Bản tin Covid-19 ngày 6.1: Cả nước 25.842 ca | Nỗi lo “sóng thần” Omicron sẽ mạnh hơn Delta

06/01/2022 20:01 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 6.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 6.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Công bố 25.842 ca Covid-19, 28.369 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 6.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 5.1 đến 16h ngày 6.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.472 ca nhiễm mới, Sở Y tế Vĩnh Long đăng ký bổ sung 9.370 ca; như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 25.842 ca. Trong ngày có 28.369 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 170 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 33.644 ca. Sở Y tế Hải Dương đính chính số ca tử vong ngày 5.1 tại Hải Dương là 1 ca.

Ngày 6.1: Công bố 25.842 ca Covid-19, 28.369 ca khỏi | Hà Nội 2.716 ca | TP.HCM 442 ca

Thông tin về 25.842 ca vừa được công bố như sau:

  • 55 ca nhập cảnh.
  • 6.417 ca ghi nhận trong nước (giảm 580 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.555 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.716), Hải Phòng (923), Tây Ninh (853), Khánh Hòa (800), Bình Phước (798), Cà Mau (702), Bình Định (575), Trà Vinh (553), Vĩnh Long (519), Bến Tre (492), TP.HCM (442), Hưng Yên (397), Bắc Ninh (347), Quảng Ninh (327), Bạc Liêu (301), Đà Nẵng (299), Hà Giang (264), Thừa Thiên Huế (247), Lâm Đồng (230), Quảng Ngãi (230), An Giang (230), Thanh Hóa (217), Bắc Giang (213), Thái Nguyên (193), Vĩnh Phúc (186), Quảng Nam (179), Cần Thơ (163), Nam Định (156), Bà Rịa - Vũng Tàu (152), Thái Bình (143), Phú Yên (142), Nghệ An (139), Bắc Kạn (134), Đồng Nai (132), Bình Thuận (124), Đồng Tháp (120), Hòa Bình (119), Kiên Giang (118), Tiền Giang (117), Sơn La (117), Phú Thọ (110), Đắk Nông (106), Sóc Trăng (104), Gia Lai (104), Hà Nam (95), Bình Dương (91), Ninh Bình (87), Cao Bằng (86), Long An (64), Quảng Bình (59), Quảng Trị (54), Hậu Giang (48), Yên Bái (46), Tuyên Quang (45), Ninh Thuận (42), Lào Cai (42), Lai Châu (37), Điện Biên (37), Hà Tĩnh (29), Lạng Sơn (22).
  • Ngày 6.1.2022, Sở Y tế Vĩnh Long đăng ký bổ sung 9.370 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Vĩnh Long.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (-205), Bình Định (-160), Vĩnh Long (-138).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+211), Hải Phòng (+131), Bình Phước (+116).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.053 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.843.563 ca nhiễm, đứng thứ 30/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.686 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.837.650 ca, trong đó có 1.461.598 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (506.413), Bình Dương (291.218), Đồng Nai (98.418), Tây Ninh (80.552), Hà Nội (59.450).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 28.369 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.464.415 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.626 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.766 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 917 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 203 ca
  • Thở máy xâm lấn: 721 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 5.1 đến 17h30 ngày 6.1 ghi nhận 170 ca tử vong:

  • Tại TP.HCM (21) trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (19), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Tiền Giang (13), Bến Tre (12), Đồng Tháp (12), Vĩnh Long (12), Cần Thơ (9), Bạc Liêu (9), Bình Dương (8 ), Kiên Giang (8 ), Bình Thuận (6), Trà Vinh (5), Tây Ninh (5), Long An (5), Cà Mau (3), Hậu Giang (2), Bình Định (2), Hải Phòng (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1), Khánh Hòa (1), Đắk Nông (1), Ninh Thuận (1).

Sở Y tế Hải Dương đính chính số ca tử vong ngày 5.1.2022 tại Hải Dương là 1 ca, tổng số ca tử vong cộng dồn do Covid-19 tại Hải Dương từ đầu dịch là 2 ca.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 211 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.644 ca, chiếm tỉ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.735.429 mẫu tương đương 75.383.396 lượt người, tăng 103.643 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 5.1 có 1.692.955 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 156.902.083 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.110.585 liều, tiêm mũi 2 là 70.279.466 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 8.512.032 liều.

3 công ty dược trong nước được xét cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19

Tối 5.1, Bộ Y tế cho biết Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế (gọi tắt là Hội đồng) đã có cuộc họp xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir của các cơ sở sản xuất trong nước.

3 công ty dược trong nước được xét cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19

Hội đồng đã xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng các ý kiến thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành về tiêu chuẩn chất lượng, bào chế, dược lý lâm sàng và thống nhất đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir (là thuốc kháng vi rút có chỉ định điều trị Covid-19).

Hội đồng yêu cầu các cơ sở sản xuất thuốc cần đảm bảo các điều kiện để kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành, gồm: phải thực hiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất; tiếp tục theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hàng tháng sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành và báo cáo cơ quan quản lý để giám sát chặt chẽ về chất lượng, tuổi thọ của thuốc; tiếp tục thực hiện nghiên cứu độ ổn định của thuốc và nộp dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ cập nhật hạn dùng để thẩm định theo hướng dẫn và yêu cầu của Bộ hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN.

Đối với các hồ sơ chưa được phê duyệt, Hội đồng đề nghị các cơ sở sản xuất tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, bổ sung các tài liệu, dữ liệu và kết quả nghiên cứu về tiêu chuẩn chất lượng thuốc, độ ổn định của thuốc. Hội đồng sẽ khẩn trương họp để xem xét việc cấp phép ngay khi có các kết quả thẩm định hồ sơ bổ sung của các tiểu ban chuyên môn.

Với việc cấp phép lưu hành thuốc điều trị Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan quản lý và đơn vị chuyên môn kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và quản lý về giá theo đúng quy định của luật Dược, chống mọi biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc cung ứng thuốc.

Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép cho các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu nguyên liệu sản xuất Molnupiravir, sẵn sàng cung ứng cho sản xuất thuốc này.

Trước đó, từ tháng 8.2021, căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi T.Ư và Đại học Y dược TP.HCM về tính an toàn và hiệu quả, Bộ Y tế đã cho phép triển khai chương trình sử dụng có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Coivd-19 thể nhẹ tại cộng đồng tại TP.HCM.

Hiện, chương trình đã triển khai đến 51 tỉnh, thành với hơn 300.000 liều được phân bổ. Qua thực tế triển khai, thuốc Molnupiravir được đánh giá tính an toàn, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng…

Ca mắc Covid-19 tăng rất nhanh, lần thứ 6 Hà Nội điều chỉnh phân tầng điều trị F0

Ngày 6.1.2022, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; Trung tâm cấp cứu 115 về phân luồng tiếp nhận, điều trị F0 mắc Covid-19. Đây là lần điều chỉnh thứ 6 của ngành y tế Hà Nội liên quan đến vấn đề này.

Ca mắc Covid-19 tăng rất nhanh, lần thứ 6 Hà Nội điều chỉnh phân tầng điều trị F0

Cụ thể, nguyên tắc đầu tiên của việc phân luồng, quản lý, điều trị F0 là tuỳ theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Trong lần hướng dẫn này, Hà Nội điều chỉnh khá nhiều về tiêu chí phân tầng so với các lần trước.

Theo chỉ đạo của Sở Y tế, các bệnh viện tầng 3 sẽ tiếp nhận F0 nếu F0 được đánh giá ở nguy cơ rất cao (có tình trạng cấp cứu, SpO2 dưới 90%). Cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 gồm 5 bệnh viện của Hà Nội gồm: Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và Sơn Tây; các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành. Riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa.

Trước đây, bệnh viện tầng 3 ở Hà Nội sẽ tiếp nhận F0 có tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vắc xin, mắc bệnh lý nền hoặc có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.

F0 ở mức độ nguy cơ cao sẽ được xếp vào tầng 2 (như mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày; trẻ em dưới 3 tháng tuổi và F0 có SpO2 từ 90-96%). Các cơ sở tiếp nhận gồm các bệnh viện thuộc tầng 2 (thường là các bệnh viện các quận, huyện và một số bệnh viện thuộc thành phố). Riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận F0 sản khoa cần can thiệp chuyên khoa.

Trước đây, bệnh viện tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, nay chỉ có trường hợp nguy cơ cao mới vào tầng 2.

F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình sẽ được điều trị ở tầng 1. Cụ thể, nhóm có nguy cơ trung bình gồm:

  • Người từ 65 tuổi trở lên chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định (nghĩa là không dùng thuốc hoặc uống thuốc theo đơn tại nhà, không có triệu chứng của đợt tiến triển).
  • Người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vắc xin.
  • Người mắc bệnh nền ổn định.
  • Người có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở… và SpO2 từ 97% trở lên.

Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố.

Nhóm nguy cơ thấp gồm:

  • Những người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền nhưng đã tiêm đủ liều vắc xin.
  • Người từ 3 tháng tới dưới 49 tuổi không có bệnh lý nền hoặc bệnh nền đã ổn định, chưa tiêm đủ vắc xin và SpO2 từ 97% trở lên.

Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung của quận/huyện.

Nhóm F0 được quản lý, điều trị tại nhà gồm người từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vắc xin, không mang thai, sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường và Sp02 từ 97% trở lên.

Sở Y tế cũng có hướng dẫn phân luồng điều trị với nhóm bệnh nhân đặc biệt như người chạy thận nhân tạo, người có bệnh lý tâm thần hay người đang cai nghiện tại cộng đồng.

Theo yêu cầu của Sở Y tế, cơ sở điều trị thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ và kết quả xét nghiệm F0 để quyết định chuyển tuyến, ra viện, kết thúc cách ly. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu tập trung điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở thu dung điều trị, hạn chế chuyển tầng, chuyển độ.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu ưu tiên giường bệnh tại bệnh viện để tiếp nhận người bệnh tầng 2, 3.

Trong gần 1 tháng nay, Hà Nội ghi nhận số ca mắc liên tục tăng mỗi ngày. Trong những ngày gần đây, số ca mắc tại Hà Nội đều trên 2.500 ca/ngày, cao nhất cả nước.

Tới hết ngày 5.1, có hơn 35.500 bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội đang điều trị, trong đó có hơn 320 F0 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Cơ sở 2) và Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hơn 2.600 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Khoảng 6.700 F0 điều trị ở tầng 1 tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và quận, huyện. Số F0 điều trị tại nhà là gần 25.800 người.

Hà Nội đề nghị bổ sung đủ thuốc điều trị F0 mắc Covid-19

Chiều 5.1.2022, thông tin về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ việc mua sắm vật tư y tế là cấp thiết, cấp bách vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, quá trình này phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch. Thành phố nghiêm cấm mọi hành vi tư lợi và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện có sai phạm.

Hà Nội đề nghị bổ sung đủ thuốc điều trị F0 mắc Covid-19

Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cũng nhận định tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca F0 phát sinh hàng ngày tăng cao, số ca ngoài cộng đồng chiếm tỉ lệ lớn. Dù vậy, đây là điều tất yếu khi mở lại và thực hiện bình thường mới.

Các ca F0 của thành phố chủ yếu ở thể nhẹ, với 93,5% F0 được điều trị ở nhà hoặc cơ sở thu dung của xã, phường, thị trấn, đã được tiếp cận thuốc và chăm sóc sớm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát năng lực y tế cơ sở trên quy mô dân số để bố trí các trạm y tế lưu động đủ đáp ứng yêu cầu quản lý và hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại cơ sở và tại nhà. Đây là biện pháp rất quan trọng để hạn chế số ca F0 phải chuyển tầng, giảm tải cho y tế tuyến trên. Việc phân tầng điều trị phải công khai, minh bạch để người dân yên tâm.

Ngành y tế tiếp tục huy động thêm nhân lực, tiêm phủ vắc xin mũi 3... Đồng thời, thành phố cũng kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố đủ cơ số thuốc để điều trị sớm các ca F0, nhằm hạn chế rủi ro và giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị.

Sóng Omicron có thể mạnh hơn sóng Delta nhưng Singapore lạc quan

Nhóm chuyên trách Covid-19 của Singapore hôm 5.1 dự báo biến thể Omicron sẽ gây ra làn sóng Covid-19 nghiêm trọng hơn Delta.

Sóng Omicron có thể mạnh hơn sóng Delta nhưng Singapore lạc quan

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung thông báo từ ngày 14 tháng 2, những người đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên phải được tiêm một liều tăng cường không quá 270 ngày sau liều cuối cùng. Đây mới được xem là tiêm chủng đầy đủ.

Nước này chỉ cho phép những người được chủng ngừa đầy đủ vào trung tâm thương mại hoặc ăn uống tại nhà hàng, quầy hàng rong.

Trong tuần qua, Singapore đã ghi nhận 1.281 trường hợp nhiễm Omicron, bao gồm 1.048 ca nhập cảnh và 233 ca cộng đồng. Con số này chiếm khoảng 18% tổng số ca lây nhiễm của nước này trong tuần trước.

Bộ trưởng Bộ Công thương Singapore Gan Kim Yong cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có ít trường hợp bị bệnh nặng. Bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron có khả năng ít nghiêm trọng hơn Delta. Hiện tại chúng tôi đang có chỗ đứng tốt hơn để đối phó với Omicron so với khi Delta mới xuất hiện".

Giới chức cho biết tình hình Covid-19 vẫn được kiểm soát và sẽ duy trì các quy định phòng chống dịch như hạn chế tụ tập với nhóm 5 người trong làn sóng Omicron và dịp Tết Nguyên đán.

Tổng thống Pháp không ngại gây tranh cãi để kêu gọi tiêm ngừa Covid-19

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông muốn “tạo phiền phức" cho những người không tiêm vắc xin Covid-19.

Tổng thống Pháp Macron không ngại gây tranh cãi để kêu gọi tiêm ngừa Covid-19

Câu nói được đăng trên tờ báo Le Parisien gây tranh cãi, đặc biệt khiến những chính trị gia phe đối lập tức giận và yêu cầu giải thích. Họ đã khiến buổi tranh luận tại nghị viện về luật Covid-19 ngày 5.1 phải ngưng lại.

Cụ thể Tổng thống Macron nói: “Những người không tiêm vắc xin, tôi thực sự muốn gây phiền phức cho họ. Và như thế, chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy cho đến cùng. Đó là chiến lược.”

Ông Macron gọi những người không tiêm vắc xin Covid-19 là “thiếu trách nhiệm” và có ý định sẽ khiến họ gặp nhiều giới hạn trong cuộc sống để buộc họ tiêm vắc xin.

Tổng thống Macron dự kiến sẽ tái tranh cử vào tháng 4. Ông có thể đang kêu gọi sự ủng hộ từ phía những người đã tiêm vắc xin Covid-19 và đang khó chịu với những người không tiêm. Gần 90% người Pháp 12 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin Covid-19.

Ông Macron gọi những người không tiêm vắc xin Covid-19 là “thiếu trách nhiệm” và có ý định sẽ khiến họ gặp nhiều giới hạn trong cuộc sống để buộc họ tiêm vắc xin.

Dự luật đang được thảo luận sẽ bắt buộc mọi người phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng để vào nhà hàng, rạp chiếu phim hoặc đi tàu.

Người Pháp có thói quen hoài nghi về vắc xin nhiều hơn những nước láng giềng và tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, nước Pháp hiện đang là một trong những nước có tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất Liên minh châu Âu.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 6.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.