Bản tin Covid-19 ngày 7.8: Nỗ lực “hạ nhiệt” các điểm nóng dịch bệnh

07/08/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 7.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 ngày 7.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:
Ngày 7.8: Cả nước ghi nhận 7.334 ca mắc Covid-19 mới
Bản tin của Bộ Y tế tối 7.8 cho biết tính từ 6h đến 18 giờ 30 ngày 7.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.540 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trong ngày lên 7.334 ca. Việt Nam cũng đã ghi nhận tổng cộng hơn 200.000 ca Covid-19 mới kể từ đầu dịch.
Có 4.305 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 7.8.

Ngày 7.8: Cả nước 7.334 ca Covid-19, tổng cộng đã hơn 200.000 bệnh nhân

Thông tin 7.334 ca Covid-19 mới được công bố trong ngày 7.8 như sau:
- 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 7.333 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.281 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (3.930), Bình Dương (882), Đồng Nai (709), Long An (367), Bà Rịa - Vũng Tàu (288), Khánh Hòa (167), Tiền Giang (165), Cần Thơ (141), Tây Ninh (134), Phú Yên (78), Vĩnh Long (62), Bình Thuận (61), Đồng Tháp (60), Bến Tre (49), An Giang (31), Ninh Thuận (22), Sơn La (20), Kiên Giang (17), Bình Định (17), Gia Lai (17), Quảng Bình (15), Lâm Đồng (12), Hải Dương (11), Hà Nội (10), Quảng Nam (10), Hậu Giang (9), Đắk Nông (7), Quảng Ngãi (7), Bạc Liêu (6), Hà Tĩnh (6), Cà Mau (5), Thanh Hóa (4), Thái Bình (4), Lào Cai (4), Bình Phước (2), Ninh Bình (2), Hà Giang (1), Hưng Yên (1).
- Tính đến chiều 7.8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 200.715 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 2.339 ca nhập cảnh và 198.376 ca mắc trong nước.
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 196.806 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 66.637 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 512 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 19 ca.
- Số ca tử vong sẽ được công bố vào bản tin sáng 8.8
Tín hiệu vui từ vắc xin NanoCovax của Việt Nam
Sáng nay, 7.8, Hội đồng Đạo đức quốc gia (HĐĐĐQG) đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 1, đánh giá kết quả giữa kỳ TNLS giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại và ghi nhận tiến độ triển khai TNLS giai đoạn 3 (hiện chưa có báo cáo kết quả chính thức của giai đoạn 3).
Trước đó, Bộ Y tế đã nhận được các báo cáo từ các tổ chức nhận thử (Học viện Quân Y và Viện Pasteur TP.HCM), Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen gửi HĐĐĐQG ngày 3.8.
Theo Bộ Y tế, TNLS giai đoạn 1, 2 vắc xin Nanocovax đánh giá bước đầu tính an toàn, khả năng dung nạp và thăm dò đáp ứng sinh miễn dịch của vắc xin nghiên cứu, chưa đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin.
Đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 2 là đánh giá trong ngắn hạn tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin nghiên cứu để xác định liều dùng tối ưu của vắc xin trong TNLS giai đoạn 3.
Theo đề cương nghiên cứu TNLS giai đoạn 2 kéo dài đến tháng 2.2022. Tuy nhiên, nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển vắc xin, HĐĐĐQG đã họp khẩn cấp để đánh giá kết quả giữa kỳ TNLS giai đoạn 2 và cho phép thực hiện TNLS giai đoạn 3 trong khi vẫn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2 theo đề cương được duyệt.

Họp khẩn cấp xem xét dữ liệu lâm sàng của vắc xin NanoCovax ngừa Covid-19

Đối với TNLS giai đoạn 3, để sớm có kết quả về tính sinh miễn dịch HĐĐĐQG cho phép chỉ thực hiện các xét nghiệm về tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 3a trên 1.000 người tình nguyện. Cho đến ngày 6.8, HĐĐĐQG chưa nhận được hồ sơ, báo cáo chính thức nào từ các nghiên cứu viên chính và Tổ chức nhận thử về hiệu lực bảo vệ của vắc xin NanoCovax.
Kết quả cuộc họp sáng 7.8, HĐĐĐQG đã thống nhất nghiệm thu kết quả TNLS giai đoạn 1 vắc xin Nanocovax với dữ liệu theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên của giai đoạn 1 trên 60 người tình nguyện với 3 mức liều 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg.
Trên cơ sở cập nhật kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, HĐĐĐQG quyết định tiếp tục cho phép triển khai TNLS giai đoạn 3 với mức liều 25 mcg theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
Theo lãnh đạo của Cục Khoa học và công nghệ (Bộ Y tế), với giữ liệu nghiên cứu hiện có, vắc xin NanoCovax sẽ đánh giá thêm các kết quả giai đoạn nghiên cứu 3a và 3b.
Trước đó, Nanogen đã có báo cáo lên Bộ Y tế, đánh giá trong TNLS giai đoạn và 2, vắc xin Nanocovax đã được đánh giá an toàn và 100% tình nguyện viên tiêm vắc xin NanoCovax đều sinh kháng thể trong máu. Sau tiêm vắc xin, lượng kháng thể với SARS-CoV-2 của tất cả các tình nguyện viên đều tăng, sức khỏe an toàn, không có trường hợp phải xử lý thuốc, cấp cứu...
Đánh giá ban đầu cho thấy, hiệu quả bảo vệ đạt khoảng 90%.

Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Nghị quyết được ban hành trong tối qua, 6.8, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Bốn nội dung được nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý là những nội dung khác với quy định của luật hiện hành.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép coi quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 (các bệnh viện dã chiến) đồng thời là giấy phép hoạt động.

Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19

Điều này khác với quy định của luật Khám chữa bệnh hiện hành, theo đó, yêu cầu cơ sở hoạt động khám chữa bệnh phải đồng thời có cả quyết định thành lập và giấy phép hoạt động của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bôh Quốc phòng, hoặc Giám đốc Sở Y tế.
Thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý Chính phủ giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch.
Nội dung thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý cho Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Điều này khác với quy định tại luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nội dung thứ 4, về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19; đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo luật hiện hành.
Nội dung này đồng ý một phần với đề nghị của Chính phủ. Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ, Chính phủ đề nghị việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 6.8, là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 sắp tới.

TP.HCM hỗ trợ 17 triệu đồng chi phí mai táng ca tử vong do Covid-19

Trong sáng 7.8, một số thông tin lan truyền trên mạng nêu ý kiến của lãnh đạo TP.HCM về việc lưu giữ tro cốt, thờ cúng, bàn giao cho gia đình người mất vì Covid-19, tổ chức quốc tang…
Trao đổi với PV Thanh Niên về các thông tin này, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chia sẻ một thành viên qua đời là chuyện đau buồn đối với mọi gia đình; trong điều kiện bình thường, chuyện mất mát đã buồn thì trong mùa dịch càng đau buồn hơn nữa.
Trên tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”, TP.HCM cố gắng lo chuyện hậu sự đối với người qua đời vì mắc Covid-19 chu đáo nhất, từ chuyện khâm liệm, hỏa táng và các nghi thức tâm linh theo tôn giáo mà người mất theo trước khi chết.

TP.HCM hỗ trợ 17 triệu đồng chi phí mai táng ca tử vong do Covid-19

TP.HCM cũng thống nhất chủ trương giao Bộ Tư lệnh TP.HCM và Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, TP.Thủ Đức phối hợp bàn giao tro cốt đến tận gia đình, đảm bảo trang trọng, ấm cúng.
Những gia đình có điều kiện thì các đơn vị bàn giao luôn, còn gia đình chưa có điều kiện thì tổ chức một nơi lưu giữ tro cốt, thắp hương và trao lại vào thời điểm thích hợp.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định các trường hợp qua đời do Covid-19 đều thực hiện theo đúng quy định. Đối với các trường hợp qua đời khác mà gia đình khó khăn thì thành phố vận động từ nhiều nguồn khác nhau, không để gia đình nào vì khó khăn mà không lo được chuyện hậu sự cho người thân. 

Hơn 200 bệnh nhân nguy kịch đã chiến thắng tử thần

Ngày 7.8.2021, thông tin từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM, từ khi chính thức đi vào hoạt động từ 15.7 đến nay, cơ sở này đã điều trị thành công cho hơn 200 trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Những bệnh nhân này đã được chuyển xuống điều trị ở tuyến dưới để giải phóng giường bệnh, tiếp tục nhận các bệnh nhân nặng khác để điều trị.
Mới đây nhất, ngày 5.8, bệnh viện đã cho xuất viện 6 trường hợp được điều trị khỏi hoàn toàn, có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, 11 trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng đã được chuyển độ, từ nặng và nguy kịch sang biểu hiện bệnh nhẹ và vừa.
Hiện nay, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đang điều trị 522 bệnh nhân, trong đó có 149 trường hợp bệnh nhân nguy kịch, 157 trường hợp bệnh nhân nặng, 226 trường hợp bệnh nhân nhẹ và vừa.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy - kiêm nhiệm công tác quản lý tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, gần 60% các bệnh nhân tại đây là các trường hợp nặng, nguy kịch, các trường hợp chuyển độ nhẹ thành công sẽ được chuyển về các bệnh viện thuộc các tầng điều trị thấp hơn.

Hơn 200 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch đã chiến thắng tử thần, hồi phục kỳ diệu

Bệnh viện được giao nhiệm vụ tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch từ bệnh viện ở tầng dưới trong mô hình tháp điều trị, với phần lớn là các trường hợp thở máy, thở ô xy qua mặt nạ không hiệu quả, vượt quá khả năng điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, tiến độ của giai đoạn 2 của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 sẽ có thêm 460 giường. Hiện tại, số bệnh nhân đã vượt 62 giường so với kế hoạch dù nhân sự hiện vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng đủ theo đề xuất.
Trước tình trạng số lượng bệnh nhân nặng tăng cao, trong khi chờ đợi nguồn nhân lực bổ sung từ Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM, đội ngũ nhân sự hiện có tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đang nỗ lực hết sức để có thể tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân và sẽ tiếp tục tăng thêm số lượng giường để tiếp nhận bệnh nhân trong những ngày sắp tới.
Bệnh viện Hồi sức 1.000 giường tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu được thiết lập và hoạt động từ ngày 15.7.2021. Tuy còn nhiều khó khăn và nguồn nhân lực, hạ tầng hiện còn nhiều bất cập nhưng bệnh viện đã nhận nhiều bệnh nhân để điều trị với phần lớn các trường hợp là bệnh nặng, nguy kịch. Trong số đó, hàng chục bệnh nhân đã khỏi bệnh được xuất viện và hơn 200 bệnh nhân chuyển độ nhẹ.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Hồi sức Covid-19, đây là nỗ lực, cố gắng và quyết tâm rất lớn của đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện. 

Người Mỹ “cảm thấy may mắn” vì được tiêm vắc xin ở Việt Nam

Bắt đầu từ ngày 5.8.2021, tỉnh Bình Dương đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên diện rộng cho công nhân, người lao động, giáo viên… với trên 325.000 liều vắc xin AstraZeneca, Moderna và Sinopharm.
Chị Savannah, một người Mỹ đang sống và làm việc tại Bình Dương, cũng được mời tiêm vắc xin Covid-19 lần này cảm thấy may mắn và an tâm khi được tiêm vắc xin Covid-19 trong thời điểm dịch bệnh phức tạp này.
Theo Sở Y tế Bình Dương, các loại vắc xin được phân bổ gồm: 80.000 liều vắc xin AstraZeneca tiêm cho đối tượng ưu tiên phòng chống dịch và 73.000 liều tiêm cho công nhân, lao động trong các doanh nghiệp.

Người Mỹ “cảm thấy may mắn” vì được tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam

149.520 liều vắc xin Moderna tiêm cho lực lượng ưu tiên phòng chống dịch và 23.000 liều vắc xin Sinopharm tiêm cho công nhân Trung Quốcdu học sinh chuẩn bị đi du học Trung Quốc.
Đối tượng tiêm vắc xin các đợt được chia làm 13 nhóm trong đó có công nhân, người lao động, người nghèo, tài xế, bưu chính, lao động tự do, giáo viên…
Chiều 6.8.2021, HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã ra nghị quyết về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với công nhân, người lao động ở trọ tại Bình Dương trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19.
Theo nghị quyết này, Bình Dương hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân, người lao động một lần, trong tháng 8 là 300.000 đồng. Ngoài ra, các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng cũng được hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/người nhưng không quá 800.000 đồng/tháng.
Trước đó, Bình Dương đã triển khai gói 260 tỉ đồng để hỗ trợ cho khoảng 500.000 công nhân, người lao động ở lại tỉnh này trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Dương, chính quyền địa phương ở cấp xã, phường, thị trấn phải phối hợp với các khu phố ấp và chủ nhà trọ để lập danh sách những công nhân bị mất việc, ngừng việc không về quê mà ở lại Bình Dương trong các khu nhà trọ để nhận hỗ trợ tiền, quà.
Đối với những công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp “3 tại chỗ” được hưởng các chính sách của doanh nghiệp và lao động tự do được hưởng các chế độ hỗ trợ do Sở LĐ-TBXH Bình Dương chi trả, nên không thuộc diện được hưởng chế độ do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương chi trả.

Thần tốc triển khai trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch ở miền Tây

Ngay sau khi có chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những ngày qua, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang gấp rút thi công Trung tâm Hồi sức kỹ thuật cao chuyên điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng, nguy kịch cho cả khu vực ĐBSCL.
Trung tâm có quy mô 200 giường với đầy đủ trang thiết bị cần thiết để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Đây là một trong 12 Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia được Bộ Y tế thành lập trên cả nước.
Hiện tại, ở Cần Thơ, ngành y tế đã triển khai hoạt động Bệnh viện dã chiến số 1 và số 2, nâng tổng số cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn Cần Thơ lên 12 bệnh viện.
Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nơi tiếp nhận các ca nhiễm Covid-19 diễn tiến nặng từ các tỉnh ĐBSCL hiện có 14 bệnh nhân Covid-19 nặng; trong đó, có 9 bệnh nhân đang thở máy, 3 trường hợp lọc máu liên tục, 1 bệnh nhân áp dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO).

Thần tốc triển khai trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch ở miền Tây

Trung tâm hồi sức kỹ thuật cao, đang được gấp rút thi công trên cơ sở chuyển đổi công năng từ khối nhà của Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến. Hệ thống ôxy được xem là tối quan trọng đang được lắp đặt hoàn thiện đến từng phòng bệnh.
Ngoài ra, một bồn ôxy 18 khối cũng sẽ được lắp đặt thêm để cung cấp ô xy cho trung tâm. Đặc biệt với nguồn tài trợ hơn 50 tỉ đồng từ ngân hàng Techcombank trung tâm đã có gần như đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để đi vào vận hành như máy thở chức năng cao, máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, máy phá rung tim tạo nhịp, máy đo khí máu, máy siêu âm màu, máy X-Quang di động, máy thở lưu lượng cao qua đường mũi, cùng hàng máy truyền dịch…
Trước đó, trong buổi làm việc tại Cần Thơ, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã nhận định, tình hình dịch Covid-19 tại Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang diễn biến rất phức tạp. Do đó, Cần Thơ cần phải chuẩn bị cho tình huống dịch diễn biến xấu hơn. Chính vì vậy, việc thành lập một Trung tâm hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng là yêu cầu cấp bách không chỉ với Cần Thơ mà cho cả miền Tây.

Thử nghiệm robot vận chuyển hàng hóa vào khu phong tỏa

Ngày 6.8.2021, Tỉnh đoàn Đồng Nai phối hợp với trường Đại học Lạc Hồng và Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã thử nghiệm việc sử dụng robot vận chuyển hàng hóa vào khu phong tỏa.
Robot này do trường Đại học Lạc Hồng cùng Công ty TNHH viễn thông Chí Thanh chế tạo. Toàn bộ hệ thống có khối lượng 48 kg; dài 1,3 mét, rộng 0,9 mét và cao 0,8 mét. Robot có khả năng vận chuyển 100 kg hàng; tốc độ di chuyển 30 mét/phút, thời gian hoạt động 4 giờ, phạm vi di chuyển 200 mét.
Ngoài thùng chứa hàng robot còn được trang bị camera và bình chứa dung dịch khử khuẩn dung tích 20 lít. Tổng chi phí chế tạo là 60 triệu đồng.

Thử nghiệm robot vận chuyển hàng hóa vào khu phong tỏa chống Covid-19

Chị Hồ Hồng Nguyên, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai, cho biết tần suất tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm của các tình nguyện viên của Tỉnh đoàn trên tuyến đầu chống dịch trong hoạt động hỗ trợ phát nhu yêu phẩm là rất cao, mục đích việc sử dụng robot vận chuyển hàng hóa là để hạn chế rủi ro này.
Nhằm giảm thiểu mức độ tiếp xúc với người dân trong khu phong tỏa khi đi trao hàng hóa, thực phẩm, Tỉnh đoàn Đồng Nai đã đưa vào thử nghiệm robot giao hàng.

Bản đồ SOSmap kết nối giúp đỡ người khó khăn vì dịch bệnh tại TP.HCM

Suốt gần 2 tuần qua, khi nhiều nơi bước vào giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhiều người dân gặp khó khăn thông qua bản đồ cứu trợ SOSmap của một nhóm kỹ sư công nghệ lập trình, phát triển tại TP.HCM đã tự đánh dấu trên bản đồ để được trợ giúp.
Ứng dụng sẽ kết nối những tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ thông qua tao tác cơ bản, dễ dàng và trực quan. 

Bản đồ SOSmap kết nối giúp đỡ người khó khăn vì dịch bệnh tại TP.HCM

Là founder của SOSmap.net, anh Phạm Thanh Vi cũng là CEO của một công ty chuyên về giải pháp phần mềm, công nghệ. Vừa vận hành ứng dụng mới, vừa điều hành các công việc của công ty, những ngày qua, anh Vi chỉ kịp ngủ vài tiếng mỗi ngày.
Xây dựng SOSmap - tạm gọi là "bản đồ cứu trợ", anh Vi muốn tạo ra một nền tảng mà người cần và người nhận có thể dễ dàng kết nối với nhau. 

Tình nguyện viên SOSmap đang làm nhiệm vụ

NVCC

Trên Zalo, cộng đồng tình nguyện viên Zalo cũng hoạt động sôi nổi. Những bức ảnh, clip được gửi về cho thấy sự xúc động của bà con, người dân được các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ kịp thời trong những ngày dịch bệnh khốn khó.

Một gia đình nhận được đồ trợ giúp sau khi đăng tải thông tin trên bản đồ SOSmap

NVCC

SOSmap là ứng dụng hỗ trợ nằm trong khuôn khổ chương trình "Yêu thương mùa COVID" do team công nghệ XTEK đồng hành cùng với Viện Khoa học phát triển nông nghiệp nông thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ cục ngoại tuyến - Bộ Công an nhằm mục đích kết nối và san sẻ khó khăn mùa dịch.
Người sáng lập SOSmap cho biết hiện nay đơn vị vận tải Moving Vietnam và nhiều nhà hảo tâm đang đồng hành hỗ trợ chương trình "Yêu thương mùa COVID" của SOSmap.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 7.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.