Bản tin Covid-19 ngày 30.9: TP.HCM chính thức 'mở quyền' cho người đã tiêm vắc xin

30/09/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 30.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 ngày 30.9.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Một ngày kỷ lục về số bệnh nhân khỏi bệnh: 25.322 ca

Bản tin Bộ Y tế tối 30.9 cho biết tính từ 17h ngày 29.9 đến 17h ngày 30.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.940 ca nhiễm mới. Ngoài ra, bản tin cũng cập nhật bổ sung mã và thông tin cho 3.417 ca dương tính phát hiện bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại TP.HCM đã được thông tin vào ngày 28.9.2021. Như vậy, tổng số ca dương tính được công bố vào tối 30.9 gồm ca mới và ca công bố bổ sung là 11.357 ca.
Số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày là 25.322 ca.

Áp dụng 'thẻ xanh Covid-19' với người lao động đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19

Trong ngày, cả nước ghi nhận 159 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Bản tin của Bộ Y tế cũng thông báo bổ sung 44 ca tử vong trong thời gian trước đó. Như vậy, tổng số ca tử vong được công bố vào ngày 30.9 là 203 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.301 ca
Thông tin về 11.357 ca nhiễm được công bố trong ngày 30.9 như sau:
- 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 7.937 ca ghi nhận trong nước (giảm 807 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 4.550 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (4.372), Bình Dương (2.103), Đồng Nai (626), An Giang (172), Long An (125), Kiên Giang (79), Đắk Lắk (64), Tiền Giang (49), Hà Nam (45), Cần Thơ (41), Tây Ninh (39), Bình Thuận (38), Khánh Hòa (30), Quảng Bình (21), Bình Phước (16), Ninh Thuận (15), Phú Thọ (14), Nghệ An (13), Quảng Ngãi (10), Đắk Nông (10), Đồng Tháp (9), Bình Định (7), Vĩnh Long (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Lâm Đồng (5), Phú Yên (4), Bến Tre (3), Bạc Liêu (3), Kon Tum (2), Đà Nẵng (2), Thừa Thiên Huế (2), Quảng Trị (2), Trà Vinh (1), Hà Tĩnh (1), Thanh Hóa (1), Hà Nội (1).
- Bộ Y tế cập nhật bổ sung mã và thông tin cho 3.417 ca dương tính phát hiện bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại TP.HCM đã được thông tin vào ngày 28.9.2021.
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-327), Bình Dương (-286), Đồng Nai (-273).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: An Giang (109), Đắk Lắk (49), Bình Phước (16).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.892 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 790.755 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.034 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 786.208 ca, trong đó có 603.652 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (388.659), Bình Dương (211.056), Đồng Nai (48.595), Long An (32.468), Tiền Giang (14.000).
Về tình hình điều trị: Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 608.831
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.815 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.707
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.023
- Thở máy không xâm lấn: 218
- Thở máy xâm lấn: 840
- ECMO: 27

Ngày 30.9: Thông báo 203 ca Covid-19 tử vong tại 12 tỉnh thành

Trong ngày, cả nước ghi nhận 203 ca tử vong. Trong đó:
- 159 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (106), Bình Dương (30), An Giang (7), Đồng Nai (6), Kiên Giang (3), Tiền Giang (2), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1), Quảng Bình (1).
- Thông báo bổ sung 44 ca tử vong trong thời gian trước đó tại: Bình Dương (28), Long An (14), Quảng Bình (2).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 177 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.301 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 183.434 xét nghiệm cho 343.844 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.472.226 mẫu cho 52.690.957 lượt người.
- Trong ngày 29.9 có 983.839 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 42.165.168 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 32.669.057 liều, tiêm mũi 2 là 9.496.111 liều.

TP.HCM từ ngày 1.10: Những điều cần lưu ý

Sáng 30.9.2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo công bố phương án nới lỏng giãn cách, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 kể từ ngày 1.10.2021.
Buổi họp báo đã công bố nhiều thông tin quan trọng liên quan đến việc di chuyển của người dân, các ngành nghề được phép hoạt động và những cơ sở kinh doanh, sản xuất tiếp tục phải tạm dừng.
Lưu thông nội thành TP.HCM và lưu thông liên tỉnh: Theo Chỉ thị mới của TP.HCM, từ 1.10, người dân được phép tham gia lưu thông trong địa bàn TP.HCM nhưng phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin Covid-19 (cho đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức được đưa vào hoạt động).
Các chốt kiểm soát nội đô TP.HCM sẽ không còn hoạt động nhưng thành phố sẽ tập các tổ công tác lưu động kiểm tra ngẫu nhiên việc lưu thông của người dân.
Nếu không xuất trình được mã QR hợp lệ, người dân có thể xuất trình một trong các giấy tờ sau: giấy xác nhận là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc xác nhận đã tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19.
Đối với việc lưu thông liên tỉnh, TP.HCM vẫn duy trì 12 chốt kiểm soát ở cửa ngõ. TP.HCM yêu cầu người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác và không ra khỏi địa bàn TP.HCM. Trong trường hợp thực sự cần thiết phải di chuyển ra ngoài TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ có hướng dẫn.
Ở chiều ngược lại, đối với những người từ các địa phương muốn quay lại TP.HCM làm việc, thành phố sẽ phối hợp với các doanh nghiệp và địa phương tổ chức đón người lao động theo quy trình.

TP.HCM từ ngày 1.10: Những điều người dân cần lưu ý

Các hoạt động, ngành nghề được tiếp tục hoạt động: Theo chỉ thị mới, từ ngày 1.10, các hoạt động, kinh doanh, thương mại - dịch vụ sau đây được tiếp tục hoạt động:
- Cung cấp lương thực, thực phẩm.
- Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống.
- Xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu.
- Dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp.
- Dịch vụ quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.
- Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, cơ sở dịch vụ y tế, cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế;
- Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được bán mang đi
- Cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất
- Hoạt động giáo dục và đào tạo; tiếp tục dạy học gián tiếp; các hình thức đào tạo cho người đã được tiêm đủ vắc xin có thể dạy học trực tiếp;
- Các cuộc hội họp trong nhà chỉ tập trung tối đa 10 người, trường hợp người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19 thì tập trung tối đa 70 người.
- Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 100 người.
- Một số sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được hoạt động khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép
- Tổ chức đám tang, đám cưới tối đa 20 người cùng một thời điểm

Cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất

LÊ NAM

Các hoạt động tiếp tục tạm dừng: Theo quy định, những ngành nghề dưới đây phải tiếp tục tạm dừng, gồm:
- Quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.
- Các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động, trừ trường hợp được cơ quan thẩm quyền cho phép.
- Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động.

TP.HCM gỡ toàn bộ chốt kiểm soát Covid-19 nội thành

Theo thông tin được công bố trong cuộc họp báo sáng 30.9.2021 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, thành phố sẽ gỡ bỏ toàn bộ các chốt kiểm soát Covid-19 nội thành trước ngày 1.10, kể cả những chốt ở các tuyến đường lớn nối giữa các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Sáng 30.9, trao đổi với Báo Thanh Niên, lãnh đạo các đội CSGT - TT công an các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cho biết, từ 18 giờ ngày 30.9, các quận, huyện sẽ tiến hành gỡ bỏ toàn bộ các chốt kiểm soát Covid-19 nội thành. Trước đó, từ ngày 27.9, nhiều quận, huyện và TP.Thủ Đức đã tháo dỡ nhiều chốt chặn, rào chắn ở khu vực ngõ hẻm và các tuyến đường nhỏ.
Sau khi tháo dỡ các chốt kiểm soát nội thành, người dân TP.HCM được di chuyển bằng phương tiện cá nhân liên quận mà không cần khai báo y tế và kiểm tra giấy đi đường.

TP.HCM gỡ toàn bộ chốt kiểm soát nội thành, người dân được di chuyển liên quận từ 1.10

Tuy nhiên, thành phố sẽ tập các tổ công tác lưu động kiểm tra ngẫu nhiên việc lưu thông của người dân. Khi được tổ công tác yêu cầu, người dân phải xuất trình được mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin Covid-19 (cho đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức được đưa vào hoạt động).
Nếu không xuất trình được mã QR hợp lệ, người dân có thể xuất trình một trong các giấy tờ sau: giấy xác nhận là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc xác nhận đã tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19.
12 chốt kiểm soát ở khu vực cửa ngõ TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để kiểm tra việc lưu thông của người dân. TP.HCM yêu cầu người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác và không ra khỏi địa bàn TP.HCM. Trong trường hợp thực sự cần thiết phải di chuyển ra ngoài TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ có hướng dẫn.

Người dân TP.HCM vui mừng khi chốt kiểm soát được tháo dỡ

Sau nhiều ngày gặp những khó khăn khi đi chuyển thì chiều 30.9.2021, nhiều người dân TP.HCM đã bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn vì thấy các chốt kiểm soát Covid-19 đã bắt đầu được tháo gỡ.
Tại điểm chốt ở đường Phan Văn Trị (thuộc Q.Gò Vấp, TP.HCM), lực lượng chức năng đã tháo bạt, di chuyển các rào chắn.
Tại một điểm chốt khác ở đường Tân Sơn, lực lượng chức năng cũng đã hoàn thành công việc gỡ bỏ chốt để trả lại lòng đường thông thoáng.
Biết thông tin về việc gỡ chốt kiểm soát Covid-19 cũng như không kiểm tra giấy đi đường như trước nhiều người đã có thể nghĩ tới trạng thái bình thường mới.

Tháo chốt kiểm soát Covid-19, người dân TP.HCM thoát cảnh đi lòng vòng

Chiều 30.9.2021, nhiều điểm chốt kiểm soát ở Q.Gò Vấp cũng đã bắt đầu được tháo gỡ. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng thu dọn các rào chắn và dọn dẹp vị trí từng đặt chốt kiểm soát.
Trước đó, theo thông tin tại cuộc họp báo sáng 30.9 thì TP.HCM sẽ gỡ bỏ toàn bộ chốt kiểm soát Covid-19 nội thành trước ngày 1.10 kể các tuyến đường lớn nối các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Công an TP.HCM sẽ duy trì 12 chốt ở các cửa ngõ và 39 chốt phụ cấp quận, huyện.
Người dân khi tham gia lưu thông trên địa bàn TP.HCM sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin Covid-19.
Trường hợp không có mã QR, người tham gia lưu thông có thể xuất trình giấy xác nhận là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc giấy xác nhận đã tiêm vắc xin ít nhất một mũi vắc xin đủ 14 ngày.

Đường đi sân bay Tân Sơn Nhất thông thoáng ngày tháo chốt kiểm soát Covid-19

Đề xuất 5 trường hợp được lưu thông giữa TP.HCM và 5 tỉnh lân cận

Ngày 30.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã gửi dự thảo phương án tổ chức giao thông cho một số trường hợp có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu để 5 tỉnh nêu trên góp ý.
Theo dự thảo phương án, có 5 nhóm thường xuyên lưu thông gồm: vận tải hàng hóa; đưa đón công nhân, chuyên gia; hoạt động công vụ; khám chữa bệnh và đưa đón đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Thứ nhất là hoạt động vận tải hàng hoá, các phương tiện vận tải hàng hoá lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP.HCM phải có giấy nhận diện (có mã QR). Đối với phương tiện có lộ trình quá cảnh qua thành phố thì không được dừng, đỗ trong suốt quá trình lưu thông qua thành phố, trừ trường hợp bất khả kháng như: phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên xe.
Thứ hai là hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh, thành đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại phải đáp ứng 2 điều kiện: đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.
Thứ ba, công chức, viên chức của các tổ chức chính trị xã hội, các sở ban ngành của các tỉnh, thành phố tham gia hoạt động công vụ trên địa bàn TP.HCM và ngược lại di chuyển bằng ô tô phải đáp ứng 3 điều kiện: tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và giấy tờ liên quan đến hoạt động công vụ như: thư mời, giấy giới thiệu của cơ quan.

Đề xuất 5 trường hợp được lưu thông giữa TP.HCM và 5 tỉnh lân cận

Thứ tư, người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và đảm bảo một trong 2 điều kiện sau: giấy chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám của bệnh viện tại TP.HCM; hoặc xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) cho phép di chuyển đến TP.HCM để khám chữa bệnh.
Giấy xác nhận cần thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện.
Thứ năm, hoạt động đi đến sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT tại công văn số 8272 ngày 11.8 và công văn số 8573 ngày 18.8 về tiếp tục hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay.

Cảnh báo tình trạng lên mạng kêu gọi tụ tập về quê sau ngày 1.10

Trưa 30.9.2021, Công an quận 12 đã tổ chức lễ ra quân tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo Công an quận 12, đây là hoạt động thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP.HCM về tổ chức lễ ra quân chuyển sang trạng thái tăng cường tuần tra, kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an ninh trật tự, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố bắt đầu từ 0 giờ ngày 1.10.
Thượng tá Trần Sông Triều, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Công an quận 12, cho biết TP.HCM đã trải qua hơn 120 giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau để phòng dịch Covid-19; bắt đầu từ 0 giờ ngày 1.10, TP.HCM chính thức nới lỏng, mở cửa.
Theo lãnh đạo Công an quận 12, có thể trong thời gian mở cửa, trên địa bàn TP.HCM nói chung và địa bàn quận 12 nói riêng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp; tình hình tội phạm tăng cao, người thất nghiệp có nguy cơ phạm tội. Do đó, lãnh đạo Công an quận 12 yêu cầu các cán bộ chiến sĩ xác định tư tưởng tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường nắm tình hình, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống.

Cảnh báo tình trạng lên mạng kêu gọi tụ tập về quê sau ngày 1.10

Theo lãnh đạo Công an quận 12, việc nới lỏng giãn cách người dân hân hoan ra đường, hoạt động kêu gọi về quê tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, các đơn vị cán bộ chiến sĩ phải nắm tình hình không gian mạng, không để tụ tập lôi kéo, đi ra khỏi địa bàn; cơ cấu lại các chốt theo hướng rút các chốt phường, các chốt nội ô; thành lập các tổ để tuần tra kiểm soát, đảm bảo quán xuyến kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý vi phạm.
Riêng đối với chốt tại cầu Phú Long, lãnh đạo Công an quận 12 yêu cầu phải tăng cường gấp đôi lực lượng hiện có. 

Nhiều người có thẻ xanh nhưng thiếu dữ liệu vắc xin trên ứng dụng PC-COVID

Trưa 30.9, nhiều người ở TP.HCM phấn khởi vì dữ liệu đã được đồng bộ hóa, tạo được mã QR, có chứng nhận thẻ Covid-19 trên ứng dụng PC-COVID.
PC-COVID là ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 quốc gia ra đời nhằm thay thế và tích hợp các ứng dụng phòng chống Covid-19 hiện nay.
Sáng 30.9, nhiều người tải ứng dụng PC-COVID không thể đồng bộ hóa dữ liệu và đăng ký số điện thoại để tạo mã QR. Đến trưa cùng ngày, nhiều người dân đã có thể cài đặt thành công, có chứng nhận thẻ xanh Covid-19 trên ứng dụng PC-COVID.

Màn hình hiển thị thẻ xanh Covid trên ứng dụng PC-COVID

NGỌC LÊ

Một số người phấn khởi vì ứng dụng PC-COVID lấy dữ liệu rất nhanh từ ứng dụng Bluezone mà họ đã cài đặt trước đó.
Một số người cũng đồng bộ được dữ liệu vào trưa 30.9 nhưng dữ liệu tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 chưa có, hoặc có mà chưa đủ.
Bên cạnh đó, một số người dân phản ánh "đau đầu" chưa thể đồng bộ hóa dữ liệu hay đăng ký số điện thoại để tạo mã QR như Thanh Niên đã phản ánh sáng 30.9. Nhiều người dân cho biết sau khi đăng ký số điện thoại để nhận mã OTP, đến 5 - 6 phút sau mới nhận được mã. Khi nhận được mã OTP, nhập vào thì ứng dụng báo mã OTP hết thời gian.
Ngoài ra, nhiều người khi tải ứng dụng PC-COVID đến khâu hiển thị thì ứng dụng vẫn quay vòng vòng trong trạng thái chờ. Nhiều người lo ngại vì chưa sử dụng được ứng dụng này sẽ khiến việc đi lại của họ gặp khó khăn.

Tiệm tóc Sài Gòn rục rịch trước ngày hoạt động

Anh Phan Phú Quốc, quản lý tiệm tóc trên đường Nguyễn Thái Học, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1 phải từ chối phục vụ và hẹn khách quay lại vào sáng hôm sau, 1.10 – đúng lịch hoạt động mà TP cho phép. Đã gần trưa, anh và một thợ cắt khác vẫn hối hả dọn dẹp nốt tiệm tóc của mình. Sau 4 tháng đóng cửa, bụi đã phủ đầy bàn ghế, tonder, sàn nhà khiến anh phải dọn dẹp từ sáng sớm mới xong.
Từ khi TP.HCM bùng dịch Covid-19, các tiệm tóc đóng cửa, nhân viên đều đã về quê tránh dịch Covid-19 nhiều tháng nay.
Sáng 30.9, hầu hết nhân viên đều chưa thể quay trở lại thành phố để kịp ngày hoạt động trở lại.
Một mình anh Phú vừa đảm nhiệm vận hành, vừa kiêm thợ tóc. Đến trưa, một thợ tóc khác được điều động qua để hỗ trợ anh dọn dẹp, đồng thời lên kế hoạch để cùng anh nhận khách trong sáng hôm sau.
TP.HCM chỉ cho phép các tiệm tóc hoạt động 50% công suất. Tiệm có 5 ghế, nhưng chỉ có 2 thợ hoạt động. Quản lý cũng lên phương án hạn chế số lượng khách vào cùng một thời điểm để đảm bảo đúng yêu cầu phòng dịch Covid-19.
 

Tiệm tóc Sài Gòn rục rịch mở cửa, chưa đến ngày khách đã vào hỏi cắt

Xóm ngụ cư mắc kẹt giữa Sài Gòn vì Covid-19

Sau lớp cỏ cây mọc quá đầu người, nhiều hộ dân đang gồng mình bám trụ lại TP.HCM trước làn sóng tấn công mạnh mẽ của dịch Covid-19 lần thứ tư ập đến TP.HCM. Họ là 17 hộ dân cùng hàng chục nhân khẩu, hầu hết đều là công nhân lao động tự do người dân tộc Khmer, đang sinh sống ở phường Thạnh Mỹ Lợi - TP.Thủ Đức.
Bà Thị Lan, 58 tuổi, quê ở Giồng Riềng, Kiên Giang đã ‘nhập làng’ được 3 năm. Vợ chồng bà Lan từng thuê nhà trọ ở gần khu vực Suối Tiên nhưng vì không chịu nổi giá tiền phòng nên khăn gói ra khu vực này sinh sống.Đã gần 60 tuổi, thuộc nhóm những người cao tuổi nhất trong khu này nhưng hai ông bà vẫn phải mưu sinh bằng công việc tay chân như nhiều gia đình trẻ khác. Con cái ra ở riêng, mỗi đứa một nơi, bà Lan cũng chẳng nhớ nổi đàn con phiêu bạt nơi nào, chỉ biết rằng dịch dã chia cắt mỗi người một ngả. Những ngày giãn cách xã hội, hai ông bà phải tự xoay sở, kiếm cái ăn sống qua ngày.

Xóm ngụ cư mắc kẹt giữa Sài Gòn vì Covid-19: 'Đi làm ngày nào thì sống ngày đó'

Sáng 29.9, Trung tâm Công tác Xã hội Công đoàn thành phố - Liên đoàn Lao động TP.HCM đã cùng mạnh thường quân đến thăm và trao tặng 17 phần quà gồm gạo, sữa, mì gói, tiền mặt, nhiều nhu yếu phẩm, mỗi phần quà trị giá 1,2 triệu đồng cho các họ dân ở xóm ngụ cư này. Ngoài ra, có nhà hảo tâm tặng thêm cho bà con 1.700 chiếc khẩu trang vải để đảm bảo 5K trong thời gian dịch bệnh.
Các phần quà do gia đình chị Đoàn Thị Phương Chi (ngụ quận 1,TP.HCM) và đại diện nhóm Bếp Lang Thang trao tặng. Nhận những túi nhu yếu phẩm, không ít người nghẹn ngào xúc động vì không lo thiếu ăn trong những ngày tới.
Nghèo vật chất nhưng nặng tình cảm, sống tạm bợ trong căn nhà xiêu vẹo nhưng chẳng ai nỡ rời xa mảnh đất này - nơi cưu mang và cho họ miếng cơm manh áo. Dù đời còn nhiều cơ cực nhưng Sài Gòn cho họ ước mơ về viễn cảnh một tương lai thoát nghèo.

Đám cưới qua ti vi của nữ điều dưỡng Hà Nội ở lại TP.HCM chống dịch

Ngày 29.9.2021, điều dưỡng Ngọc Diệp (24 tuổi, ở Hà Nội) - người đang tham gia hỗ trợ chống dịch tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách, đóng tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TPHCM), đã được đồng nghiệp tổ chức đám cưới online đặc biệt.
Đám cưới được tổ chức qua hình thức video call kết nối online ở 3 "đầu cầu".
Một đầu cầu ở nhà chú rể tại Hà Nội, một từ các quan khách tham dự ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Điểm cầu thứ ba ở nơi cô dâu đang công tác - phòng họp của Bệnh viện dã chiến số 16 (TP.HCM)
Trước đó, hai bên gia đình chị Diệp và chồng sắp cưới là anh Lê Quang Huy đã ấn định ngày tổ chức hôn lễ. Tuy nhiên, vì dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, cô cùng các đồng nghiệp đã vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch.
Ngọc Diệp vốn tưởng rằng dịch sẽ chóng được đẩy lùi và ngày về vẫn kịp ngày cưới nhưng mọi việc đã vượt tính toán của cô, khi số lượng bệnh nhân liên tục tăng, đường về nhà như một dài thêm.
Nữ điều dưỡng trẻ không thể trở về nhà để kịp tổ chức đám cưới.

Đám cưới qua ti vi của nữ điều dưỡng Hà Nội ở lại TP.HCM chống dịch

Để không ảnh hưởng đến ngày thành gia lập thất, cô dự định sẽ âm thầm làm đám cưới online một mình trong nhà kho ở Bệnh viện dã chiến số 16.
Cách hôm cưới vài ngày, đồng nghiệp phát hiện Diệp ngồi buồn một góc bệnh viện, làm đám hỏi của chính mình qua màn hình điện thoại.
Biết được sự việc, các y bác sĩ, các đồng nghiệp vô cùng xúc động. Gần như lập tức, họ bảo nhau sẽ cùng với các tình nguyện viên tổ chức cho nữ điều dưỡng một lễ cưới tinh tươm ngay tại nơi điều trị Covid-19.
Để thực hiện trong khi thời gian rất gấp rút, các đồng nghiệp ở bệnh viện dã chiến đã tìm mọi đầu mối có thể để mượn áo dài, sửa lại cho vừa vặn với cô dâu.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 30.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.