Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 7.9: Nhiều địa phương phía Nam nới giãn cách
07/09/2021 19:20 GMT+7
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 7.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Tự động phát
Cả nước ghi nhận 14.208 ca Covid-19 mới, 10.253 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 7.9 cho biết tính từ 17h ngày 6.9 đến 17h ngày 7.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.208 ca nhiễm mới; trong ngày có 10.253 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 7.9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 316 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca Covid-19 tử vong lên 13.701 ca.
Thông tin về 14.208 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 7.9 như sau:
- 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 14.193 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 8.161 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (7.310), Bình Dương (3.966), Đồng Nai (945), Long An (490), Kiên Giang (242), Tiền Giang (183), Quảng Bình (182), Tây Ninh (164), An Giang (87), Cần Thơ (74), Đồng Tháp (71), Khánh Hòa (61), Đắk Nông (51), Bình Phước (48), Bình Thuận (46), Quảng Ngãi (37), Hà Nội (36), Đà Nẵng (34), Bà Rịa - Vũng Tàu (31), Phú Yên (25), Nghệ An (18), Bình Định (11), Quảng Nam (10), Thừa Thiên - Huế (9), Trà Vinh (8 ), Quảng Trị (8 ), Vĩnh Long (7), Thanh Hóa (7), Cà Mau (7), Sơn La (7), Bắc Ninh (4), Lạng Sơn (3), Bến Tre (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Lâm Đồng (1), Kon Tum (1), Hưng Yên (1), Bắc Giang (1), Ninh Thuận (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.716 ca. Tại TP.HCM tăng 188 ca, Bình Dương tăng 1.772 ca, Đồng Nai tăng 74 ca, Long An giảm 367 ca, Kiên Giang tăng 41 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.601 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 546.683 ca, trong đó có 308.936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (265.846), Bình Dương (138.593), Đồng Nai (30.365), Long An (26.432).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 311.710
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.369 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.015
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.274
- Thở máy không xâm lấn: 119
- Thở máy xâm lấn: 926
- ECMO: 35
Trong ngày 7.9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 316 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (253), Bình Dương (40), Long An (7), Tiền Giang (7), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Đồng Tháp (1), Phú Yên (2).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.701 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 415.446 xét nghiệm cho 1.118.641 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 18.111.288 mẫu cho 41.278.424 lượt người.
- Trong ngày 6.9 có 534.937 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.
Nhiều địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội với những biến chuyển tích cực trong công tác phòng chống dịch thì kể từ hôm nay 7.9, các tỉnh An Giang, Cà Mau, Long An, Kiên Giang bắt đầu chuyển trạng thái phòng chống dịch từ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sang Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh hoặc các huyện, thị “vùng xanh”.
Cụ thể, tại An Giang, mặc dù còn phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nhưng tình hình dịch bệnh trong tỉnh cơ bản được kiểm soát. Vì vậy, từ 0 giờ ngày 7.9, tỉnh An Giang quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh đến khi có thông báo mới.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh triển khai các biện pháp áp dụng chung, như: Tiếp tục yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18h hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Cơ quan, đơn vị chỉ bố trí không quá 30% người làm việc ở cơ quan, đơn vị. Tiếp tục, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
|
Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành quyết định về việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống Covid-19 trên toàn địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ (có tăng cường một số quy định) bắt đầu từ 0 giờ ngày 7.9 cho đến khi có thông báo mới. Mọi người dân không được di chuyển ra khỏi tỉnh (trừ trường hợp được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép); tất cả người và các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa bàn tỉnh phải được kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Còn tại Long An, sau 50 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Vì vậy, chiều 6.9, UBND tỉnh Long An ban hành công văn về việc tiếp tục áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Theo đó, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Tân Trụ kể từ 0 giờ ngày 7.9 cho đến khi có thông báo mới. Với các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Thủ Thừa và thành phố Tân An tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến hết ngày 13.9.
Tại Kiên Giang, ngày 6.9, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành quyết định áp dụng Chỉ thị 15 với 8 huyện, thành phố: U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải và thành phố Phú Quốc từ 0 giờ ngày 7.9 đến khi có quyết định mới. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND 8 huyện, thành phố nói trên căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh tại địa phương để thống nhất với cấp ủy cùng cấp quyết định việc thực hiện các biện pháp bổ sung về phòng, chống dịch với yêu cầu cao hơn quy định tại Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Với 7 huyện, thành phố còn lại của tỉnh Kiên Giang, gồm: Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành, Châu Thành và Vĩnh Thuận tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 7.9 đến hết ngày 13.9.
TP.HCM ưu tiên đẩy nhanh tiêm vắc xin Covid-19 để dần nới lỏng giãn cách
Chiều 7.9, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp với Sở Y tế TP.HCM họp báo cung cấp thông tin về tiêm ngừa vắc xin trên địa bàn TP đến 15.9, nhằm hướng đến bao phủ 100% vắc xin cho người trên 18 tuổi.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết số người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM khoảng 7,2 triệu người. Và đến nay TP.HCM cơ bản hoàn thành tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên.
Ông Nam cho hay khi đi được một nửa chặng đường tiêm chủng theo kế hoạch, từ đợt 1 đến đợt 5 tiêm chủng, TP.HCM đã tiêm chủng cho hơn 6,7 triệu người. Trong đó, mũi 1 là hơn 6,1 triệu người, tương đương 82,25%; mũi 2 là hơn 592.000 người, chiếm 8,2%.
"Từ đây đến 15.9, Sở Y tế đẩy nhanh bao phủ hết mũi 1 cho người còn lại, sẽ tiêm mũi 2 cho người đến thời hạn", ông Nam khẳng định và cho biết nguồn vắc xin sẽ do Bộ Y tế cung ứng là rất quan trọng.
Theo ông Nam, Bộ Y tế đã cung cấp 1 triệu liều tiêm mũi 2 cho TP.HCM. Và TP đang tổ chức tiêm với tốc độ rất nhanh. TP sẽ chỉ đạo ngành y tế phối hợp ban ngành, tổ chức đợt cao điểm tiêm chủng cho những ngày sắp tới để tập trung công tác tiêm chủng.
Phó giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, trước đây, theo công tác phòng, chống dịch thì ưu tiên điều trị, truy vết F0 nhưng lần này sẽ là ưu tiên tiêm vắc xin, để người dân có đủ kháng thể chống lại dịch bệnh và dần từng bước mở cửa, hồi phục nền kinh tế. Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 5.9 là 6.553.548 (tăng 108.722 mũi vắc xin so với ngày 4.9), trong đó tổng số mũi 1 là 6.054.992, mũi 2 là 498.556; số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm là 700.519 người.
Hà Nội tăng tốc tiêm vắc xin Covid-19
Số liệu thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho thấy, tuần gần đây, Hà Nội có tên trong danh sách 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp nhất trong số được phân bổ.
Ngay khi nhận được vắc xin cấp bổ sung mới đây, Hà Nội đang tăng tốc bao phủ vắc xin với ưu tiên mới là người cao tuổi.
Theo Sở Y tế Hà Nội, các đợt tiêm chủng vừa qua, vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, tuy nhiên chưa triển khai tiêm cho người cao tuổi.
Lý giải về việc này, một chuyên gia cho hay, vừa qua, do lượng vắc xin hạn chế, Hà Nội tập trung tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, khu vực lao động, sản xuất. Hiện, lượng vắc xin tiếp cận nhiều hơn, nên ngành y tế đã mở rộng tiêm đến những người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Đây là những nhóm nguy cơ tăng mức độ nặng nếu mắc Covid-19.
Đáng lưu ý, cùng với việc chú trọng bảo vệ các đối tượng có nguy cơ tăng nếu không may nhiễm Covid-19, ngành y tế Hà Nội đang tăng tốc tiêm vắc xin, tăng độ bao phủ cho các nhóm đối tượng.
Số liệu về tiến độ tiêm chủng Covid-19 cập nhật liên tục trong 1 tuần đầu tiên của tháng 9 này cho thấy số liều vắc xin được tiêm hằng ngày đã tăng rõ rệt trong 2 ngày gần đây.
Ngày tiêm cao nhất, Hà Nội đạt hơn 103.000 mũi, cao gấp 25 lần so với ngày có số lượng tiêm thấp nhất (hơn 4.000 mũi).
Cụ thể, ngày 1.9, tiêm 10.632 mũi, ngày 2.9 đạt 4.040 mũi, ngày 3.9 đạt 11.273 mũi và ngày 4.9 tăng lên 14.218 mũi.
Riêng trong 2 ngày gần đây, số vắc xin Covid-19 được tiêm tăng mạnh. Trong đó, có 96.082 mũi vắc xin Covid-19 đã được tiêm trong ngày 5.9 và số lượng vắc xin được tiêm đã lên đến 103.198 mũi trong ngày 6.9.
Tại cuộc họp báo mới đây, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố có thể đạt công suất tiêm 200.000 mũi/ngày.
Đến chiều 6.9, Hà Nội, đã tiêm được tổng cộng hơn 2,4 triệu mũi (2,15 triệu người tiêm mũi 1 và 248.026 người tiêm mũi 2). Hiện, số người được tiêm là hơn 2,15 triệu người (26% dân số thủ đô) và đạt 35% người dân trong độ tuổi tiêm chủng (từ 18 tuổi) tại Hà Nội.
Về diễn biến dịch Covd-19 tại thủ đô, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định qua các ca nhiễm được phát hiện tại Hà Nội cho thấy, đã có các ổ dịch trong cộng đồng. Hiện, dịch trong cộng đồng, với hình thái dịch tễ “xôi đỗ” tản mát tại các quận, huyện.
"Khi dịch đã trong cộng đồng, âm thầm lây nhiễm, cần chú trọng xét nghiệm kháng thể (với người chưa tiêm vắc xin, kháng thể được sinh ra sau khi người đó đã mắc bệnh và đã khỏi bệnh). Kết quả của xét nghiệm kháng thể giúp chúng ta đánh giá mức độ lây nhiễm trong cộng đồng, từ đó có giải pháp chống dịch phù hợp, hiệu quả nguồn lực”, ông Nga đánh giá.
Ví dụ, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh sẽ trì hoãn tiêm vắc xin. Nguồn vắc xin hiện có sẽ được ưu tiên cho nhóm nguy cơ cao.
Trong khi đó, theo ông Nga, nếu xét nghiệm tìm ca bệnh, có thể một người hôm nay xét nghiệm có kết quả âm tính nhưng 2 - 3 ngày sau lại dương tính. Kết quả xét nghiệm tìm F0 chưa phản ánh đầy đủ diễn biến dịch.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng đặc biệt lưu ý, Hà Nội cần khẩn trương tiêm vắc xin cho người cao tuổi, người có bệnh nền. Vì những trường hợp này nếu mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng, như viêm phổi nặng, thở máy, ECMO... cần điều trị dài ngày, thậm chí tử vong.
Bảo vệ nhóm nguy cơ cao chính làm giảm quá tải cho hệ thống y tế, nguồn lực, nhân lực và thiết bị được tập trung cho các bệnh nhân nặng, nhờ đó giảm tử vong cho các ca mắc Covid-19.
Nhân viên y tế đang chịu một số điểm bất hợp lý ở Bệnh viện dã chiến TP.HCM
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM vừa có công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị tăng cường hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên.
Tại công văn này, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 4.9, Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM đã kiểm tra và làm việc với một số bệnh viện dã chiến. Bộ phận thường trực đánh giá cao tinh thần làm việc của các nhân viên y tế, đã khắc phục khó khăn trong hoàn cảnh thiếu thốn về mọi mặt. Các nhân viên y tế đã từng bước nắm bắt được chuyên môn, đảm bảo hướng dẫn điều trị và chăm sóc của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, cũng còn một số điểm bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế đang phục vụ tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Về phân công nhân sự, theo thứ trưởng Bộ Y tế, mỗi bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc và quản lý từ 140 - 150 người bệnh. Số lượng người bệnh quá lớn khiến chất lượng điều trị và chăm sóc bị giảm sút.
Mỗi tua làm việc của bác sĩ và điều dưỡng thường từ 8 - 10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải.
|
Bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày nếu được điều động tăng cường. Bệnh viện dã chiến không bố trí được thời gian nghỉ ra trực cho nhân viên y tế. Sau khi kết thúc công việc chuyên môn, nhân viên y tế tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính liên tục (có ngày lên đến 12 giờ).
Một số bệnh viện sau khi rút nhân lực không bù đủ nhân lực đã rút khiến tăng thêm áp lực cho các nhân viên còn lại. Áp lực công việc quá lớn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhân viên y tế.
Về chăm lo đời sống nhân viên y tế, hàng ngày nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn là 120.000 đồng/ngày. Khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với các nhân viên hỗ trợ đến từ khu vực miền bắc khiến nhân viên khó ăn, không đảm bảo sức khỏe chống dịch.
Những trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 trong quá trình công tác thì được điều chuyển lên khu người bệnh. Suất ăn của nhân viên y tế được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn của người bệnh là 80.000 đồng/ngày. Việc làm này khiến cho tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh càng thêm suy sụp.
|
Lực lượng an ninh, quân sự thường xuyên kiểm tra nghiêm khắc với lực lượng y tế mỗi khi ra ngoài mua thêm đồ ăn, thức uống bổ sung (yêu cầu nhân viên y tế mở túi đồ để kiểm tra). Điều này ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, tạo cảm giác không thoải mái, ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế.
Bên trong xe chụp X-quang, siêu âm di động điều trị Covid-19 hiện đại bậc nhất Việt Nam
Ngày 7.9.2021, TS.BS Võ Thành Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết hiện nay bệnh viện vẫn đang thực hiện vừa điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM vừa thăm khám điều trị bệnh nhân thông thường.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào bệnh viện, cần có một vùng đệm để khám, điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 trước khi nhập viện.
Do đó, Ban lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất đã có ý tưởng nghiên cứu, phối hợp cùng các đơn vị khác để chế tạo chiếc xe lưu động chụp X-Quang, siêu âm hiện đại có thể kết nối trực tuyến từ xa để các bác sĩ có thể xem kết quả, đưa ra chẩn đoán kịp thời.
Sau hơn 2 tuần nghiên cứu, chế tạo, chiếc xe siêu âm, chụp X-Quang lưu động với những trang thiết bị hiện đại bậc nhất Việt Nam đã được chế tạo thành công và đưa về phục vụ công tác khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện dã chiến đa tầng điều trị Covid-19 ở quận Tân Bình.
Theo bác sĩ Võ Thành Toàn, chiếc xe được trang bị máy phát điện có thể hoạt động độc lập ở mọi nơi, kể cả những khu vực vùng sâu vùng xa, không có điện. Bên cạnh đó, xe cũng được trang bị hệ thống đường truyền dữ liệu, wifi mạnh kết nối không dây với các chuyên gia, phòng chẩn đoán nội viện để truyền hình ảnh nhằm đưa ra các chẩn đoán kịp thời nhất cho bệnh nhân.
Hiện nay, chiếc xe đang được sử dụng để khám chữa bệnh tại vùng đệm của Bệnh viện Thống Nhất, hỗ trợ chụp X-Quang, siêu âm cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến đa tầng quy mô 1.000 giường thuộc quận Tân Bình và sẵn sàng hỗ trợ các Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Xe buýt và xe khách dỡ ghế, chở hàng trăm tấn nông sản từ Đà Lạt tiếp tế TP.HCM
Chiều 6.9.2021, tại Trung tâm thể dục thể thao quận 10 (TP.HCM), 4 chiếc xe buýt và xe khách của công ty Phương Trang được dỡ ghế, chở theo 21,5 tấn nông sản, rau củ quả Đà Lạt đến TP.HCM.
4 chiếc xe này cùng với 26 chiếc xe khác của công ty Phương Trang đã xuất phát tại Bến xe Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vào sáng cùng ngày, chở tổng cộng hơn 200 tấn nông sản về tiếp tế cho bà con đang chống dịch tại TP.HCM.
200 tấn nông sản đầu tiên đã được trao trong ngày 6.9 đến Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.5, Q.10, Q.7, Q.12, Q.Bình Tân; Bộ Tư lệnh TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM… để có thể tiếp ứng kịp thời, trao nông sản tươi đến tay người dân khó khăn.
Ngay sau khi dỡ toàn số nông sản xuống điểm tập kết, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Q.10 đã tiếp nhận và phân bố đều cho các phường. Lực lượng quân đội cũng có mặt để hỗ trợ việc vận chuyển và phân phát đến tận tay cho người dân.
Mang cần cẩu 20 mét phát quà cho chung cư cũ Sài Gòn
2 chiếc xe cẩu có sải cánh dài gần 20 mét, vươn tới 5 tầng chung cư đã được hội thiện nguyện BDS của ông Trần Huy Đăng, người thường được biết đến với tên Tám Sang, đã mang gần 1.000 phần quà là nhu yếu phẩm phát cho khoảng 900 hộ dân tại chung cư Ấn Quang (P.9, Q.10) trong sáng 6.9.2021.
Cầu cẩu được bố trí đứng giữa các dãy nhà chung cư, mỗi lần cẩu nhiều gói quà nặng hàng chục kg lên các lầu khác nhau của tòa nhà.
Hàng chục chiến sĩ bộ đội và tình nguyện viên của P.9 đã đứng sẵn tại các lầu để đón nhận phần quà, sau đó mang tận cửa từng hộ dân, hạn chế tuyệt đối việc người dân xếp hàng, tụ tập đông người trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.
|
Chung cư Ấn Quang và nhiều chung cư cũ khác tại Q.10, TP.HCM trong thời gian qua ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Mặt trận tổ quốc phường 9 cùng nhiều hội thiện nguyện, mạnh thường quân đã liên tục có những túi quà an sinh, phát thuốc điều trị F0 miễn phí tại nhà để giúp cuộc sống người dân ổn định.
Chiều cùng ngày, hội thiện nguyện BDS cùng lực lượng bộ đội và cán bộ phường tiếp tục trao hàng trăm phần quà cho các hộ dân gặp khó khăn tại phường 3, quận 10 cũng bằng hình thức tương tự.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 7.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
vắc xin Covid-19
bản tin Covid-19
Covid-19 ngày 7/9
Covid-19 TP.HCM
tin tức Covid-19 hôm nay
tình hình covid-19 hôm nay
mở cửa kinh tế TP.HCM
Bình luận (0)