tây Ninh (14), Tiền Giang (13), Long An (10), Bình Thuận (7), Cần Thơ (7), Vĩnh Long (6), Kiên Giang (6), Đồng Tháp (5), Bạc Liêu (5), Cà Mau (3), Trà Vinh (3), Sóc Trăng (3), Bình Định (1), Quảng Bình (1), Đà Nẵng (1), Phú Yên (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 202 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.700 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 140.714 xét nghiệm cho 199.666 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 27.170.274 mẫu cho 70.146.808 lượt người.

Trong ngày 6.12 có 910.139 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 128.675.533 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.663.229 liều, tiêm mũi 2 là 55.012.304 liều.

Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam và lây lan rất lớn

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có Công điện số 1988 ngày 6.12.2021 gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến chủng mới (Omicron) của virus SARS-CoV-2.

Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam và lây lan rất lớn

Tại Công điện 1988, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; tiếp tục phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi (gồm: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique...) và một số quốc gia khu vực châu Âu.

Các tỉnh, thành thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19.

Các địa phương cần chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bổ vắc xin, đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn tại Công văn số 10225 ngày 1.12.2021 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương sẵn sàng các điều kiện y tế cho điều trị toàn diện; phân tầng điều trị và giảm đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị; bảo đảm đủ ô xy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Tổ chức sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận.

Các địa phương phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe…

Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Ngày 25.12.2021, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của vi rút SARS-CoV-2, là Omicron (B.1.1.529), ghi nhận lần đầu tại Nam Phi. Ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận biến chủng này.

Biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta.

Tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn. Các tỉnh, thành cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800; thực hiện hiệu quả nguyên tắc 5K, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân.

Kế hoạch TP.HCM bảo vệ nhóm nguy cơ trong đại dịch

Ngày 7.12.2021, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có tờ trình UBND TP.HCM dự thảo Triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Kế hoạch TP.HCM bảo vệ nhóm nguy cơ trong đại dịch Covid-19 ra sao?

Trong dự thảo này, Sở Y tế TP.HCM cho biết qua phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua cho thấy phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng vi rút trước đó.

Do đó, việc ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm Covid-19, phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ nhiễm Covid-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng vi rút và theo dõi sức khỏe nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

TP.HCM phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do Covid- 9.

Theo đó, giai đoạn đầu của chiến dịch bắt đầu từ ngày 7.12 đến ngày 31.12, sau đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong năm 2022.

Dự thảo kiến nghị UBND TP.HCM yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức và ngành y tế khẩn trương huy động nguồn lực để triển khai hiệu quả 6 hoạt động, cụ thể như sau:

1. Cập nhật danh sách và quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ

Dự thảo kiến nghị UBND TP.HCM giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức khảo sát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, bao gồm: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức để dự trù số lượng test nhanh, gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để được cung ứng sẵn sàng cho chiến dịch.

Sở Y tế TP.HCM có nhiệm vụ xây dựng phiếu thu thập thông tin và công cụ nhập dữ liệu hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ.

Để kịp thời triển khai các hoạt động bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức hoàn thành việc thu thập thông tin của người thuộc nhóm nguy cơ trước ngày 12.12

2. Triển khai xét nghiệm tầm soát phát hiện F0 đối với người thuộc nhóm nguy cơ

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn có nhiệm vụ triển khai thực hiện test đối với những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách trên địa bàn. Khuyến khích thành viên các hộ gia đình làm xét nghiệm nhanh cho người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp không tự làm xét nghiệm được, giao Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng thực hiện xét nghiệm cho người thuộc nhóm nguy cơ.

Về số lần làm xét nghiệm, người thuộc nhóm nguy cơ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên 2 lần, cách nhau 3 ngày nếu lần 1 âm tính). Nếu kết quả xét nghiệm sau 2 lần đều âm tính thì sẽ được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành". Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì được chăm sóc điều trị ngay.

Thời gian hoàn thành xét nghiệm trước ngày 18.12.

3. Tăng cường truyền thông đối với các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chịu trách nhiệm xây dựng nội dung truyền thông cho đối tượng đích là những người thuộc nhóm nguy cơ, người thân hoặc người chăm sóc cho người thuộc nhóm nguy cơ. Nội dung truyền thông tập trung vào hướng dẫn những biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ không bị lây nhiễm Covid-19; hướng dẫn phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 để được chẩn đoán và điều trị sớm…

4. Đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 đảm bảo không bỏ sót đối với những người thuộc nhóm nguy cơ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin Covid-19 đến từng người dân thuộc nhóm nguy cơ.

Đối với người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thuyết phục và nhanh chóng hướng dẫn đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc xin Covid-19 an toàn.

Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm thì tổ chức các đội tiêm lưu động để tiêm vắc xin tại nhà.

Đối với người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều, triển khai tiêm liều nhắc nếu đã tiêm mũi cuối trên 6 tháng.

Đối với các trường hợp suy giảm miễn dịch, tiêm liều bổ sung nếu đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày.

Thời gian hoàn thành tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ trước ngày 29.12

5. Chăm sóc và điều trị người F0 thuộc nhóm nguy cơ

Ngay sau khi có kết quả test nhanh dương tính, Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng cấp phát ngay thuốc kháng vi rút (gói thuốc C) và gói thuốc A, B cho người F0.

Thuốc C sử dụng ngay khi được cấp phát, thuốc B (gồm: thuốc kháng viêm, kháng đông dạng uống) chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, kể cả chỉ định của bác sĩ tư vấn qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Sở Y tế chịu trách nhiệm ưu tiên phân bổ nguồn thuốc kháng vi rút cho F0 thuộc nhóm nguy cơ.

Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ được cách ly điều trị tại nhà hay tại bệnh viện phải đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố: tình trạng bệnh, điều kiện chăm sóc và cách ly tại nhà, nguyện vọng của người bệnh và gia đình.

6. Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ

Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức có nhiệm vụ chuyển danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền. Trong quá trình tư vấn và thăm hỏi sức khỏe từ xa, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ chuyển nặng, thông báo ngay đến Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn để kịp thời sơ cấp cứu tại nhà và chuyển viện.

Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông triển khai tổng đài “1022” để tư vấn và hướng dẫn cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ khi cần hỗ trợ

Việt Nam đã tiêm gần 128,8 triệu liều vắc xin

Cập nhật đến 12h30 ngày 7.12, cả nước đã tiêm gần 128,8 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Cả nước đã tiêm gần 128,8 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Đến ngày 6.12, số liều vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 122,4 triệu liều, trong đó hơn 68,9 triệu liều mũi 1 và hơn 53,4 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 95,6% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 74,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt là:

  • Miền Bắc là 91,4% và 66,7%;
  • Miền Trung là 92,4% và 69,3%;
  • Tây Nguyên là 94,4% và 57,3%;
  • Miền Nam là 99,2% và 83,9%.

59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 28 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95% Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

4 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Yên Bái (73,4%), Hà Giang (77,8%), Cao Bằng (78,6%) và Nghệ An (78,7%). Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 54 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ và Cà Mau.

Hiện đã có 49 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Các tỉnh đã tiêm được hơn 5,4 triệu liều, trong đó có hơn 4,5 triệu liều mũi 1 và hơn 938.000 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 49,4 % và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 10,3% dân số từ 12 -17 tuổi.

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình UBND thành phố về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều bổ sung và liều nhắc lại trên địa bàn TP HCM.

Dự kiến, thời gian tiêm sẽ bắt đầu từ ngày 10.12.2021, lộ trình thực hiện tùy theo nguồn cung ứng vắc xin. Dự kiến tháng 12.2021, tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.

Từ tháng 1 đến tháng 12.2022, tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; đảm bảo bao phủ liều nhắc lại cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn thành phố vào cuối năm 2022.

TP.HCM đề xuất chi hơn 530 tỉ đồng hỗ trợ học phí học kỳ 2

Ngày 7.12.2021, UBND TP.HCM đã gửi tờ trình về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn trong học kỳ 2 năm học 2021 - 2022.

TP.HCM đề xuất chi hơn 530 tỉ đồng hỗ trợ học phí học kỳ 2

UBND TP.HCM cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng về thu nhập, việc làm và đời sống của toàn bộ dân cư đang sinh sống làm việc tại thành phố; đặc biệt là bộ phận công nhân, người lao động ngoài tỉnh có con em đang học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói riêng.

Do vậy, việc hỗ trợ học phí cho học sinh là yêu cầu cấp thiết để tiếp tục tạo điều kiện cho học sinh đến trường với mục tiêu “Không để một học sinh nào nghỉ bỏ học vì điều kiện kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Chính sách hỗ trợ một lần theo số tháng thực học, tổng kinh phí dự trù khoản 533 tỉ đồng. Trong đó, học phí hỗ trợ trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, học viên giáo dục thường xuyên là 358 tỉ đồng; trẻ mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là 175 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ của TP.HCM không áp dụng các học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Dự trù kinh phí nêu trên căn cứ theo số lượng thống kê tại thời điểm đầu năm học 2021 - 2022 của Sở GD-ĐT. Việc thanh, quyết toán kinh phí phải căn cứ số học sinh thực tế và số tháng học sinh thực học tại các cơ sở giáo dục (tối đa không quá 5 tháng).

Dự kiến, chính sách này sẽ được HĐND TP.HCM xem xét, thảo luận và thông qua tại kỳ họp cuối năm diễn ra từ ngày 7 - 9.12. Trước đó, HĐND TP.HCM cũng đã thông qua chính sách hỗ trợ học phí trong học kỳ 1 với tổng kinh phí 427 tỉ đồng.

Thái Lan có ca nhiễm Omicron đầu tiên

Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Thái Lan, Supakit Sirilak, hôm 6.12 cho biết Thái Lan đã phát hiện trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Đây là một công dân Mỹ đến Thái Lan từ Tây Ban Nha.

Thái Lan có ca nhiễm Omicron đầu tiên, test nhanh vẫn hiệu quả

"Tuy nhiên, không cần phải hoảng sợ vì điều này. Chúng ta đều biết rằng đó là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta sẽ phải tăng cường nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn (kịch bản) xấu nhất", ông Supakit Sirilak nhấn mạnh.

Một quan chức cho biết bệnh nhân nam này đến Thái Lan vào hôm 29.11 và có triệu chứng nhẹ. Sau ca nhiễm này, Thái Lan đã trở thành quốc gia thứ 47 phát hiện chủng mới, và là nước Đông Nam Á thứ 3 sau Singapore và Malaysia.

Ngày 6.12, Thái Lan đã báo cáo 4.000 ca nhiễm và 22 ca tử vong do Covid-19. Như vậy, nước này đã ghi nhận 2,1 triệu ca nhiễm và 20.966 ca tử vong kể từ đầu đại dịch.

Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore hôm 5.12 dẫn các nghiên cứu cho thấy ngoài phương pháp xét nghiệm PCR, các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh hiện nay vẫn hiệu quả trong việc phát hiện biến thể Omicron.

“Vì vậy công cụ xét nghiệm này vẫn là yếu tố then chốt trong việc phát hiện sớm và khống chế lây lan ban đầu”, Bộ Y tế Singapore nói trong một thông báo.

Singapore đang sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại các sự kiện đông người. Từ tuần này, Singapore cũng yêu cầu người nước ngoài đến đảo quốc này phải xét nghiệm mỗi ngày bằng bộ xét nghiệm nhanh.

Theo Bộ Y tế Singapore, những nghiên cứu về mức độ hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19 hiện có đối với biến thể Omicron đang diễn ra, nhưng đang nổi lên quan điểm chung giữa các nhà khoa học trên thế giới cho rằng những vắc xin này vẫn hiệu quả đối với Omicron, đặc biệt là ngăn bệnh nặng.

Về độc lực của virus, các ca bệnh được phát hiện đến nay hầu hết là có triệu chứng nhẹ như đau họng, mệt mỏi và ho, và chưa có ca tử vong nào.

Nhà sáng chế vắc xin AstraZeneca dự báo gì về đại dịch kế tiếp?

Ngày 6.12, trong bài giảng Richard Dimbleby lần thứ 44 nhằm tưởng nhớ phát thanh viên quá cố của BBC Richard Dimbleby, giáo sư Sarah Gilbert, nhà khoa học đã phát triển vắc xin Oxford/AstraZeneca, cảnh báo các đại dịch trong tương lai có thể gây chết nhiều người hơn cuộc khủng hoảng Covid-19 ở hiện tại.

Nhà sáng chế vắc xin AstraZeneca: Đại dịch tiếp theo sẽ "chết chóc" hơn

Bà Gilbert kêu gọi dành nhiều nguồn lực hơn trong việc đối phó đại dịch để giữ gìn các tiến bộ đạt được ở hiện tại:

"Đây sẽ không phải là lần cuối cùng virus đe dọa cuộc sống và sinh kế của chúng ta. Sự thật là loại virus tiếp theo có thể tồi tệ hơn, lây lan nhiều hơn, độc lực cao hơn hoặc mang cả hai đặc điểm. Chúng ta không thể để tình huống như những gì chúng ta đã trải qua lại xảy ra một lần nữa, rồi lại nhận thấy rằng những thiệt hại kinh tế to lớn chúng ta phải gánh chịu khiến chúng ta không có nguồn lực để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, kiến thức chúng ta thu được, không thể mất đi".

Chuyên gia này cũng nhận định protein gai của biến thể Omicron chứa các đột biến có thể làm tăng khả năng lây truyền của virus.

Bà nói thêm: "Nhưng những đột biến này không có nghĩa là các kháng thể do vắc xin hoặc do lây nhiễm tự nhiên tạo ra kém hiệu quả trước biến thể Omicron".

Bà Gilbert cũng kêu gọi thế giới thận trọng khi chưa biết nhiều về biến thể Omicron cũng như cần thực hiện các bước để làm chậm sự lây lan của biến thể mới này.

Bà Sarah Gilbert đã được phong tước hiệp sĩ nhân dịp sinh nhật Nữ hoàng Elizabeth hồi giữa năm nay.

Nhà khoa học này bắt đầu nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 vào đầu năm 2020 sau khi dịch bệnh lần đầu tiên bùng phát ở Trung Quốc. Vắc xin Oxford/AstraZeneca là loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới với việc có mặt tại hơn 170 quốc gia.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 7.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.