Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 24.2: Tín hiệu lạc quan từ lô hàng vắc xin đầu tiên

24/02/2021 19:30 GMT+7

Bản tin Covid-19 hôm nay 24.2 của Báo Thanh Niên tổng hợp lại các tin tức đáng chú ý về diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống dịch của các địa phương cùng nhiều thông tin liên quan khác.

Bản tin Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Chiều 24.2: Thêm 9 ca mắc Covid-19 mới ở Hải Dương

Chiều 24.2, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết có thêm 9 ca mắc Covid-19 tại Hải Dương, trong đó 6 ca ghi nhận tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, 2 ca tại huyện Cẩm Giàng và 1 ca tại huyện Thanh Hà.
Đến tối 24.2, Việt Nam có tổng cộng 1.513 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.1 đến nay là 820 ca.

Chiều 24.2: Thêm 9 ca mắc Covid-19 mới ở Hải Dương

Thông tin về 9 ca mắc mới chiều 24.2 như sau:
Các bệnh nhân từ 2404 đến 2412: Có 6 ca tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành là người trong vùng phong tỏa; 2 ca tại huyện Cẩm Giàng là F1 của ổ dịch cũ được cách ly tập trung trước đó và 1 ca tại huyện Thanh Hà được phát hiện thông qua sàng lọc, đã được cách ly.
Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 - Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Cận cảnh 117.600 liều vắc xin Covid-19 của Anh vừa hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất

Sau nhiều ngày trông đợi, đúng 10 giờ 54 phút ngày 24.2.2021, máy bay chở chở theo 117.600 liều vắc xin Covid-19 của Anh đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lô vắc xin Covid-19 sau khi thông quan sẽ được vận chuyển về Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) và bảo quản ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C.
Trước đó, ngày 1.2.2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký văn bản phê duyệt có điều kiện vắc xin do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vắc xin phòng Covid-19 được phê duyệt (Covid-19 vaccine AstraZeneca) do Công ty AstraZeneca sản xuất; do VNVC nhập khẩu.

Cận cảnh 117.600 liều vắc xin Covid-19 của Anh vừa hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất

Vắc xin được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 8 liều, mỗi liều 0,5 ml. Theo Bộ Y tế, trước mắt sẽ có 30 triệu liều vắc xin được cung cấp cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, thay vì kéo dài đến hết năm, như dự kiến ban đầu. Đây là số lượng lớn mà Việt Nam có thể mua, sau thời gian đàm phán, trong lúc nhu cầu vắc xin đang tăng rất cao tại các quốc gia.
Cục Khoa học Công nghệ (Bộ Y tế) sẽ là đầu mối triển khai đánh giá tính an toàn dịch đối với vắc xin Covid-19 AstraZeneca. Lãnh đạo Cục cho biết, giai đoạn này sẽ được triển khai rất khẩn trương, đáp ứng nhu cầu chống dịch khẩn cấp. Vắc xin đã được tiêm rộng rãi đáp ứng miễn dịch tốt, trước khi về Việt Nam.

117.600 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên về đến sân bay Tân Sơn Nhất

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, những lô vắc xin đầu tiên sẽ được ưu tiên tiêm cho nhân viên y tế, cán bộ tham gia phòng chống dịch, trong 11 nhóm ưu tiên được tiếp cận vắc xin Covid-19 trong năm nay.

Vắc xin Covid-19 được bảo quản thế nào trong kho lạnh ở Việt Nam?

Ngay sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất mang theo lô vắc xin Covid1-19 của AstraZeneca, lãnh đạo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ gồm Đội giám sát Hải quan, Đội thủ tục hàng hóa nhập bố trí lực lượng hoàn tất thủ tục thông quan một cách nhanh nhất sau khi lô hàng được phun khử trùng bao bì và đưa về kho lạnh của doanh nghiệp để bảo quản.
Theo VNVC, vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (từ 2 đến 8 độ C) trong ít nhất sáu tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.

Vắc xin Covid-19 được bảo quản thế nào trong kho lạnh ở Việt Nam?

VNVC là hệ thống trung tâm tiêm chủng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đầu tư Hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP với 51 kho lạnh từ 2 - 8 độ C, đặc biệt là 3 kho lạnh âm sâu đến -86 độ C.
Mỗi kho âm sâu được trang bị một kho rã đông riêng được kiểm soát nhiệt độ nghiêm ngặt dưới 8 độ C, đảm bảo chất lượng vắc xin khi đưa vào sử dụng.
Các kho lạnh, kho tiền lạnh, 3 kho lạnh bảo quản âm sâu của VNVC có tổng diện tích hơn 1.000 m2, dung tích hơn 4.000 m3, sức chứa lên tới 170 triệu liều vắc xin tại một thời điểm ở nhiệt độ từ 8 độ C đến âm sâu -86 độ C.

Hệ thống kho lạnh hiện đại của VNVC

VNVC

Với 117.600 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên nhập về Việt Nam, viêc khi nào tiêm và tiêm cho ai sẽ do Chính phủ, Bộ Y tế quyết định.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục xúc tiến việc nhập vắc xin phòng Covid-19 từ các nhà sản xuất khác theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng và đúng theo thứ tự ưu tiên.

Lô vắc xin Covid-19 vừa về Việt Nam trị giá bao nhiêu tiền?

Thủ tướng chỉ đạo: Không vì có vắc xin Covid-19 mà chủ quan

Sáng 24.2.2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19. Trong cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long đã trình bày những vấn đề liên quan tới vắc xin Covid-19.
Trong đó, Bộ trưởng đã thông tin về lô vắc xin hơn 117 ngàn liều vừa về tới Việt Nam vào sáng 24.2.2021. Đây là lô vắc xin của Anh do hãng dược AstraZeneca sản xuất. Lô hàng do Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam gọi tắt là VNVC nhập khẩu. Trước đó, VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vắc xin của AstraZeneca trong năm 2021. Số vắc xin này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều.

Thủ tướng chỉ đạo: Không vì có vắc xin Covid-19 mà chủ quan

Lô vắc xin này sẽ mất 2 ngày để kiểm định chất lượng, dự kiến đến đầu tháng 3 sẽ bắt đầu tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên.
Cụ thể, sẽ có 11 nhóm người được tiêm vắc xin đầu tiên theo mức độ ưu tiên, gồm: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch; Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Lực lượng quân đội; Lực lượng công an; Giáo viên; Người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu; Những người mắc các bệnh mạn tính; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ...
Sau khi nghe báo cáo từ Bộ Y tế, Thủ tướng đã chỉ đạo các phần việc liên quan đến vấn đề này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc không vì có vắc xin mà chủ quan trong phòng chống Covid-19.

Thủ tướng cho biết sẽ có nghị quyết về thứ tự người được ưu tiên tiêm sớm vắc xin Covid-19

Quang Hiếu

"Chiến lược của chúng ta là vắc xin cộng với 5K, trước hết là đeo khẩu trang vải, cũng như tránh tập trung đông người và những biện pháp khác như Bộ Y tế đã nêu, không vì có vắc xin mà chúng ta chủ quan. Các chuyên gia cũng đã khuyến cáo vấn đề này. Chiến lược của chúng ta là 100 triệu dân được tiêm vắc xin, nhưng không thể tiêm một lúc tất cả cho người dân, và cũng không đủ cái định mức để tiêm. Chúng ta có thứ tự ưu tiên" Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bệnh nhân người Nhật tử vong ở Hà Nội nhiễm biến chủng mới của virus gây Covid-19

Ngày 24.2, tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết kết quả giải trình tự gen của bệnh nhân người Nhật Bản (BN2229) tử vong tại Hà Nội (sau đó được xác định mắc Covid-19) nhiễm biến chủng 20C của virus SARS-CoV-2. Đây là biến thể thứ 5 của virus SARS-CoV-2 ghi nhận tại Việt Nam.
Theo đó, giải trình tự gen cho thấy virus của chùm ca bệnh liên quan đến bệnh nhân này thuộc nhóm lần đầu phát hiện tại Việt Nam và chủng này lưu hành chủ yếu ở Hàn Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Ấn Độ. Đáng chú ý, Nhật Bản (nơi xuất phát của bệnh nhân) cũng không có chủng virus này .
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết đây là biến chủng lần đầu xuất hiện tại nước ta nhưng tốc độ lây lan không nhanh.
Ngoài ra, ngành y tế đã xét nghiệm, phân lập virus 28 mẫu bệnh nhân Hải Dương, 8 mẫu tại Quảng Ninh đều là biến chủng Anh. Tuy nhiên có mẫu bệnh nhân ở thành phố Hải Dương ghi nhận nhiễm biến chủng Nam Phi. Ngành y tế đang tiến hành xét nghiệm gen diện rộng để xem tại sao có chủng này ở thành phố Hải Dương.

Bệnh nhân người Nhật tử vong ở Hà Nội nhiễm biến chủng mới của vi rút gây Covid-19

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, bệnh nhân người Nhật (BN2229) là nam, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, chuyên gia Công ty TNHH Mitsui Việt Nam. Người này nhập cảnh ngày 17.1 tại sân bay Tân Sơn Nhất và cách ly tập trung tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM đến ngày 31.1. Kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày 17.1 và ngày 31.1.
Ngày 1.2, bệnh nhân ra Hà Nội và trú tại một khách sạn ở quận Tây Hồ. Từ ngày 1.2 đến 13.2, bệnh nhân đi lại và làm việc giữa khách sạn và công ty. Khoảng 19h ngày 13.2, bệnh nhân được phát hiện tử vong trong phòng khách sạn, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngày 14.2 dương tính với SARS-CoV-2.

Xe từ Hải Dương muốn vào Hải Phòng thì phải có điều kiện gì?

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động đình trệ và nhiều hoạt động khác phải chậm lại. Từ nhiều ngày nay, nút giao giữa đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 10 qua huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, thường xuyên ùn tắc.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Quản lý và khai thác đường ô tô Hà Nội - Hải Phòng cho biết, từ ngày 19.2 đến nay, lượng xe trọng tải lớn như xe tải, xe đầu kéo, tăng đột biến. Bên cạnh đó, việc ùn tắc còn do Hải Phòng kiểm soát chặt chẽ người ra vào bằng cách khai báo y tế. Phương tiện xếp hàng đợi qua trạm thu phí kéo dài hơn 1 km.

Cửa ngõ Hải Phòng ùn ứ vì dòng xe dừng lại khai báo y tế ngừa Covid-19

Chiều 22.2.2021, chỉ có xe đầu kéo khi vào Hải Phòng không phải khai báo y tế vì chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý lái xe. Xe ô tô con, xe tải, xe khách đều phải dừng lại khai báo y tế. Đặc biệt, xe từ tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng sẽ chịu sự kiểm soát gắt gao hơn.
Đại diện chốt kiểm soát dịch bệnh của Hải Phòng tại chốt nút giao Quốc lộ 10 cho biết, trong ngày 23.2 có hơn 80 phương tiện từ vùng có dịch đến nhưng không đủ giấy tờ phải quay đầu.
Trong văn bản trả lời UBND tỉnh Hải Dương về việc tạo điều kiện cho việc thông thương hàng hóa, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định, phương tiện vận tải hàng hóa của Hải Dương vẫn được vào Hải Phòng với điều kiện lái xe và phụ xe có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong 3 ngày gần nhất, có hợp đồng - đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất - nơi nhận). Các doanh nghiệp, lái xe, phụ xe chịu trách nhiệm về tính chính xác của những giấy tờ này. Chính vì vậy Hải Phòng cho rằng không nhất thiết phải có phương án đổi lái xe ở các chốt kiểm soát như Hải Dương đề nghị.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị này đã phố hợp với Sở Y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 1.000 tài xế.

Covid-19 dần ổn, học sinh TP.HCM đi học trở lại vào ngày 1.3

Sau thời gian học sinh ngừng đến trường để phòng dịch Covid-19, trưa 24.2.2021, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về thời gian học sinh đi học trở lại. Theo đó học sinh TP.HCM sẽ đi học trở lại vào ngày 1.3
Theo văn bản của UBND TP.HCM chỉ đạo: Cho phép học sinh, sinh viên và học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp đi học lại từ ngày 1.3.
UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB-XH chủ động phối hợp với Sở Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc và đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để sẵn sàng đón học sinh quay lại trường.

Covid-19 dần ổn, học sinh TP.HCM đi học trở lại vào ngày 1.3

UBND TP.HCM giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện hỗ trợ ngành giáo dục đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức rà soát, kiểm tra tình hình chuẩn bị của các cơ sở giáo dục cũng như tình hình học sinh quay lại trường.
UBND TP.HCM đề nghị các cơ sở giáo dục có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho tất cả học sinh, sinh viên, học viên trở về từ vùng dịch hoặc từng di chuyển đến vùng có dịch phải thực hiện khai báo y tế để được theo dõi.
Trước đó, ngày 14.2, UBND TP.HCM có công văn cho phép kéo dài thời học sinh thành phố ngừng đến trường, tiếp tục học trực tuyến đến hết ngày 28.2 nhằm đảm bảo công tác chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, còn nhiều thông tin đáng chú ý khác, mời quý vị theo dõi trong video Bản tin Covid-19 hôm nay 24.2 để cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.