Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 5.11.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước ghi nhận 7.487 ca Covid-19 mới, 1.941 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế ngày 5.11 cho biết tính từ 16h ngày 4.11 đến 16h ngày 5.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.504 ca nhiễm mới, 1.941 ca khỏi bệnh.
Bản tin Bộ Y tế thông báo về 70 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 22.412 ca.
Thông tin về 7.504 ca nhiễm mới như sau:
- 17 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 7.487 ca ghi nhận trong nước (tăng 911 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 3.207 ca trong cộng đồng). Gồm: Đồng Nai (953), Bình Dương (917), TP.HCM (912), Kiên Giang (477), Bạc Liêu (468), An Giang (411), Tây Ninh (305), Bình Thuận (298), Cà Mau (241), Cần Thơ (199), Sóc Trăng (193), Đồng Tháp (166), Tiền Giang (163), Long An (140), Hà Giang (138), Đắk Lắk (135), Bình Phước (107), Gia Lai (94), Vĩnh Long (92), Hà Nội (91), Bến Tre (90), Trà Vinh (86), Đắk Nông (76), Bà Rịa - Vũng Tàu (74), Ninh Thuận (55), Nghệ An (51), Hậu Giang (49), Thanh Hóa (49), Bắc Ninh (46), Khánh Hòa (44), Bắc Giang (43), Phú Thọ (39), Nam Định (37), Lâm Đồng (30), Quảng Ngãi (26), Quảng Nam (23), Hưng Yên (22), Bình Định (18), Quảng Ninh (16), Đà Nẵng (14), Hà Nam (13), Hà Tĩnh (13), Điện Biên (13), Kon Tum (7), Thừa Thiên Huế (7), Lai Châu (6), Thái Nguyên (5), Ninh Bình (5), Quảng Trị (4), Quảng Bình (4), Hải Dương (4), Hải Phòng (3), Phú Yên (3), Lạng Sơn (3), Thái Bình (2), Sơn La (2), Tuyên Quang (2), Lào Cai (1), Bắc Kạn (1), Cao Bằng (1).
Ngày 5.11: Cả nước 7.487 ca Covid-19, 1.941 ca khỏi | TP.HCM 912 ca |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tiền Giang (-100), Đắk Lắk (-75), TP.HCM (-69).- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (+190), Bình Thuận (+104), Đồng Tháp (+69).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 6.027 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 953.547 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.680 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 948.646 ca, trong đó có 834.530 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (436.629), Bình Dương (237.158), Đồng Nai (70.091), Long An (35.500), Tiền Giang (17.642).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.941
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 837.347
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.093 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.193
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 480
- Thở máy không xâm lấn: 112
- Thở máy xâm lấn: 292
- ECMO: 16
Từ 17h30 ngày 4.11 đến 17h30 ngày 5.11 ghi nhận 70 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (33), An Giang (9), Bình Dương (6), Long An (5), Kiên Giang (3), Sóc Trăng (3), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Hưng Yên (1), Đắk Lắk (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1), Tiền Giang (1), Ninh Thuận (1), Bến Tre (1).- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 64 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.412 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 113.940 xét nghiệm cho 347.309 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 22.737.098 mẫu cho 61.636.443 lượt người.
Trong ngày 4.11 có 1.365.149 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 86.319.808 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 59.355.699 liều, tiêm mũi 2 là 26.964.109 liều.
Hà Nội thông tin về sự cố tiêm nhầm vắc xin Covid-19 cho trẻ 2 - 6 tháng tuổi
Theo thông tin phát đi từ Sở TT-TT Hà Nội, ngày 3.11, Trạm Y tế xã Yên Sơn (H.Quốc Oai) tổ chức tiêm chủng cho các cháu từ 1 tháng đến 6 tháng tuổi. Trong quá trình tiêm chủng đã xảy ra sự cố tiêm nhầm vắc xin Comirnaty ngừa Covid -19 của hãng Pfizer-BioNtech cho 18 trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi.
Vắc xin Comirnaty ngừa Covid -19 của hãng Pfizer-BioNtech |
REUTERS |
Ngay sau khi nhận được thông tin, thành phố đã chỉ đạo khẩn trương chuyển toàn bộ các cháu đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn - cơ sở chuyên khoa đầu ngành về nhi của thành phố, để được chăm sóc y tế trong điều kiện tốt nhất.
Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo Bộ Y tế và tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF.
Các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Nhi T.Ư đã trực tiếp thăm khám cho các cháu. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các cháu đều ổn định, một số cháu có biểu hiện sốt, sưng đỏ nơi tiêm, là những phản ứng thông thường sau tiêm; không có trường hợp nào sốc phản vệ.
H.Quốc Oai đã có chỉ đạo, yêu cầu trung tâm y tế huyện và Trạm Y tế xã Yên Sơn đình chỉ dây tiêm gồm 4 cán bộ y tế và đình chỉ công tác đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm để xem xét trách nhiệm và rà soát lại các quy trình tiêm chủng vắc xin cho trẻ em.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng trên địa bàn thành phố, tuyệt đối không để xảy ra những tình huống tương tự.
TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 8,3 triệu người với hơn 11.536 tỉ đồng
Từ tháng 7.2021 đến nay, tại TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, nổi bật là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như Nghị quyết 68/2021 (sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 nới lỏng nhiều điều kiện nhận hỗ trợ); Nghị quyết 116/2021 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Riêng TP.HCM cũng ban hành các gói hỗ trợ Covid-19 thông qua 3 đợt vừa qua dành cho lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân khó khăn...
Chính quyền P.4, Q.5 hỗ trợ gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng Covid-19 (ảnh chụp ngày 1.10) |
p.t.n |
Ngày 5.11, theo thông tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính đến ngày 30.10, TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 8,3 triệu người với tổng số tiền hơn 11.536 tỉ đồng (con số này chưa bao gồm chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế theo Nghị quyết 68; chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và chính sách hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM).
Một số kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tại TP.HCM như sau:
- Hỗ trợ cho 101.356 đơn vị với số lao động hơn 2,3 triệu người với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ cho 268 đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...
- Hỗ trợ cho hơn 157.000 người với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ 197 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Hỗ trợ cho 139 viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hỗ trợ cho 1.183 hướng dẫn viên du lịch.
- Hỗ trợ cho 23.363/28.069 hộ kinh doanh (đạt tỷ lệ 83,23%), 21.335/21.554 điểm kinh doanh với chính sách hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống.
Riêng các chính sách tại TP.HCM, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu người lao động tự do; hơn 1,2 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động khó khăn qua 2 đợt. Còn đợt 3, TP.HCM đã và đang chi trả cho hơn 7,4 triệu người.
Ngoài các chính sách này, TP.HCM còn hỗ trợ gạo cho người dân với tổng số lượng gạo được phân bổ hơn 71.000 tấn. Tính đến nay, số lượng gạo này đã được cấp phát hết cho hơn 4,7 triệu dân khó khăn.
Quận Gò Vấp: “Nhà lầu, biệt thự ở Gò Vấp vẫn đòi gói hỗ trợ Covid-19”
Ngày 4.11.2021, đoàn công tác do ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra về chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vì Covid-19 cả 3 đợt vừa qua tại UBND Q.Gò Vấp.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, bà Đào Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng LĐ-TB-XH quận Gò Vấp, đã nêu ra một số trường hợp người dân khá giả nhưng vẫn đòi gói hỗ trợ Covid-19.
"Phường và quận cũng có rà soát, hỗ trợ. Bản thân quận cũng cử cán bộ, đi xuống. Có những gia đình có biệt thự, nhà lầu, gia đình cơ bản, có con làm bác sĩ, có phòng cho thuê nhưng vẫn đòi gói hỗ trợ" bà Hạnh thông tin.
Theo báo cáo của UBND quận Gò Vấp, đợt 1, địa phương đã hỗ trợ cho gần 22.000 lao động tự do với tổng số tiền hơn 32,6 tỉ đồng.
Quận Gò Vấp: “Nhà lầu, biệt thự ở Gò Vấp vẫn đòi gói hỗ trợ Covid-19” |
Đợt 2, quận hỗ trợ cho gần 36.500 lượt người lao động tự do gồm số lượng lao động tự do đợt 1 và số người được hỗ trợ bổ sung 1 lần cho 2 lượt; hỗ trợ cho gần 1.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hơn 49.500 hộ khó khăn. Tổng kinh phí đã hỗ hỗ trợ đợt 2 là hơn 130 tỉ đồng.
Đợt 3, quận hỗ trợ cho gần 421.000 người với tổng tiền hơn 410 tỉ đồng với mức 1 triệu đồng/người.
Theo bà Đào Thị My Thư, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, thì có nhiều lý do dẫn đến việc trong đợt 3 có nhiều người chưa hoặc không nhận được gói hỗ trợ.
"Nguyên nhân nhiều nhất là do trùng, do phát hiện có bảo hiểm xã hội, đang nhận lương. Hoặc do các trường hợp này đã mất hoặc là khi chi trực tiếp, đến tận nhà dân để chi thì khi tới tận nhà dân thì phát hiện ra là nhà khá giả. Có một số trường hợp phát hiện đã nhận ở nơi khác", Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho hay.
Lại trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở cảng cá lớn nhất miền Trung
Cảng cá Thọ Quang thuộc Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng là chợ đầu mối hải sản lớn nhất miền Trung. Nơi đây từng là ổ dịch lớn lây nhiễm Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng. Ngày 4.11.2021, ngành y tế Đà Nẵng lại tiếp tục ghi nhận ca Covid-19 mới là tiểu thương ở cảng cá Thọ Quang.
Theo thông tin từ cơ quan y tế của Đà Nẵng, 2 trường hợp dương tính Covid-19 mới được phát hiện đều là tiểu thương bán cá tại đây.
Lại trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở cảng cá lớn nhất miền Trung |
Ngay trong đêm 4 đến rạng sáng 5.11.2021, lực lượng y tế quận Sơn Trà đã dốc toàn lực, trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả người ra vào cảng cá nhằm sớm khoanh vùng dịch bệnh.
Thời điểm 1 giờ sáng 5.11, tất cả ngưởi ra vào cảng cá đều bắt buộc thực hiện khai báo y tế và được lực lượng bộ đội biên phòng, công an khu vực và dân quân tự vệ hướng dẫn đến khu vực lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trước khi vào chợ đầu mối hải sản.
Trung tâm y tế quận Sơn Trà cho biết phương án xử lý nếu có ca F0 sẽ là phong tỏa hẹp nhưng xét nghiệm trên diện rộng.
40 nhân viên y tế thuộc Trung tâm y tế Q.Sơn Trà lấy 3.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người ra vào cảng cá Thọ Quang |
huy đạt |
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, các ca nhiễm Covid-19 mới là các tiểu thương tại cảng cá Thọ Quang. Họ đã nghỉ bán cá gần 2 tháng nay và ngày đầu trở lại cảng cá buôn bán là hôm 1.11.2021.
Đối với các tiểu thương, người lao động tại cảng cá Thọ Quang khi hay tin phát hiện ca mắc mới khiến nhiều người lo lắng dịch tái bùng phát, vì vậy đa số tiểu thương đều chấp hành tốt việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Trước đó, chiều 4.11.2021, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 , bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục truy vết nhanh, chính xác, tổ chức phong tỏa khu vực có nguy cơ và lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp liên quan đến các ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận.
Việc lấy mẫu xét nghiệm thực hiện xuyên suốt từ 21 giờ ngày 4.11 đến 5 giờ sáng 5.11 |
huy đạt |
Liên quan đến các ca mắc Covid-19 là tiểu thương khu vực cảng cá Thọ Quang, nơi ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, nhanh chóng lập danh sách những trường hợp liên quan, lấy mẫu xét nghiệm sớm để sàng lọc nguy cơ Covid-19.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đặc biệt lưu ý đối với những tàu cá, ngư dân từ các địa phương cập cảng cá Thọ Quang, áp dụng các biện pháp khai báo y tế, theo dõi, cách ly đúng quy định, không bỏ sót các nguy cơ lây nhiễm.
Vừa tái hoạt động, núi Bà Đen lại phải tạm dừng đón khách vì Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Tây Ninh, Công ty Sun World Bà Đen Mountain đã tạm ngưng hoạt động du lịch tại núi Bà Đen từ ngày 4.11.2021 để phòng dịch Covid-19 cho đến khi có thông báo mới. Các tuyến du lịch đã được thiết kế sẽ được kết nối trở lại ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định.
Trước đó, ngày 18.10, tuyến khép kín thử nghiệm đưa 100 du khách đầu tiên từ TP.HCM đến Khu du lịch núi Bà Đen. Sau đó 3 ngày, tức ngày 21.10 Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cũng đã tổ chức đưa 100 y, bác sĩ ở các tỉnh đến tham quan khu du lịch này trong chương trình tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch của TP.HCM. Đó cũng là tuyến du lịch liên tỉnh đầu tiên mà TP.HCM chủ trì mở ra được tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Vừa tái hoạt động, núi Bà Đen lại phải tạm dừng đón khách vì Covid-19 |
Tất cả khách tham gia, hướng dẫn viên, tài xế, nhân sự tổ chức phục vụ hậu cần tại điểm đến đều phải được tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính và thực hiện 5K.
Từ đó cho đến khi tạm ngưng hoạt động, Khu du lịch núi Bà Đen chỉ đón khách đi từ TP.HCM theo hình thức tuyến khép kín và chưa đón khách đi riêng lẻ cũng như khách cư trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo thông tin từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh, tính đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận tổng cộng gần 13.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 10.778 người được chữa khỏi. Hiện, Tây Ninh đang phong tỏa 181 khu vực liên quan đến các ca F0. Đồng thời tỉnh cũng thực hiện cách ly tập trung tổng cộng hơn 1.500 và cách ly tại nhà, nơi cư trú khoảng 3.600 người.
Dậy từ 5 giờ sáng chở con từ Củ Chi đi chơi Thảo Cầm Viên ngày đầu mở lại
Sáng 5.11, Thảo Cầm Viên Sài Gòn chính thức mở cửa trở lại đón khách sau nhiều ngày đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để chờ đến ngày được hoạt động lại, trước đó ban quản lý và công nhân ở đây cố gắng chăm sóc đàn thú thật tốt, giúp phụ huynh và các em nhỏ cảm nhận lại được không khí Thảo Cầm Viên như trước kia.
Sau 5 tháng không được ra khỏi nhà, chị Phương Huyền (nhà ở H.Củ Chi) vừa nghe Thảo Cầm Viên Sài Gòn mở lại đã cho bé trai đi liền. Hai mẹ con từ đã dậy từ sáng sớm để lái xe từ Củ Chi vào trung tâm thành phố, tận hưởng ngày bình thường mới.
Thảo Cầm Viên mở cửa đón khách sáng 5.11.2021 |
lê nam |
Chị Nguyễn Lê Phương Huyền, ngụ ở H. Củ Chi, TP.HCM chia sẻ: "Nhà mình cũng ở xa, ở dưới Củ Chi lận nên khoảng 5 giờ - 6 giờ rưỡi dậy rồi. Có 2 mẹ con đi thôi nhưng vui lắm anh, ở nhà tù túng thấy cũng tội lắm" Chị Huyền nói thêm, lâu ngày không lên trung tâm thành phố, thấy đường xá đông đúc nên hơi bỡ ngỡ", chị Huyền cho hay.
Nhiều gia đình đưa con em tới Thảo Cầm Viên chơi sau 5 tháng ở nhà giãn cách xã hội |
lê nam |
Từ 7 giờ sáng, Thảo Cầm Viên đã mở cửa, đón những vị khách đầu tiên trở lại. Khách được yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt và đảm bảo 5K trước khi vào tham quan bên trong. Các gia đình đưa con nhỏ đến Thảo Cầm Viên cũng yên tâm vì công tác phòng dịch được đảm bảo.
Trong sáng đầu mở lại, các công nhân vệ sinh tại Thảo Cầm Viên cố gắng dọn dẹp tươm tất nhất có thể. Mặc dù công việc còn bộn bề nhưng ai cũng vui mừng vì người Sài Gòn hào hứng trở lại Thảo Cầm Viên ngay khi vừa mở lại.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 5.11 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)