Bản tin Covid-19 ngày 19.1: Cả nước 15.959 ca mới | Thần tốc truy vết ca nhiễm Omicron cộng đồng

19/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 19.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 19.1 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận thêm 15.959 ca Covid-19 mới, 33.034 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 19.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 18.1 đến 16h ngày 19.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.959 ca nhiễm mới, 33.034 ca khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 108 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin tối 19.1 cũng thông báo về 142 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 36.114 ca.

Thông tin về 15.959 ca nhiễm mới như sau:

  • 23 ca nhập cảnh.
  • 15.936 ca ghi nhận trong nước (giảm 827 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.460 ca trong cộng đồng).

Gồm: Hà Nội (2.909), Đà Nẵng (892), Khánh Hòa (652), Thanh Hóa (628), Trà Vinh (603), Hưng Yên (568), Bến Tre (561), Bình Phước (535), Quảng Ngãi (490), Bình Định (412), Cà Mau (379), Hải Dương (349), Vĩnh Phúc (338), Quảng Nam (336), Bắc Giang (302), Quảng Ninh (297), Bắc Ninh (288), Thừa Thiên-Huế (277), Nam Định (274), TP.HCM (263), Vĩnh Long (251), Hòa Bình (251), Nghệ An (251), Tây Ninh (247), Lâm Đồng (245), Thái Nguyên (196), Thái Bình (187), Phú Thọ (180), Bạc Liêu (177), Bà Rịa - Vũng Tàu (170), Phú Yên (164), Gia Lai (151), Bình Thuận (150), Lạng Sơn (131), Đắk Nông (127), Ninh Bình (126), Quảng Bình (118), Yên Bái (110), Hà Giang (109), Lào Cai (106), Hà Nam (99), Sơn La (99), Hậu Giang (97), Tuyên Quang (89), Đồng Nai (77), Đồng Tháp (75), Cần Thơ (71), Bình Dương (64), Quảng Trị (58), Hà Tĩnh (49), Long An (49), Lai Châu (44), Cao Bằng (43), An Giang (41), Kiên Giang (35), Điện Biên (35), Sóc Trăng (34), Ninh Thuận (30), Tiền Giang (30), Bắc Kạn (14), Đắk Lắk (3).

  • Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-203), Đắk Lắk (-178), Bình Định (-170).
  • Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hưng Yên (+194), Khánh Hòa (+145), Bến Tre (+91).
Ngày 19.1: Cả nước 15.959 ca Covid-19, 33.034 ca khỏi | Hà Nội 2.909 ca | TP.HCM 263 ca

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.243 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 108 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1), Quảng Ninh (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.078.087 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.056 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.071.658 ca, trong đó có 1.786.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (511.950), Bình Dương (292.950), Đồng Nai (99.465), Hà Nội (97.026), Tây Ninh (86.314).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 33.034 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.789.188 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.588 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.971 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 769 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 142 ca
  • Thở máy xâm lấn: 686 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 18.1 đến 17h30 ngày 19.1 ghi nhận 142 ca tử vong, gồm: Tại TP.HCM (9) trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến: Long An (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Tháp (16), Kiên Giang (12), Vĩnh Long (11), Bến Tre (10 ca trong 02 ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu (9 ca trong 02 ngày), Sóc Trăng (8 ), An Giang (8 ), Tiền Giang (7), Tây Ninh (6), Cần Thơ (5), Cà Mau (5), Hà Nội (4), Khánh Hòa (4), Long An (4), Bình Phước (3), Lâm Đồng (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Hải Phòng (2), Hòa Bình (2), Huế (2), Bắc Ninh (1), Quảng Nam (1), Bình Định (1), Đắk Lắk (1), Nam Định (1), Lào Cai (1), Nghệ An (1), Ninh Thuận (1), Bình Thuận (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 164 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.114 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 31.663.218 mẫu tương đương 76.466.675 lượt người.

Trong ngày 18.1 có 1.569.422 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 171.638.597 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.711.478 liều, tiêm mũi 2 là 72.947.487 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 19.979.632 liều.

3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng tại TP.HCM liên quan một người nhập cảnh

Sáng 19.1, Sở Y tế TP.HCM xác nhận có 3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng đầu tiên tại TP.HCM.

Theo đó, ngày 18.1, Sở Y tế nhận được báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới về 3 trường hợp Covid-19 nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiến hành điều tra dịch tễ tiến hành truy vết F1.

TP.HCM có 3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng đầu tiên

Theo đó, chị N.T.N.P. (40 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) từ Mỹ về Việt Nam và đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer. Ngày 4.1, chị P. được xét nghiệm PCR tại Mỹ, kết quả âm tính. Ngày 5.1, chị P. từ Mỹ về Việt Nam, nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh trên chuyến bay BN5409 ngày 7.1 và được cách ly tại khách sạn ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Quá trình cách ly tại đây, chị P. ở 1 phòng riêng.

Ngày 9.1, chị P. được xét nghiệm PCR tại CDC Khánh Hòa, kết quả âm tính.

Xét nghiệm Covid-19 tại HCDC

DUY TÍNH

Ngày 10.1, chị P. bay chuyến VN1345 từ Nha Trang đến TP.HCM lúc 16 giờ 30 cùng ngày. Người thân đón chị P. tại sân bay Tân Sơn Nhất nhất gồm anh K. (34 tuổi, ngụ H.Bình Chánh), chị H. (45 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) và chị T. (30 tuổi, ngụ Q.11).

Sau đó, nhóm 3 người là chị P., anh K. và chị H. cùng đi ăn tại nhà hàng rồi về.

Tối 13.1, chị P. cảm thấy ho khan, rát họng nhẹ. Đến ngày 14.1, anh K., chị H. và chị T. có triệu chứng nên đi khám và được lấy mẫu gửi Bệnh viện 30.4.

Ngày 15.1, khi có kết quả dương tính, Bệnh viện 30.4 gửi mẫu anh K., chị H. và chị T. qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để giải trình tự gen.

Trong khi đó, ngày 16.1, chị P. cũng có kết quả dương tính do Bệnh viện 30.4 thực hiện.

Ngày 18.1, phòng Xét nghiệm của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới báo cáo kết quả giải trình tự gen 3 mẫu bệnh phẩm của anh K., chị T. và chị H. đều cho thấy thuộc biến thể Omicron (BA.1).

Hiện tại, tình trạng các bệnh nhân là K., chị H., chị T. và chị P. đều ổn.

HCDC đang tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 để khoanh vùng cách ly theo quy định phòng lây lan biến thể Omicron.

3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng tại TP.HCM liên quan một người nhập cảnh

Khẩn:Tìm người trên chuyến bay liên quan ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron

Chiều 19.1.2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát thông báo khẩn tìm người trên chuyến bay liên quan ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron tại TP.HCM.

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ngày 19.1, TP.HCM ghi nhận 3 ca nhiễm biến chủng Omicron có liên quan đến 1 người nhập cảnh. Người nhập cảnh này đã đi trên 2 chuyến bay như sau:

KHẨN CẤP: Tìm người trên chuyến bay liên quan ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron

1. Chuyến bay VN5409 từ Hàn Quốc đến Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh vào ngày 7.1.2022

2. Chuyến bay VN1345 từ Cam Ranh đến TP.HCM vào ngày 10.1.2022

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đề nghị tất cả hành khách đi trên 2 chuyến bay trên phải liên hệ khai báo cho Trạm Y tế địa phương nơi cư ngụ để được tư vấn và xét nghiệm.

Bộ trưởng GD-ĐT: "Cương quyết cho học sinh trở lại trường"

Phát biểu kết luận hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức dạy học trực tiếp sáng 19.1, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng dạy học trực tuyến thời gian qua phần nào đảm bảo được tiến độ dạy học. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn thì những tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người học.

Đến thời điểm này, ông Sơn cho rằng, cùng với việc tiêm phủ vắc xin và kinh nghiệm cũng như các điều kiện phòng chống dịch, chữa trị bệnh... thì chúng ta đã đầy đủ điều kiện để mở cửa trường học. Việc cho học sinh đi học không chỉ là mở cửa trường mà còn để củng cố chất lượng giáo dục trong dịch bệnh.

Về quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ông Sơn nhiều lần nhấn mạnh đề nghị cần "khẩn trương, cương quyết, chu đáo trong việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường". Với học sinh đã được tiêm vắc xin cũng như đối với học sinh chưa được tiêm cũng phải có kế hoạch, kịch bản mạnh mẽ, cụ thể hơn về lộ trình trở lại trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị cần cương quyết hơn trong việc cho học sinh trở lại trường
thế đại

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng: "Với học sinh tiêm vắc xin rồi thì cho học sinh trở lại trường sau tết là một yêu cầu; còn với học sinh tiểu học, mầm non, dù chưa được tiêm vắc xin cũng phải có kế hoạch chuẩn bị". Ông Sơn đề nghị cần làm công tác tư tưởng để có sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh, đồng thời nhấn mạnh đây là khâu rất quan trọng.

Tán thành ý kiến của chuyên gia về việc sẽ không có phương án nào tuyệt đối mà chỉ có phương án tốt nhất, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, phương án tốt nhất là nhanh chóng cho học sinh trở lại trường vì học sinh ở nhà sẽ phải đối mặt với các nguy cơ khác đáng lo ngại hơn.

Ông Sơn đề nghị các địa phương cần tránh cả hai trạng thái cực đoan: hoặc chần chừ, e dè thái quá; hoặc chủ quan phó mặc cho nhà trường, thầy cô khi cho trẻ trở lại trường. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, điều chỉnh và ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình mới để các cấp triển khai khi mở cửa trường.

Hơn 90% trẻ 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin, 9 địa phương dạy học trực tiếp

Ông Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý việc học trực tuyến kéo dài đã bắt đầu nảy sinh tâm lý ngại dạy học trực tiếp ở cả giáo viên và học sinh. Do vậy, những ngày đầu mở cửa trường cần có các hoạt động giúp học sinh hội nhập trở lại cả về thái độ, kỹ năng học tập và tham gia các hoạt động tập thể… làm sao để tạo cảm giác hứng thú và mong muốn trở lại trường; khảo sát, phân nhóm để xác định có biện pháp giúp đỡ, bù đắp cho học sinh bị hổng kiến thức do học trực tuyến kéo dài.

Kết lại phần phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn một lần nữa đề nghị lãnh đạo UBND các địa phương và ngành GD-ĐT từ nay đến trước nghỉ tết Nguyên đán cần khẩn trương xây dựng kế hoạch chuẩn bị, cương quyết đưa học sinh quay trở lại trường ngay sau nghỉ tết. Với lứa tuổi trẻ mầm non, tiểu học cũng phải có kịch bản để cho các em trở lại trường an toàn cả khi chưa tiêm vắc xin.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: “Thở phào sau 1 năm hết mình vì F0 Covid-19”

Suốt nhiều tháng dịch Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi đồng 1 (Q.10, TP.HCM) trở thành vị bác sĩ của mọi nhà khi liên tục xuất hiện trên tivi, internet để tư vấn cho người dân mắc Covid-19.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh ngày cận Tết: Thở phào sau 1 năm hết mình vì F0 Covid-19

Đặc biệt, chương trình “Bác sĩ ơi” do Báo Thanh Niên tổ chức với sự tham gia của bác sĩ Khanh đã tạo sự lan tỏa vô cùng rộng rãi. Các chương trình được thực hiện trực tiếp để bác sĩ tương tác với khán giả đã liên tục thu hút lượng xem lớn trong suốt thời gian dịch bệnh kéo dài.

Bác sĩ Khanh trong chương trình "Bác sĩ ơi" do Báo Thanh Niên tổ chức

lê nam

Gần nửa đời người gắn bó với ngành truyền nhiễm nhi khoa, bác sĩ Trương Hữu Khanh có nhiều tình cảm và kỷ niệm đặc biệt với các bệnh nhi. Mỗi dịp tết nguyên đán, bác sĩ cùng đồng nghiệp luôn tìm cách để bù đắp cho những em nhỏ và gia đình phải ăn tết ở bệnh viện, không để các em chịu thiệt thòi.

Mới đây, chương trình “Xuân ấm áp - Tết bình an” do Báo Thanh Niên tổ chức với sự đồng hành của FPT Shop đã về với bệnh viện Nhi đồng 1 (Q.10, TP.HCM) để trao hơn 100 phần quà, bao lì xì cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đón tết. Bác sĩ Khanh cùng lãnh đạo bệnh viện và nhà tài trợ chương trình đã cùng trao những món quà ý nghĩa đến tận tay các gia đình bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Bác sĩ Khanh liên tục tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân F0 Covid-19 miễn phí trong nhiều tháng dịch bệnh

lê nam

Sau gần 1 năm hết mình vì F0, bác sĩ Khanh có thể thở phào vì những đóng góp của mình cho cộng đồng đã giúp cho nhiều người lạc quan, mạnh mẽ vượt qua được đợt dịch cam go nhất từ trước đến nay. Dự đoán về tình dịch covid-19 tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, bác sĩ Khanh bày tỏ sự lạc quan nếu như người dân thực hiện tốt 5K và tiêm chủng đầy đủ.

"Theo tôi TP.HCM đã ổn rồi, theo tôi dự đoán tháng 12 sẽ hết thì rõ ràng bây giờ gần như đã ổn rồi, chúng ta chỉ cần 5K đúng chỗ và chích ngừa cho đủ thì hết. Còn ở Việt Nam, các tỉnh miền Nam sẽ ổn, miền Bắc chắc khoảng hết tháng Giêng, giữa tháng Hai. Trên thế giới, những nước Âu Mỹ 1-2 tuần nữa sẽ hết. Theo tôi toàn thế giới tháng 4 sẽ hết, tháng 6 chắc người ta không nhắc về Covid-19 nữa đâu", bác sĩ Khanh nói.

Hơn 9,6 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ trên toàn thế giới

Đến 17 giờ chiều 19.1 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 334.286.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.556.000 ca tử vong và hơn 9.699.784.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

Với hơn 67.597.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19.

  • Mỹ cũng đã ghi nhận 854.074 người chết vì Covid-19.
  • Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 37.901.000 ca nhiễm và 487.202 người tử vong vì Covid-19.
  • Kế tiếp là Brazil với hơn 23.229.000 ca Covid-19 và 621.803 ca tử vong vì Covid-19.
  • Vương Quốc Anh xếp thứ tư với hơn 15.501.000 ca nhiễm và 153.017 ca tử vong.
  • Pháp xếp ở vị trí thứ năm với hơn 14.284.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 128.629 ca tử vong.

Trung Quốc 'không có cơ sở khoa học' khi nói thư từ Canada lây truyền Omicron

Hôm 17.1, cơ quan y tế Trung Quốc nói ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở nước này có thể đã nhiễm virus từ một bưu kiện gửi từ Canada. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho rằng cáo buộc này cần được xem xét lại một cách kỹ càng.

Trung Quốc 'không có cơ sở khoa học' khi nói thư từ Canada lây truyền Omicron

Sau thông tin từ phía Trung Quốc, Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos hôm 17.1 phản bác: “Tôi thấy đây là một quan điểm bất thường. Chắc chắn là không phù hợp với những gì chúng tôi đã làm ở cả trong nước và quốc tế”.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng giả thuyết về một kiện hàng có thể lây lan virus lại mâu thuẫn với những gì các nghiên cứu gần đây về khả năng tồn tại trên các bề mặt của virus gây Covid-19.

Công nhân mặc đồ bảo hộ sau đợt bùng phát dịch Covid-19 đứng cạnh các kệ nhu yếu phẩm tại một khu dân cư bị phong tỏa sau khi một trường hợp biến thể Omicron được phát hiện, ở Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 18.1.2022

reuters

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết các nghiên cứu cho thấy “không phát hiện được virus tồn tại trong vòng vài phút đến vài giờ” trên các bề mặt xốp, như giấy. Trước đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet hồi tháng 4.2020 kết luận rằng “không có loại virus lây nhiễm nào có thể được phục hồi từ giấy in và giấy lụa sau 3 giờ”.

Trước đó, Pang Xinghuo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh, nói giới chức y tế “không thể loại trừ khả năng” bệnh nhân bị nhiễm bệnh do gói hàng từ nước ngoài mang virus. Trung tâm này tuyên bố gói hàng trên đã được chuyển qua Mỹ trước khi đến Hồng Kông và sau cùng đến Trung Quốc.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 19.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.