Bản tin Covid-19 ngày 25.1: Cả nước 15.743 ca | Toàn bộ học sinh TP.HCM được đi học lại ngay sau tết

25/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 25.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 25.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 15.743 ca Covid-19, 62.889 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 25.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 24.1 đến 16h ngày 25.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.743 ca nhiễm mới, 62.889 ca khỏi bệnh. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 163 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 126 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 37.010 ca.

Ngày 25.1: Cả nước 15.743 ca Covid-19, 62.889 ca khỏi | Hà Nội 2.956 ca | TP.HCM 99 ca

Thông tin về 15.743 ca nhiễm mới như sau:

  • 44 ca nhập cảnh.
  • 15.699 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.392 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.733 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.956), Đà Nẵng (989), Hải Phòng (704), Thanh Hóa (685), Hưng Yên (623), Bắc Ninh (560), Bắc Giang (445), Quảng Ngãi (400), Hải Dương (397), Hòa Bình (386), Vĩnh Phúc (385), Bình Định (374), Phú Thọ (370), Bến Tre (352), Nam Định (337), Bình Phước (335), Quảng Ninh (322), Thừa Thiên-Huế (305), Đắk Lắk (303), Quảng Nam (301), Thái Nguyên (271), Thái Bình (267), Nghệ An (263), Lâm Đồng (225), Lào Cai (202), Khánh Hòa (200), Cà Mau (200), Quảng Bình (186), Kon Tum (178), Sơn La (152), Vĩnh Long (151), Tây Ninh (146), Bạc Liêu (146), Hà Nam (138), Trà Vinh (123), Yên Bái (114), Hà Giang (104), TP.HCM (99), Điện Biên (80), Bình Thuận (77), Tuyên Quang (70), Hậu Giang (69), Bà Rịa - Vũng Tàu (68), Bình Dương (61), Quảng Trị (59), Đồng Tháp (52), Phú Yên (50), Đắk Nông (48), Cần Thơ (42), Long An (38), Lai Châu (37), An Giang (35), Bắc Kạn (34), Ninh Bình (34), Cao Bằng (34), Ninh Thuận (34), Đồng Nai (31), Kiên Giang (26), Sóc Trăng (12), Tiền Giang (11), Gia Lai (3).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-83), Quảng Ninh (-82), Ninh Bình (-73).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+225), Bến Tre (+218), Hà Nội (+155).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.582 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.171.527 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.000 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.164.794 ca, trong đó có 1.901.252 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (512.970), Bình Dương (292.584), Hà Nội (114.384), Đồng Nai (99.717), Tây Ninh (87.435).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 62.889 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.904.069 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.602 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.192 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 637 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 120 ca
  • Thở máy xâm lấn: 634 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 24.1 đến 17h30 ngày 25.1 ghi nhận 126 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (5) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (1), Đồng Nai (1), Ninh Thuận (1), Hậu Giang (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (9), Tiền Giang (9), Vĩnh Long (9), Cần Thơ (8), Hải Phòng (7 ca trong 02 ngày), Đồng Tháp (6), Thừa Thiên-Huế (6 ca trong 2 ngày), Đà Nẵng (4), Bình Dương (4), Bình Thuận (4), An Giang (4), Kiên Giang (4), Ninh Bình (3), Trà Vinh (3), Hòa Bình (3), Bình Phước (3), Hậu Giang (3), Cà Mau (3), Đắk Lắk (2), Bắc Ninh (2), Tây Ninh (2), Lào Cai (1), Bắc Kạn (1), Hà Nam (1), Nam Định (1), Bến Tre (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 148 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.010 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 31.933.973 mẫu tương đương 76.827.471 lượt người, tăng 30.468 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 24.1 có 943.564 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 177.388.045 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.919.564 liều, tiêm mũi 2 là 73.862.769 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 24.605.712 liều.

Những lưu ý khi đi máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp Tết

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa đưa ra một số lưu ý dành cho hành khách đi máy bay trong dịp Tết Nguyên Đán và Lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022.

Đông nghẹt người về quê ăn Tết, sân bay Tân Sơn Nhất ra khuyến cáo “nóng”

Để thuận lợi cho hành khách đi lại bằng đường hàng không qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022, Cảng phân luồng hành khách của Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco đi vào cửa D2 (Vietnam Airlines làm thủ tục tại đảo A/B/C/D; Pacific Airlines tại đảo E; Vasco tại đảo F)

Hành khách của Vietravel Airlines, Bamboo Airways đi vào cửa D3 (Vietravel Airlines làm thủ tục tại đảo G; Bamboo Airways tại đảo F, H); Hành khách của Vietjet Air đi vào cửa D6 - D8, làm thủ tục tại đảo I/J/K.

Để giảm thời gian xếp hàng, ngoài việc làm thủ tục hàng không tại quầy, hành khách có thể tự làm thủ tục trực tuyến trên trang web/mobile check-in của hãng hàng không hoặc qua hệ thống kiosk check-in tự động tại sân bay. Trường hợp không có hành lý ký gửi, hành khách đi đến khu vực kiểm tra an ninh sau khi đã tự làm check-in.

Sau khi làm xong thủ tục, phía Cảng đề nghị hành khách nhanh chóng hoàn tất kiểm tra an ninh và vào khu vực phòng chờ trước cửa khởi hành, không đi ra ngoài sảnh để tránh bị trễ chuyến bay. Trong quá trình xếp hàng kiểm tra an ninh, nếu hành khách nhận thấy có thể chậm giờ chuyến bay, có thể liên hệ với nhân viên phục vụ hành khách/nhân viên đại diện Hãng hàng không để yêu cầu được hỗ trợ.

Hành khách đi máy bay được khuyến cáo chuẩn bị các giấy tờ liên quan để kiểm tra an ninh gồm: Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu đối với người lớn; giấy khai sinh, giấy chứng sinh đối với trẻ em, trẻ sơ sinh…

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lưu ý trong dịp cao điểm Tết số lượng hành khách đi tàu bay rất đông, đề nghị hành khách chủ động sắp xếp thời gian làm thủ tục trước thời điểm khởi hành 120 phút đối với chuyến bay quốc nội. Để tránh quá tải, ùn tắc tại khu vực sảnh công cộng, hành khách vui lòng hạn chế người nhà đưa đón và không đến quá sớm so với giờ khởi hành. Hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, sử dụng ứng dụng PC-Covid.

8.500 khách quốc tế đến Việt Nam, chỉ 27 ca nhiễm Covid-19

Ngày 24.1.2022, thông tin về phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt cho biết sau khi thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ cuối tháng 11.2021, đến hết ngày 23.1, Việt Nam đón được 8.500 khách. Trong số này chỉ có 27 trường hợp được phát hiện nhiễm Covid-19 và chỉ 1 trường hợp phải điều trị.

8.500 khách quốc tế đến Việt Nam, chỉ 27 ca nhiễm Covid-19

Về lộ trình mở lại hoạt động du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa phương thời gian qua đã đem lại những hiệu ứng, kết quả tích cực.

Cụ thể, từ tháng 11.2021, khi bắt đầu thí điểm mở cửa du lịch tại 5 địa phương và đến tháng 1.2022 mở cửa du lịch tại 2 địa phương nữa (tại TP.HCM và Bình Định), đến ngày 23.1, Việt Nam đã đón được 8.500 khách quốc tế, chủ yếu đến từ Nga, Hàn Quốc, Singapore, một số ít ở Anh, Mỹ...

Du khách cơ bản bảo đảm được về mặt y tế, an toàn dịch bệnh và chấp hành các quy định thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Đồng thời trong số du khách này, chỉ phát hiện 27 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó chỉ 1 trường hợp phải điều trị.

Bộ VH-TT-DL kiến nghị tiếp tục mở lại các hoạt động du lịch theo lộ trình, làm từng bước chắc chắn, tích cực, khẩn trương. Bộ sẽ giữ lộ trình mở lại các hoạt động du lịch như bình thường vào dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, nhưng nếu làm tốt chúng ta có thể mở sớm hơn.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý thêm cần có sự phối hợp đồng bộ để kiểm soát dịch bệnh an toàn, nhất là đối với khách du lịch quốc tế.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5772 về biểu mẫu và quy trình cấp "Hộ chiếu vắc xin". Tuy nhiên, cần có sự tham gia của các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT-DL.

Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo du khách quốc tế ngoài hộ chiếu vắc xin thì cần được xét nghiệm, tại điểm đến, lưu trú đầu tiên nên dừng lại một thời gian, di chuyển theo lộ trình có sẵn.

Đồng thời, đa số các ý kiến đều ủng hộ việc mở cửa lại du lịch cũng như cho trẻ quay lại trường học song cũng đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn mới về xác định cấp độ dịch để các địa phương căn cứ triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

Thông tin mới nhất về việc học sinh đi học sau Tết Nguyên đán

Ngày 25.1.2022, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về thời gian học sinh học trực tiếp sau Tết Nguyên đán.

Thông tin mới nhất về việc học sinh đi học sau Tết Nguyên đán

Cụ thể, UBND TP.HCM cho phép trẻ thuộc khối mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tiếp từ ngày 7.2 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và người chăm sóc theo lộ trình như sau:

Từ ngày 7.2, các cơ sở giáo dục thực hiện công tác đón trẻ và học sinh trở lại trường.

Từ ngày 10.2 - 13.2, các trường tổ chức họp phụ huynh, học sinh triển khai các hướng dẫn và lưu ý khi đưa con em đi học trở lại, tập huấn giáo viên.

Ngày 14.2, TP.HCM tổ chức đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường và tổ chức sinh hoạt hướng dẫn học sinh đi học an toàn.

UBND TP.HCM cũng nêu rõ trường hợp phụ huynh học sinh chưa đồng thuận đến trường học trực tiếp thì học sinh tiếp tục học trên môi trường internet, học trên truyền hình và bài tập giao về nhà...

Người dân TP.HCM tiêm vắc xin mũi 3 mà không cần phải có danh sách

Ngày 25.1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hoạt động tiêm vắc xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại vẫn đang tiếp tục diễn ra ở 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Cả nước tiêm gần 177,4 triệu liều vắc xin Covid-19

Đặc biệt, những người dân chưa tiêm vắc xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại thì chỉ cần đến trực tiếp điểm tiêm và đăng ký, dù không có tên trong danh sách tiêm chủng vẫn được tiếp nhận và tiêm vắc xin.

Theo HCDC, tính từ ngày 10.12.2021 đến 23.1.2022, TP.HCM đã triển khai tiêm được 4,4 triệu liều mũi 3, trong đó có 623.696 triệu mũi bổ sung và 3.797.264 mũi nhắc lại. Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống Covid-19.

Như vậy, kể từ khi tiêm vắc xin Covid-19 đến nay, TP.HCM đã tiêm được tổng cộng 19,7 triệu liều vắc xin Covid-19.

TP.HCM tiếp tục kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm người từ các tỉnh về TP.HCM sinh sống và làm việc), tiêm cho trẻ em 12 - 17 tuổi của thành phố, tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định.

Những phản ứng sau tiêm vắc xin hay gặp ở người cao tuổi

Chiều 24.1.2022, Bộ Y tế đã có những lưu ý về những phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 hay gặp ở người cao tuổi.

Những phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 hay gặp ở người cao tuổi

Theo Bộ Y tế, người cao tuổi cần thường xuyên có người thân/người chăm sóc bên cạnh để theo dõi tình hình sức khỏe thường xuyên trong vòng 24h và 7 ngày sau tiêm chủng, tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K tại nhà.

Những dấu hiệu phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 là: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn,…

Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Các dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm gồm có:

  • Ở miệng: tê quanh môi và/hoặc lưỡi…
  • Ở da: phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da…
  • Ở họng: ngứa, căng cứng, tắc nghẽn, khản đặc…
  • Đường tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng…
  • Đường hô hấp: thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho…
  • Toàn thân: mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp

Bộ Y tế nhấn mạnh, trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần liên hệ ngay với cán bộ tiêm chủng hoặc cơ sở y tế gần nhất theo số điện thoại được cung cấp hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, người cao tuổi không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá hay sử dụng bất kỳ chất kích thích nào sau khi đi tiêm. Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin.

Người cao tuổi không ăn nhiều chất béo bão hòa; thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe. Bổ sung đủ nước sau tiêm.

Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A.

Ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm. Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá trứng sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi. Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa

Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, người cao tuổi nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn.

Nghỉ ngơi hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Sau tiêm, cơ thể mệt mỏi do tác dụng phụ, nên nghỉ ngơi, có thể tập thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ chậm...

Cùng đó, người cao tuổi cần tiếp tục tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh mạn tính theo hướng dẫn của bác sĩ.

Uống rượu vang đỏ có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm Covid-19?

Những người uống hơn 5 ly rượu vang đỏ mỗi tuần có nguy cơ nhiễm virus gây Covid-19 thấp hơn 17%.

Uống rượu vang đỏ có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm Covid-19?

Đó là kết luận của một nghiên cứu vừa được Bệnh viện Kangning Thâm Quyến của Trung Quốc công bố, dựa trên số liệu từ cơ sở dữ liệu của Anh UK Biobank.

Các chuyên gia tin rằng điều này là do thành phần polyphenol trong rượu vang có thể ức chế tác động của các loại virus gây cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng liên quan đến đường hô hấp.

Trong khi đó, những người uống từ 1-4 ly rượu vang trắng mỗi tuần có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp hơn 8% so với những người không uống.

Đặc biệt, những người uống bia và nước táo lên men có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn gần 28%, bất kể họ đã uống bao nhiêu.

Với biến thể Omicron, đại dịch Covid-19 vào thế tàn cuộc với châu Âu?

Ngày 23.1, giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge nhận định biến thể Omicron có thể giúp chấm dứt đại dịch Covid-19 tại châu Âu.

Với biến thể Omicron, đại dịch Covid-19 vào thế tàn cuộc với châu Âu?

Chuyên gia này dự đoán đến tháng 3.2022, Omicron có thể khiến 60% dân số châu Âu nhiễm bệnh.

Khi làn sóng lây nhiễm do Omicron giảm sức mạnh ở châu Âu, “có khả năng sẽ xuất hiện miễn dịch toàn cầu trong vài tuần hoặc vài tháng, dù là nhờ vắc xin hay vì những ca nhiễm bệnh trước đó, ngoài ra cũng giảm tính theo mùa".

Ngoài ra, ông Kluge cho rằng Covid-19 có thể sẽ quay lại trước cuối năm 2022, nhưng có thể sẽ không còn ở quy mô đại dịch.

Cùng ngày 23.1, chuyên gia dịch tễ học Mỹ Anthony Fauci cũng có đánh giá lạc quan tương tự. Ông nói số ca Covid-19 tại nhiều nơi ở Mỹ đang “giảm khá mạnh".

Dù vẫn kêu gọi cẩn trọng, ông Fauci khẳng định “sẽ bắt đầu có bước ngoặt tại Mỹ" nếu số ca nhiễm ở các khu vực phía đông bắc tiếp tục giảm. Tuần trước, văn phòng WHO ở châu Phi cũng cho biết số ca nhiễm Covid-19 tại đây đã giảm. Số ca tử vong cũng lần đầu tiên giảm từ sau khi làn sóng Covid-19 do Omicron gây ra đạt đỉnh.

Biến thể Omicron, với năng lực lây nhiễm mạnh hơn Delta nhưng thường gây bệnh nhẹ hơn đối với người đã tiêm chủng, được hy vọng là yếu tố khiến đại dịch Covid-19 chuyển sang bệnh giống cúm mùa.

Tuy vậy, ông Kluge vẫn cảnh báo còn quá sớm để cho rằng đại dịch đã chấm dứt. Lý do là vì biến thể Omicron lây lan tốc độ cao và các biến thể mới có thể xuất hiện.

Tại 53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu của WHO, đến ngày 18.1, biến thể Omicron chiếm 15% trong các ca nhiễm mới. Mới 1 tuần trước đó tỉ lệ này chỉ là 6,3%.

Hiện nay, Omicron là biến thể trội tại Liên minh châu Âu và các nước thuộc khu vực kinh tế châu Âu.

Ông Kluge kêu gọi cần tập trung giảm thiểu sự gián đoạn đối với các bệnh viện, trường học, và nền kinh tế, cũng như nỗ lực bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Chuyên gia này cũng kêu gọi mọi người có trách nhiệm: “Nếu thấy không khỏe, hãy ở nhà, tự xét nghiệm. Nếu dương tính thì tự cách ly".

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 25.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.