Bản tin Covid-19 ngày 9.12: Cả nước 15.311 ca mới | Dịch bệnh còn rất phức tạp

09/12/2021 20:07 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 9.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 9.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 15.311 ca Covid-19, 14.586 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 9.12 cho biết tính từ 16h ngày 8.12 đến 16h ngày 9.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.311 ca nhiễm mới, 14.586 ca khỏi bệnh. Bản tin cũng thông báo về 256 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.186 ca.

Ngày 9.12: Cả nước 15.311 ca Covid-19, 14.586 ca khỏi | TP.HCM 1.453 ca

Thông tin về 15.311 ca nhiễm mới như sau:

  • 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 15.300 ca ghi nhận trong nước (tăng 705 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 8.843 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.453), Tây Ninh (895), Hà Nội (822), Sóc Trăng (789), Đồng Tháp (730), Cà Mau (720), Cần Thơ (670), Bình Phước (631), Bà Rịa - Vũng Tàu (576), Vĩnh Long (568), Tiền Giang (568), Bến Tre (517), Đồng Nai (501), Khánh Hòa (494), Bình Dương (489), Bạc Liêu (427), Bình Định (345), Đắk Lắk (317), Kiên Giang (314), An Giang (300), Trà Vinh (295), Hậu Giang (275), Bình Thuận (249), Lâm Đồng (210), Gia Lai (187), Đà Nẵng (180), Bắc Ninh (154), Thừa Thiên-Huế (150), Thanh Hóa (142), Nghệ An (139), Quảng Nam (118), Quảng Bình (114), Phú Yên (106), Ninh Thuận (89), Long An (79), Hà Giang (66), Thái Bình (64), Hải Phòng (58), Đắk Nông (54), Lạng Sơn (49), Vĩnh Phúc (49), Nam Định (49), Hưng Yên (44), Ninh Bình (32), Hà Tĩnh (28), Quảng Ninh (28), Thái Nguyên (28), Hòa Bình (21), Quảng Ngãi (21), Bắc Giang (20), Kon Tum (15), Yên Bái (14), Phú Thọ (14), Tuyên Quang (9), Điện Biên (6), Lào Cai (5), Hà Nam (4), Bắc Kạn (3), Sơn La (3), Quảng Trị (2), Cao Bằng (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-223), Hải Phòng (-207), Trà Vinh (-148).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+426), Tiền Giang (+261), Cà Mau (+209).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 14.322 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.367.433 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.869 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.362.111 ca, trong đó có 1.048.162 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (483.376), Bình Dương (286.078), Đồng Nai (91.056), Long An (39.039), Tây Ninh (35.980).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.586 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.050.979 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.697 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.272 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.302 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 285 ca
  • Thở máy xâm lấn: 823 ca
  • ECMO: 15 ca

Từ 17h30 ngày 8.12 đến 17h30 ngày 9.12 ghi nhận 256 ca tử vong, gồm:

Tại TP.HCM (76) trong đó có 12 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (1), Đồng Nai (1),Lâm Đồng (1), Long An (2), Phú Yên (2), Tây Ninh (3), Tiền Giang (1), Thanh Hóa (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (37 ca tử vong trong hai ngày 8-9.12.2021), Tây Ninh (16), Bình Dương (16), Đồng Nai (13), Tiền Giang (11), Kiên Giang (11), Đồng Tháp (17 ca tử vong trong hai ngày 8-9.12.2021), Cần Thơ (10), Vĩnh Long (8 ), Long An (6), Bình Thuận (5), Bến Tre (5), Sóc Trăng (5), Đắk Lắk (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Hậu Giang (3), Bạc Liêu (2), Hà Nội (1), Bắc Ninh (1), Bình Định (1), Ninh Thuận (1), Hải Phòng (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 218 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.186 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 162.688 xét nghiệm cho 264.323 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 27.447.909 mẫu cho 70.692.311 lượt người.

Trong ngày 8.12 có 662.110 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 129.965.296 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.039.917 liều, tiêm mũi 2 là 55.925.379 liều.

Bộ Y tế thông tin về chiến lược giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19

Trước thông tin, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đã đạt 97%, mũi 2 khoảng trên 70% nhưng số ca tử vong hiện ghi nhận vẫn còn cao, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo thống kê chung của thế giới và Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 của Việt Nam vẫn thấp so với thế giới.

Bộ Y tế thông tin về chiến lược giảm tỉ lệ tử vong do Covid-19

Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và các sở y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong. Bước đầu nhận định, các ca bệnh Covid-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm.

Để hạn chế tối đa người mắc Covid-19 tử vong, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân Covid-19. Đó là, tiếp cận các loại thuốc điều trị Covid-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa lượng thuốc điều trị về Việt Nam với tỷ lệ cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.

Cùng với việc cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi tăng cường đối với các trường hợp nguy cơ cao, tất cả trường hợp F0 nhẹ đều được hướng dẫn điều trị ở nhà, trường hợp bệnh nhân nặng được đưa vào cơ sở điều trị, khi các loại thuốc điều trị Covid-19 được đưa về Việt Nam theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thế giới và trong nước, sẽ góp phần rất tốt trong điều trị, giảm thiểu bệnh nhân tử vong.

Liên quan đến thuốc điều trị Covid-19, theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir,...

Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.

Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch, thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19…

Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dự báo số ca Covid-19 lên 1.000 ca/ngày

Sáng 9.12.2021, tại phiên chất vấn trực tiếp kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội khóa 16, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã được đặt câu hỏi về số ca Covid-19 hiện đã lên đến 3 con số mỗi ngày; cũng như dự báo tình hình dịch tại thủ đô sắp tới sẽ ra sao trước nguy cơ biến chủng mới Omicron? Sở có giải pháp quản lý F1, điều trị F0 tại nhà thế nào để tránh gây quá tải, thuốc điều trị?

Dự báo Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca Covid-19 một ngày

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, giai đoạn vừa qua, dịch bệnh trên địa bàn thành phố phức tạp, đặc biệt từ 11.10 tới nay, số ca mắc tăng cao, cao điểm nhất là ngày 6.12 với 774 ca.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội dự báo tình hình số ca mắc tiếp tục tăng cao, khoảng 1.000 ca/ngày. Dịch lan trong cộng đồng, lây nhiễm cao tại tất cả quận huyện, có thể có cả biến chủng Omicron, lây nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm 2 mũi đã rất cao, hầu hết ca bệnh nhẹ và ko có triệu chứng có thể điều trị tại nhà, tại trạm y tế lưu động.

Nguyên nhân số ca Covid-19 tăng cao gần đây do mầm bệnh ở cộng đồng; giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại; người nhập cảnh; khí hậu mùa đông xuân thuận lợi để vi rút phát triển; tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vắc xin... Nhìn nhận tình hình “phức tạp”, song nếu quyết tâm, có giải pháp đồng bộ thì vẫn cơ bản kiểm soát được.

Bên cạnh đó, biến chủng Omicron đã được ghi nhận nhiều nơi trên thế giới, có nhiều đột biến gene nhất, dự báo lây lan mạnh hơn, song chưa có dữ liệu chứng minh có thể gây bệnh nặng hơn. Theo thông tin hiện nay, vắc xin vẫn có thể bảo vệ người dân trước biến chủng này. Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh nào liên quan đến Omicron, song thành phố vẫn cập nhật thông tin để có giải pháp phù hợp.

Thành phố Hà Nội đã có giải pháp đáp ứng điều trị 100.000 ca bệnh, phân luồng khoa học để không quá tải. Bệnh nhân nhẹ không triệu chứng điều trị tại nhà, tại cơ sở. Hiện 90 - 92% bệnh nhân không có triệu chứng; tỉ lệ bệnh nhân nặng chỉ khoảng 1,2%; tỉ lệ tử vong thấp, khoảng 0,34%.

Qua rà soát 2,1 triệu hộ, hiện có 805.000 hộ đủ điều kiện cho cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà. Trong đó thực tế đã thực hiện cách ly 21.000 F1 tại nhà và điều trị 150 F0 tại nhà trên địa bàn các quận, huyện. Ý thức của người dân thực hiện ở nhà là rất quan trọng, nếu ý thức không tốt thì dễ lây nhiễm ra cộng đồng.

Hệ thống y tế cơ sở vừa qua thực hiện nhiều nhiệm vụ, hiện nay lại thêm quản lý các trường hợp cách ly điều trị tại nhà. Vừa qua lực lượng tuyến đầu 2 năm liền không nghỉ ngơi. Mỗi trạm y tế thì chỉ có 5 - 10 người mà phục vụ hàng nghìn, hàng vạn người dân. Cơ sở vật chất thì còn xuống cấp, nhân lực không thu hút được người có trình độ cao. Vì thế nên quá tải về nhân lực, không đáp ứng được về nhân lực. Do đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng nên có chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao về tuyến y tế cơ sở.

Trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021) đến nay số ca mắc tại Hà Nội tăng nhanh, cụ thể như sau:

  • Giai đoạn trước khi giãn cách (từ 27.4 đến 23.7) ghi nhận 917 ca mắc (trung bình 10,42 ca/ngày), với 414 ca ngoài cộng đồng.
  • Giai đoạn giãn cách (từ 24.7 đến 20.9) ghi nhận 3.276 ca (trung bình 56,4 ca/ngày) với 898 ca ngoài cộng đồng.
  • Giai đoạn phòng chống dịch trong tình hình mới (từ 21.9 đến 10.10), ghi nhận 114 ca, trung bình 5,7 ca/ngày, với 8 ca cộng đồng.
  • Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 (tính từ 11.10) đến 8.12, ghi nhận 10.618 ca mắc (trung bình 186 ca/ngày), trong đó 4.123 ca cộng đồng.

Người nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 sẽ được tự cách ly tại nhà

Ngày 8.12.2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành về rà soát công tác phòng, chống dịch Covid-19 liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Bộ Y tế sẽ phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khoẻ đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày 15.12.

Người nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 sẽ được tự cách ly tại nhà

Đại diện Bộ GTVT cho biết Bộ đã tích cực làm việc với các đối tác để xem xét sớm mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Tuy nhiên đến nay chưa có chuyến bay thương mại quốc tế nào được mở lại do còn phụ thuộc vào nguyên tắc có đi-có lại với đối tác nước ngoài; quy định về những người được phép nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại làm cơ sở để các hãng hàng không mở lại đường bay.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng nhu cầu về nước đang rất lớn đối với những đối tượng là người động Việt Nam đã hết hạn hợp đồng, học sinh, sinh viên, người đi công tác bị mắc lại ở nước ngoài rất muốn được về nước; bà con Việt kiều lâu không được về quê.

Bộ Ngoại giao đang nỗ lực giải quyết các thủ tục để đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là cân đối khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước, nhất là khi xuất hiện biến chủng Omicron, với nhu cầu nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài, khách quốc tế. Do đó, các bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong đón người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh vào thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngoài nhu cầu đón chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, du khách quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các bộ, ngành cần đặc biệt lưu ý nhu cầu của công dân Việt Nam đi lao động, học tập, công tác, thăm thân nhân bị mắc kẹt lại nước ngoài do dịch cũng như bà con Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng những người thân được hưởng chế độ như người Việt Nam theo quy định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Đây là nhu cầu rất chính đáng và chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết rất khẩn trương, nhất là trong điều kiện Tết Nguyên Đán đang đến gần".

Tổ công tác 5 Bộ phải khẩn trương báo cáo các lãnh đạo được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách, giải quyết từng việc, khẩn trương nhất, đáp ứng nhu cầu chính đáng của bà con.

Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh vào Việt Nam chậm nhất trước ngày 15.12, trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước.

Cụ thể, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính chỉ tự cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà với thời gian bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đối với người chưa tiêm vắc xin phải có cơ sở cách ly trong nước với thời gian, điều kiện tốt nhất, thuận lợi cho bà con và tổ chức tiêm vắc xin.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT, ngành hàng không và các bộ, ngành liên quan tích cực báo cáo các lãnh đạo, xúc tiến công tác chuẩn bị mở lại các đường bay thương mại quốc tế, có quy trình để người Việt Nam ở nước ngoài đặt chỗ.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết Cục đã kết nối với hệ thống "hộ chiếu vắc xin" của các nước để bảo đảm tất cả những người đặt mua vé của các hãng hàng không Việt Nam đều đã được tiêm đủ vắc xin. Những người chưa tiêm vắc xin chỉ được mua vé sau khi đã đăng ký và có địa chỉ cách ly cụ thể trong nước.

Việt Nam tiêm vượt mốc 130 triệu liều vắc xin Covid-19

Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến 13 giờ 30 ngày 9.12.2021, cả nước đã tiêm hơn 130 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Việt Nam tiêm vượt mốc 130 triệu liều vắc xin Covid-19

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 123,3 triệu liều, trong đó có hơn 68,9 triệu liều mũi 1 và hơn 54,3 triệu liều mũi 2.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 96,3% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 76% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt như sau:

  • Miền Bắc là 93,4% và 68,6%.
  • Miền Trung là 92,8% và 73,3%.
  • Tây Nguyên là 91,0% và 60,5%.
  • Miền Nam là 98,9% và 84,7%.

Có 61/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 29 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

2/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên gồm: Hà Giang (78,3%) và Cao Bằng (79,7%). Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 58/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 39 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long và Cà Mau.

Về triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết đã có 55 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm được hơn 6,2 triệu liều, trong đó có hơn 5 triệu liều mũi 1 và hơn 1,1 triệu liều mũi 2.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 55,7% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 12,2% dân số từ 12 -17 tuổi.

Vì sao Nigeria phải bỏ gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19?

Theo 2 nguồn tin, gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19 tại Nigeria có thể đã hết hạn từ tháng 11.2021, chưa kịp được sử dụng.

Gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19 hết hạn ở Nigeria

Đây là một trong những lượng vắc xin phải bỏ phí lớn nhất, cho thấy thách thức các quốc gia châu Phi phải đối mặt trong chương trình tiêm ngừa Covid-19.

Các nước châu Phi đang đứng trước sức ép phải đẩy nhanh tiêm ngừa Covid-19 vì tỉ lệ tiêm chủng quá thấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu người, chưa đầy 4% người trưởng thành được tiêm ngừa đầy đủ.

Nhiều quốc gia châu Phi cho biết không đủ khả năng để quản lý số lượng vắc xin Covid-19. Nhiều liều vắc xin có hạn sử dụng ngắn.

Gần 1 triệu liều vắc xin hết hạn ở Nigeria là vắc xin AstraZeneca, do châu Âu cung cấp qua chương trình chia sẻ vắc xin COVAX.

Một nguồn tin cho biết trong số vắc xin này có nhiều liều được đưa đến Nigeria khi chỉ còn từ 4-6 tuần là hết hạn sử dụng. Vì vậy, ngành y tế tại đây dù nỗ lực hết sức vẫn không thể dùng hết. Nigeria vẫn tiếp tục kiểm đếm số vắc xin hết hạn và số lượng cuối cùng vẫn chưa chính thức.

Vắc xin Pfizer hiệu quả ra sao đối với biến thể Omicron?

Các nhà nghiên cứu tại Nam Phi cho biết biến thể Omicron phần nào né tránh được khả năng bảo vệ của vắc xin Pfizer. Tuy nhiên những người đã nhiễm Covid-19 và sau đó được tiêm chủng sẽ có khả năng được bảo vệ tốt.

Vắc xin Pfizer hiệu quả ra sao đối với biến thể Omicron?

Trưởng nhóm nghiên cứu, Alex Sigal, từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi, cho biết liều vắc xin tăng cường cũng có khả năng bảo vệ trước Covid-19. Đây là thí nghiệm đầu tiên trực tiếp xem xét cách thức hoạt động của Omicron ở những người đã được tiêm chủng.

Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm sử dụng mẫu từ 12 người đã được tiêm vắc xin Pfizer đầy đủ.

Nghiên cứu cho thấy Omicron có thể tránh được phần nào hàng rào bảo vệ do vắc xub dựng lên, nhưng không hoàn toàn.

Ông Sigal cho biết: "So với các biến thể trước đây, có một sự suy giảm trong năng lực trung hòa Omicron từ BNT162b2 [tức vắc xin Pfizer/BioNTech]".

"Omicron không hoàn toàn thoát khỏi quá trình trung hòa của BNT162b2. Việc mắc bệnh trước đó và tiêm phòng vẫn có thể trung hòa (biến thể)".

Chuyên gia Sigal cho rằng đây là một tin vui. Ông cho biết biến thể này không hoàn toàn thoát ra khỏi sự bảo vệ của vắc xin và có nhiều cách để đối phó với nó.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tế bào phối của con người cho các thử nghiệm. Máu của 6 tình nguyện viên đã bị nhiễm bệnh và sau đó được tiêm chủng có khả năng vô hiệu hóa virus tốt hơn.

Nhóm đưa ra kết luận rằng: "Người bị mắc bệnh, sau đó được tiêm phòng hoặc tiêm nhắc lại, có khả năng làm tăng mức độ trung hòa virus và có khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng khi nhiễm Omicron".

Các nhà nghiên cứu không thử nghiệm biến thể Omicron với máu của những người đã tiêm vắc xin tăng cường, nhưng họ tin rằng những người đã được chủng ngừa đầy đủ và sau đó được tiêm mũi tăng cường sẽ được bảo vệ tốt khỏi bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 9.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.