Bản tin Covid-19 ngày 1.10: TP.HCM dần sôi động với Chỉ thị 18 về “bình thường mới“
01/10/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid -19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 1.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .
Tự động phát
Cả nước ghi nhận 6.957 ca Covid-19 mới, 27.250 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế tối 1.10 cho biết tính từ 17h ngày 30.9 đến 17h ngày 1.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 6.957 ca nhiễm mới và 27.250 ca được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, cả nước ghi nhận 136 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 19.437 ca.
Thông tin về 6.957 ca nhiễm mới được công bố vào ngày 1.10 như sau:
- 16 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- 6941 ca ghi nhận trong nước (giảm 996 ca so với ngày trước đó) tại 37 tỉnh, thành phố (có 3.897 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (3.670), Bình Dương (1.787), Đồng Nai (735), An Giang (116), Long An (107), Kiên Giang (81), Tiền Giang (71), Bình Thuận (61), Tây Ninh (50), Hà Nam (50), Cần Thơ (30), Quảng Bình (17), Quảng Trị (16), Khánh Hòa (15), Ninh Thuận (15), Đồng Tháp (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Bình Định (13), Bạc Liêu (13), Bình Phước (11), Hà Nội (8 ), Gia Lai (6), Phú Yên (6), Quảng Ngãi (6), Thanh Hóa (5), Vĩnh Long (4), Đắk Nông (3), Hà Tĩnh (3), Bến Tre (3), Nam Định (3), Bắc Giang (2), Đà Nẵng (2), Phú Thọ (2), Quảng Nam (1), Nghệ An (1), Hưng Yên (1), Cà Mau (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (giảm702), Bình Dương (giảm 316), An Giang (giảm 56).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (109), Bình Thuận (23), Tiền Giang (22).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.665 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 797.712 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.104 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 793.149 ca, trong đó có 657.902 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 12/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (392.329), Bình Dương (212.843), Đồng Nai (49.330), Long An (32.575), Tiền Giang (14.071).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 27.250
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 636.081
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.131 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.297
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 902
- Thở máy không xâm lấn: 99
- Thở máy xâm lấn: 808
- ECMO: 25
Trong ngày, cả nước ghi nhận 136 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (96), Bình Dương (19) Long An (5), Đồng Nai (5), Cần Thơ (3), An Giang (2), Tiền Giang (2), Đồng Tháp (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Kiên Giang (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 167 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.437 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 221.111 xét nghiệm cho 655.644 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 18.693.337 mẫu cho 53.346.601 lượt người.
- Trong ngày 30.9 có 707.132 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 42.888.157 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 33.069.709 liều, tiêm mũi 2 là 9.818.448 liều.
TP.HCM ban hành chỉ thị 18 về 'bình thường mới'
Ngày 1.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chính thức ban hành Chỉ thị 18/CT-UBND ký ngày 30.9 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó, một số nội dung của chỉ thị đã được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình công bố trong buổi họp báo sáng qua, 30.9. Qua đối chiếu, Chỉ thị 18 có một số nội dung thay đổi với nội dung đã công bố trước đó.
Cụ thể, TP.HCM cho phép hoạt động đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị nhà nước của Trung ương đóng tại thành phố.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định, đảm bảo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
TP.HCM ngày đầu nới lỏng giãn cách: Rộn ràng tiếng xe cộ trở lại
7 giờ sáng 1.10.2021 tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai (ở quận 3, TP.HCM)
Ngày đầu TP.HCM nới lỏng giãn cách, không khí nhộn nhịp với âm thanh ồn ào của xe cộ đã trở lại ở khu vực trung tâm thành phố. Đây vốn là khung cảnh quen thuộc với người Sài Gòn trước khi dịch bệnh ập đến.
Trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố như Huyền Trân Công Chúa ( ở quận 3), Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu (ở quận 1)... lượng người và xe đông đúc thấy rõ trong sáng 1.10.
Ông Nguyễn Văn Sơn, 60 tuổi (phường 6, quận 3) là người tình nguyện ngồi trực vùng xanh đầu hẻm đường Võ Thị Sáu suốt nhiều ngày T.HCM thực hiện giãn cách xã hội.
Sáng đầu tiên thành phố nới lỏng giãn cách, ông Sơn dậy từ sớm, pha ly cà phê sữa quen thuộc để trở lại với công việc cũ là bảo vệ trông xe. Giống như nhiều người, ông Sơn phấn khởi vì thấy bà con được đi làm trở lại.
|
Cầu vượt Ba Tháng Hai, hướng rẽ vào đường Thành Thái (ở quận 10) là nơi tập trung nhiều loại hình dịch vụ, kinh doanh. Ngày 1.10, nhiều cửa hàng, cơ sở cũng đã mở cửa trở lại như thực phẩm bán mang về, tiệm sửa xe, thay bình ắc quy,…
|
Sáng 1.10, nhiều đơn vị kinh doanh, công ty được phép hoạt động trở lại. Đây cũng là ngày đi làm đầu tiên của nhiều người dân TP.HCM sau gần 4 tháng giãn cách xã hội ở nhà.
Người dân TP.HCM trình thẻ xanh, thẻ vàng cho CSGT tuần tra lưu động để di chuyển
Ngày 1.10, TP.HCM cho phép người dân di chuyển trong nội thành với điều kiện đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc 1 mũi sau 14 ngày hoặc là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày. Vì vậy, trên các tuyến đường lượng phương tiện, người dân di chuyển nhộn nhịp hơn. Nhiều đoạn đường lại xuất hiện cảnh người đi xe máy leo lề để vượt qua điểm ùn ứ. Các tổ CSGT tuần tra lưu động khắp nơi.
Khi dừng phương tiện, CSGT thuộc các tổ tuần tra lưu động sẽ hỏi thăm lộ trình di chuyển của người dân, kiểm tra thẻ xanh, thẻ vàng trên app điện thoại. Người không có điện thoại thông minh hoặc app chưa cập nhật kịp có thể xuất trình xác nhận tiêm chủng bằng giấy. Nếu có thẻ xanh hoặc thẻ vàng hoặc chứng nhận là F0 khỏi bệnh sau 180 ngày thì người dân đều thoải mái di chuyển trong nội thành.
Ngoài ra, CSGT cũng kết hợp tuần tra kiểm soát, xử lý các lỗi vi phạm về giao thông như: không có bằng lái, cà vẹt, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi ngược chiều, phóng nhanh vượt ẩu,...
Anh Trần Tin (31 tuổi) điều khiển xe trên đường Trường Chinh (đoạn qua giao lộ Tân Kỳ Tân Quý) được CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Anh Tin xuất trình được các giấy tờ xe và tờ giấy xác nhận đã tiêm 1 mũi vắc xin. CSGT đứng nhẩm tính, kiểm tra đủ 14 ngày nên mời anh Tin tiếp tục lưu thông.
|
Anh Nguyễn Văn Cu Nhí (30 tuổi, ở Q.Tân Phú) chở 2 bao chân ghế nội thất cồng kềnh khi được CSGT dừng xe thì không xuất trình được giấy tờ gì. Anh Nhí giải thích vì sáng ra vội đi nên quên cầm theo, anh đã tiêm mũi 1 vào ngày 11.8 và đang chờ tiêm mũi 2. Để chứng minh với CSGT rằng mình đã tiêm, anh Nhí phải gọi bạn ra để nhờ đưa chìa khóa về phòng trọ lấy giúp giấy xác nhận.
|
Sau khi kiểm tra ngẫu nhiên một số trường hợp lưu thông trên đường Trường Chinh, CSGT tiếp tục tuần tra theo hướng Cộng Hòa - Út Tịch và ra bờ kè Hoàng Sa - Trường Sa. Tại tuyến đường này, đa phần người dân được CSGT yêu cầu dừng xe đều xuất trình được thẻ xanh, thẻ vàng. Mỗi trường hợp kiểm tra chỉ mất khoảng 30 giây.
Tiệm tóc Sài Gòn kín lịch cả tuần ngày đầu mở lại
8 giờ sáng ngày 1.10, tiệm tóc Abel Style trên đường Võ Thị Sáu (P.8, Q.3, TP.HCM) đón vị khách đầu tiên sau 4 tháng tạm đóng cửa phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ thị chung của thành phố.
Vị khách này không chỉ là khách quen, mà còn là khách hàng đã đặt chỗ từ cách đây nhiều ngày khi tiệm bắt đầu thông báo rục rịch mở lại.
Chị Ngọc Thảo, quản lý tiệm tóc cho biết, để đảm bảo đúng yêu cầu phòng dịch, tiệm chỉ dám nhận 50% lượng khách trong ngày, tuyệt đối không nhận khách mới, khách vãng lai mà chỉ nhận khách đã đặt chỗ trước qua fanpage của tiệm.
Không chỉ giới hạn số lượng khách, tiệm còn đề nghị khách cung cấp mã QR cá nhân hoặc thông tin tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Mới ngày đầu hoạt động nhưng tiệm đã kín lịch đến hết tuần sau. Bởi vậy, khách nào dời lịch hay đổi ngày thì tiệm đều khó đáp ứng.
|
Ghi nhận trong ngày đầu nới lỏng giãn cách tại TP.HCM, cắt tóc là dịch vụ được nhiều người dân lựa chọn trong sáng 1.10.
Tại tiệm tóc trên đường Tô Hiến Thành (Q.10), nhân viên liên tục làm việc trong đầu giờ sáng. Mặc dù không gian khá rộng rãi nhưng tiệm cũng chủ động tháo cất một nửa số bàn bên trong. Hầu hết các khách cũng đều đặt lịch trước và đến theo giờ hẹn để đảm bảo không tập trung quá đông người một lúc.
Tiệm sửa xe ngày đầu mở cửa: Vừa mở mắt đã thay 30 bình ắc quy
Sau 4 tháng cất gọn xe trong nhà thực hiện giãn cách xã hội, sáng 1.10.2021, nhiều người dắt xe ra tiệm thay ắc quy, sửa xe để chuẩn bị đi làm. Hầu hết các tiệm sửa xe đều đông kín khách; đường phố dễ bắt gặp cảnh người dân bơm vá, sửa xe cho nhau trên vỉa hè.
Mới 8 giờ 30 phút sáng, anh Nguyễn Thanh Sơn, chủ tiệm sửa xe đầu đường Thành Thái (Q.10) đã thay đến 30 bình ắc quy cho khách hàng.
Mặc dù thợ làm không ngơi tay nhưng rất nhiều khách hàng phải kiên nhẫn chờ đợi đến lượt. Phía ngoài, khách vẫn nườm nườm dắt xe đến tiệm để nhờ kiểm tra sau 4 tháng động cơ phải nằm gọn trong nhà.
|
Ông Nguyễn Văn Phúc (62 tuổi) cũng là một trong nhiều vị khách cần “chữa bệnh” cho chiếc xe của mình.
Từ 7 giờ sáng, khi TP.HCM vừa ‘trở mình’ trong ngày đầu nới lỏng giãn cách, ông đã khởi động chiếc xe thân yêu để kiểm tra.
Không nằm ngoài dự đoán, bình ắc quy không hoạt động, ông hì hụi dắt xe từ chợ Nguyễn Tri Phương ra tiệm sửa xe quen này.
|
Không chỉ tiệm sửa xe của anh Sơn đông khách, hầu hết các tiệm sửa xe khác trong thành phố cũng tấp nập từ sớm. Ngay trong ngày đầu tiên đi làm, nhiều người đã phải đến trễ công sở do xe trục trặc giữa đường.
10 giờ sáng 1.10, lượng xe cộ ngày một đông đúc trên đường phố. Nhiều người đổ dồn về khu vực vực vòng xoay Dân Chủ, nơi có nhiều tiệm sửa xe khiến khu vực này ùn ứ cục bộ ngay trong ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội.
TP.HCM huy động xe khách, xe buýt đưa người dân miền Tây về quê
Trong sáng và trưa nay 1.10, hàng trăm người dân mắc kẹt tại chốt kiểm soát ở H.Bình Chánh (TP.HCM) đã được test nhanh Covid-19, trước khi lên xe khách, xe buýt để về quê ở nhiều tỉnh thành miền Tây.
Theo đại diện UBND H.Bình Chánh, trong sáng nay, địa phương thống kê số lượng người dân có nhu cầu về quê, cho test nhanh Covid-19, sau đó bố trí xe đưa tất cả về quê theo từng tỉnh, thành.
Sáng cùng ngày, Thanh Niên ghi nhận có nhiều ô tô khách, xe tải của quân đội được lực lượng chức năng huy động tới để chở người, hành lý và xe máy của người dân bị mắc kẹt tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn TT.Tân Túc, H.Bình Chánh, lên đường về miền Tây.
|
Hàng chục nhân viên y tế được huy động đến để lấy mẫu test nhanh. Lực lượng cảnh sát cơ động được tăng cường để giữ an ninh trật tự tại đây.
Ông Võ Quốc Huy, nhân viên Trạm y tế Tân Quý Tây (H.Bình Chánh) cho biết do lượng người đông nên nhân viên y tế tại đây thành lập 5 đội, làm việc hết công suất, test nhanh để hỗ trợ tối đa cho bà con lên đường về quê. Trong trường hợp phát hiện ca dương tính, phối hợp y tế tại nơi người dân cư ngụ để đưa về cách ly theo quy định.
|
Anh Danh Hoàng Thành (29 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết đã kẹt tại chốt kiểm soát này suốt 18 giờ liền, rất mệt mỏi. Được cơ quan chức năng giải quyết cho về quê, anh rất mừng. “Mong muốn của tôi là được về quê thôi. Hôm qua cả đêm tôi không ngủ vì lo lắng, không được về quê thì không biết sẽ ra sao”, anh Thành nói.
|
Sau khi được kiểm tra y tế, lực lượng chức năng sắp xếp, vận chuyển xe máy của người dân lên các xe tải. Cùng với đó, bà con được bố trí lên xe khách, xe buýt để về quê theo từng tỉnh thành.
|
Đến trưa cùng ngày, dòng xe máy từ các nơi tiếp tục đổ về chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 qua địa bàn TT.Tân Túc (H.Bình Chánh) với hy vọng được rời TP.HCM về quê khiến khu vực này vẫn còn rất đông người.
Bộ Giao thông vận tải ngày 1.10 cũng đã có yêu cầu Sở Giao thông vận tải các địa phương chủ động phối hợp với sở Giao thông vận tải TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có phương án chuẩn bị đầy đủ phương tiện (như xe ô tô khách, xe ô tô tải), lái xe luôn luôn thường trực để kịp thời đáp ứng yêu cầu vận chuyển người dân, phương tiện cá nhân của người dân khi có yêu cầu hỗ trợ vận chuyển.
Từ Sài Gòn cầm 67 ngàn đồng chờ qua chốt Quốc lộ 1 về miền Tây
Dưới cái nắng gắt sáng 1.10.2021 tại tỉnh Tiền Giang, cả ngàn người dân chạy xe máy vẫn chấp nhận chờ đợi để được qua chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 để hướng về các tỉnh miền Tây.
Trên xe máy, họ chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh. Có gia đình còn đưa theo cả con nhỏ và thú cưng trên hành trình dài về quê này.
Từ rạng sáng 1.10, hơn 1.000 người dân đi theo hướng từ Long An về các tỉnh miền Tây đã chờ đợi trước chốt kiểm soát khu vực cửa ngõ tỉnh Tiền Giang để đợi qua chốt Quốc lộ 1.
UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo tăng cường lực lượng trực chốt, bổ sung đội y tế để xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân.
Với những người không về Tiền Giang, nếu kết quả xét nghiệm nhanh âm tính và người dân ký cam kết không dừng, đỗ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thì sẽ được lực lượng tại chốt tạo điều kiện tiếp tục di chuyển về quê nhà.
Còn những người về tỉnh Tiền Giang sẽ được giữ lại để chờ đưa đi cách ly tập trung theo quy định của tỉnh.
Trong thời gian chờ đợi, người dân cũng được lực lượng chức năng hỗ trợ nước uống để đỡ mất sức dưới nắng nóng.
|
Nhiều người chờ đợi trước chốt cho hay, họ đến đây từ TP.HCM và tỉnh Long An. Thời gian qua họ cố trụ lại thành phố nhưng đến nay đã hết tiền, phải tìm đường về quê sinh sống.
Nhiều người có quê ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang cũng cho biết đã di chuyển về quê qua Quốc lộ N2 nhưng phía tỉnh Đồng Tháp buộc phải quay đầu nên cả đêm qua họ đã phải đi theo Quốc lộ 62 để về thành phố Tân An, tỉnh Long An và sau đó mới đi tiếp theo hướng qua tỉnh Tiền Giang trên Quốc lộ 1.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Lý Văn Cẩm, giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tiền Giang, cho biết thông qua Ban liên lạc Hội đồng hương Tiền Giang tại TP.HCM, tỉnh Tiền Giang sẽ tập hợp những công dân có quê ở tỉnh Tiền Giang đang kẹt tại TP.HCM có nguyện vọng về quê để đưa về.
|
Chuyến đầu tiên mà tỉnh Tiền Giang tổ chức xe đón công dân về quê dự kiến sẽ được thực hiện vào ngày 10.10 tới, ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ có thai, có con nhỏ với số lượng không giới hạn.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 1.10 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)