Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 2.9: Số ca tử vong tại TP.HCM đã giảm

02/09/2021 19:18 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 2.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 2.9 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

TP.HCM trong ngày 2.9 đặc biệt: "Mong thành phố sớm khỏe!"

7 giờ sáng ngày 2.9.2021, TP.HCM vắng hẳn tiếng xe cộ khi mọi người đều ở nhà để giãn cách xã hội, phòng chống Covid-19.

TP.HCM trong ngày 2.9 đặc biệt: "Mong thành phố sớm khỏe!"

Đường sách TP.HCM đóng cửa nhiều ngày qua

Lê Nam

Tại chốt kiểm soát dịch trước Thảo cầm viên Sài Gòn, chị Thu Hà (Học viện cảnh sát Nhân dân) cùng lực lượng cảnh sát và quân đội đã có mặt từ 6 giờ sáng để làm nhiệm vụ kiểm soát lượng phương tiện tham giao thông trong ngày Quốc khánh. 

Thu Hà (Học viện cảnh sát Nhân dân) cùng lực lượng cảnh sát và quân đội đã có mặt từ 6 giờ sáng để làm nhiệm vụ

Lê Nam

"Lễ Độc lập của mình là ngày nghỉ, từ xưa đến nay tụi em đều được nghỉ vì bản thân em cũng là sinh viên thực tập, đến đây thực tập và ở lại thành phố thực hiện công tác chống dịch. Mình bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân cho tình hình giảm xuống, lúc đó chúng ta sẽ có cuộc sống tốt hơn, xây dựng cuộc sống bình thường mới hiệu quả hơn. Cảm thấy đứng ở đây có chút xíu tự hào",  Lương Thị Thu Hà (Học viện Cảnh sát Nhân dân) chia sẻ.

Trong những ngày tăng cường giãn cách xã hội, lượng phương tiện ra đường giảm rõ rệt

Lê Nam

Sáng 2.9.2021, trong những ngày tăng cường giãn cách xã hội, lượng phương tiện ra đường giảm rõ rệt. 
Tết độc lập trong những ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh, đường phố vắng vẻ, các khu vui chơi cửa đóng then cài, ai cũng mong thành phố sớm khỏe, để cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường.

Ngày 2.9: Cả nước ghi nhận 13.197 ca Covid-19, 10.602 ca khỏi

 
Bản tin của Bộ Y tế ngày 2.9 cho biết tính từ 17 giờ ngày 1.9 đến 17 giờ ngày 2.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.197 ca nhiễm mới, có 10.602 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày.
Trong ngày 2.9, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 271 ca tử vong tại 18 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 12.138 ca.

Ngày 2:9: Cả nước 13.197 ca Covid-19, 10.602 ca khỏi | TP.HCM 5.963 ca | Bình Dương 4.504 ca

Thông tin về 13.197 ca nhiễm mới được công bố vào ngày 2.9 như sau:
- 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 13.186 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 7.255 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.963), Bình Dương (4.504), Đồng Nai (803), Long An (583), Tiền Giang (290), Kiên Giang (122), Đồng Tháp (102), Bình Phước (70), Nghệ An (66), Tây Ninh (62), Khánh Hòa (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Quảng Bình (56), An Giang (51), Thanh Hóa (50), Hà Nội (48), Đà Nẵng (42), Cần Thơ (42), Bình Thuận (34), Đắk Lắk (34), Thừa Thiên Huế (25), Bình Định (20), Quảng Ngãi (19), Sóc Trăng (13), Cà Mau (11), Bạc Liêu (8 ), Bến Tre (8 ), Trà Vinh (7), Lạng Sơn (6), Phú Yên (6), Vĩnh Long (5), Quảng Nam (4), Đắk Nông (4), Bắc Ninh (3), Bắc Giang (3), Ninh Thuận (2), Nam Định (2), Hậu Giang (2), Thái Bình (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.757 ca. Tại TP.HCM tăng 595 ca, Bình Dương tăng 1.064 ca, Đồng Nai tăng 44 ca, Long An giảm 11 ca, Tiền Giang tăng 96 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 486.727 ca nhiễm, đứng thứ 55/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.951 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 482.497 ca, trong đó có 256.550 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (232.585), Bình Dương (122.732), Đồng Nai (25.328), Long An (23.221), Tiền Giang (10.136).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 259.324
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.443 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.145
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.238
- Thở máy không xâm lấn: 176
- ECMO: 26

Ngày 2.9: Thông báo 271 ca Covid-19 tử vong tại 18 tỉnh thành

Trong ngày 2.9, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 271 ca tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (197), Bình Dương (34), Đồng Nai (8), Tiền Giang (7), Đồng Tháp (6), Đà Nẵng (4), Trà Vinh (3), Nghệ An (2), Hà Nội (1), An Giang (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Thừa Thiên - Huế (1).
Trước đó, số ca tử vong ghi nhận gộp trong hai ngày 31.8 và 1.9 tại TP.HCM là 658.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.138 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Trong bản tin tối 2.9, Bộ Y tế cũng đính chính thông tin về ca tử vong tại Lào Cai vào ngày 1.9. Theo Bộ Y tế, do nhầm lẫn trong quá trình nhập dữ liệu của Bệnh viện dã chiến Phú Thọ về bệnh nhân quê ở Lào Cai và tử vong do tai nạn giao thông tại Phú Thọ, nên Tiểu ban Điều trị xin đính chính Lào Cai không có ca tử vong vào ngày 1.9.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 15.347.523 mẫu cho 35.810.438 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 20.542.325 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.660.772 liều, tiêm mũi 2 là 2.881.553 liều.

Già trẻ ở Thanh Xuân Trung khóa cửa, rời khỏi ổ dịch Covid-19 nóng nhất Hà Nội

Từ tối 1.9.2021, hàng trăm người dân ở ổ dịch Covid-19 P.Thanh Xuân Trung thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã khăn gói lên xe di chuyển đến nơi ở mới.
Để đảm bảo an toàn cho người dân và thuận lợi dập dịch, quận Thanh Xuân đã gửi thư kêu gọi người dân P.Thanh Xuân Trung tự nguyện đi cách ly. Tối 1.9, nhiều gia đình đã khóa cửa, cùng người thân đến nơi cách ly.
Theo thông tin từ Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 Q.Thanh Xuân, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh tại khu vực phong tỏa thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương phòng chống dịch Covid-19 của quận tại “ổ dịch” này, để điều hành, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại khu vực cách ly.

Già trẻ ở Thanh Xuân Trung khóa cửa, rời khỏi ổ dịch Covid-19 nóng nhất Hà Nội

Sở chỉ huy đề nghị toàn bộ người dân đồng thuận, sẵn sàng tư thế, chủ động chuẩn bị tư trang cá nhân của các thành viên trong gia đình, khi nhận được thông báo cần chấp hành đi cách ly tập trung. Đối với những trường hợp không tự nguyện đăng ký vẫn phải đi cách ly tập trung để đảm bảo an toàn.
Theo kế hoạch, UBND Q.Thanh Xuân sẽ di dời khoảng 1.300 nhân khẩu tại ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi (P.Thanh Xuân Trung) đến điểm cách ly tại ký túc xá Trường đại học FPT ở xã Thạch Hòa, H.Thạch Thất, TP.Hà Nội.
Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng sẽ cho di chuyển lần lượt các hộ dân từ phía đầu ngõ giáp đường Nguyễn Trãi trở vào, mỗi đợt di chuyển từ 20 - 25 người. Việc di chuyển dự kiến chia thành 10 đợt, 10 xe buýt loại 45 chỗ được huy động cho công tác vận chuyển người dân. Thời gian di chuyển kéo dài từ tối 1.9 đến 21 giờ ngày 3.9.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27.4) đến nay đã lên tới hơn 3.300 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là hơn 1.500 ca. Ổ dịch Thanh Xuân Trung hiện đang là nơi nóng bỏng nhất ở Hà Nội.

F0 “lang thang” ngoài đường sẽ bị xử lý ra sao?

Những ngày vừa qua, Công an TP.HCM thông tin, lực lượng trực chốt kiểm soát Covid-19 thông qua phần mềm kiểm tra khai báo di biến động dân cư đã phát hiện 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, qua phối hợp xác minh với một số ban ngành, trong 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường, 10 người có giấy đi đường, còn lại là miễn hoặc không có giấy đi đường thuộc các diện như tài xế Grab, người đi xét nghiệm, di chuyển đến khu cách ly tập trung.
Đồng thời, trong 30 người này, có 8 người đang cách ly tập trung, 2 người đã khỏi bệnh, 1 người chưa xác minh được và còn lại được đưa về cách ly tại nhà. 

F0 biết mình mắc Covid-19 nhưng “lang thang” ngoài đường sẽ bị xử lý ra sao?

Như vậy, nếu xác minh được trong 30 F0 di chuyển trên đường trên, nếu có trường hợp là F0 đang thuộc diện theo dõi, điều trị tại nhà, nhưng vẫn ra đường thì phải xử lý như thế nào?  
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của Bộ Y tế, F0 khi cách ly tại nhà phải đủ điều kiện về nơi ở, khả năng chăm sóc bản thân… Đồng thời, trong thời gian điều trị tại nhà, tuyệt đối không ra khỏi phòng, nơi ở để đảm bảo phòng chống dịch, không lây lan dịch bệnh.
Vì vậy, trường hợp F0 vẫn cố tình ra ngoài, gây hoang mang cho người dân, thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng về hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” theo điều 14 Nghị định 117/2020.
Đối với việc quản lý F0 cách ly tại nhà, tháng 8.2021, UBND TP.HCM ban hành Công văn số 2732, chỉ đạo UBND TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện phải sử dụng “hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”, “hệ thống khai báo y tế điện tử” của TP để theo dõi, cập nhật dữ liệu các trường hợp F0 cách ly tại nhà trên địa bàn, bao gồm cả F0 được chuyển từ các bệnh viện và F0 được cách ly tại nhà.
Vì vậy, nếu chính quyền địa phương lơ là trong phòng chống dịch, theo luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM), tùy mức độ cán bộ, công chức sẽ bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.
“Nếu cán bộ, công chức địa phương thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong công tác kiểm tra, giám sát F0. Dẫn đến tạo nguồn cơn lây lan dịch bệnh, khó kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng theo luật định, thì cán bộ, công chức liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015”, luật sư Hải nhấn mạnh.

Cả gia đình rủ nhau đi hiến máu cứu người giữa đại dịch

Ngày 1.9.2021, Bệnh viện Lê Văn Thịnhthành phố Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức buổi hiến máu tình nguyện với sự tham gia của nhiều người dân trong khu vực và nhân viên của bệnh viện.
Dù đang trong thời điểm giãn cách xã hội, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng sau khi bệnh viện kêu gọi, rất đông người dân đã đăng ký hiến máu cứu người.
Trong ngày 1.9, có gần 200 người gồm cả nhân viên y tế, người dân trên địa bàn TP. Thủ Đức tham gia hiến máu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Trong đó, có những người đã rủ cả gia đình đi hiến máu vì biết thời điểm này các bệnh viện đang khan hiếm nguồn máu dự trữ để cấp cứu, điều trị bệnh nhân thông thường và bệnh nhân Covid-19.
Chị Nguyễn Thị Mộng Thùy, một giáo viên mầm non ở TP.Thủ Đức cho biết, khi TP.HCM áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội thì gia đình chị rất ít khi đi ra ngoài. Tuy nhiên, khi nghe tin bệnh viện tổ chức hiến máu cứu người, chị đã rủ cả chồng và con đi hiến máu với hy vọng góp phần giúp đỡ những người đang cần máu.

Cả gia đình cô giáo cùng nhau đi hiến máu cứu người giữa đại dịch Covid-19

Theo bác sĩ Trần Thị Phượng, khoa Tạo hình thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua người dân hạn chế đi hiến máu khiến nguồn máu dự trữ của các bệnh viện thiếu hụt trầm trọng. Bệnh viện đã đăng thông tin trên các trang mạng xã hội của bệnh viện cũng như gửi thư mời đến người dân.
Để người dân yên tâm tham gia hiến máu trong điều kiện giãn cách xã hội và dịch Covid-19 còn phức tạp, bệnh viện đã bố trí các khu vực khám sàng lọc, khu xét nghiệm, tiếp nhận máu giãn cách. Đồng thời, xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho người dân hiến máu.
Trong ngày 1.9, Bệnh viện đã tiếp nhận được 190 đơn vị máu từ người hiến bổ sung vào nguồn máu dự trữ để phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân thông thường cũng như bệnh nhân Covid-19.

Mẹ bỉm sữa Bình Dương đi tiêm vắc xin Vero Cell

Sáng 2.9, Bình Dương đồng loạt triển khai tiêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell cho người dân trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 118.228 ca dương tính Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã đến điểm tiêm vắc xin ở Trung tâm văn hóa P.Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) để động viên, thăm hỏi người dân.
Quan sát của PV Thanh Niên, tại điểm tiêm này cho thấy người dân đi tiêm vắc xin Vero Cell khá đông, bao gồm cả người già, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Mẹ bỉm sữa Bình Dương tiêm vắc xin Vero Cell ngừa Covid-19: “Có là em chích à”

Chị Phan Thị Oanh cho biết: “Tôi đang cho con bú bằng sữa mẹ, tôi cần có kháng thể để phòng Covid-19. Tôi không quan tâm đến việc lựa chọn loại vắc xin, tôi chỉ cần có kháng thể có thể bảo vệ tôi và con là đủ".

Đo huyết áp trước khi tiêm.

ĐỖ TRƯỜNG

Trước đó, trả lời câu hỏi của PV, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết Vero Cell là một trong những vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận trên toàn cầu và Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Người dân tiêm vắc xin Vero Cell.

ĐỖ TRƯỜNG

Ông Chương cũng cho biết vắc xin Vero Cell có tác dụng tương đối cao trong phòng chống dịch, có thể chống nhiễm và hạn chế tử vong đạt 100% và đạt 60% phòng chống Covid-19 biến chủng Delta.
Trong sáng 2.9, ông Chương cho biết công tác triển khai tiêm 23.000 liều vắc xin Vero Cell (do Sinopharm sản xuất) trên địa bàn Bình Dương đến nay là khá an toàn, các trường hợp ghi nhận phản ứng phụ là rất thấp.

Người Sài Gòn lần đầu thấy xe đạp thồ của bộ đội len lỏi vào hẻm sâu

Chiều 2.9, các chiến sĩ Sư đoàn 5 (Quân khu 7) sử dụng xe đạp thồ để mang 80 phần quà đến trao tận tay người dân ở trong các con hẻm thuộc P.3, Q.Bình Thạnh (TP.HCM).

Người Sài Gòn lần đầu thấy xe đạp thồ của bộ đội len lỏi vào hẻm sâu

Mỗi phần quà bao gồm một bao gạo, mỳ tôm, dầu ăn, đồ hộp, bánh và sữa. Trước đó, các phần quà được tập kết ở ngoài đường lớn, các chiến sĩ bộ đội sẽ xếp các phần quà và gạo lên xe đạp thồ rồi đẩy vào các con hẻm, phát tận tay người dân.

Xe đạp thồ được các chiến sĩ thuộc Sư đoàn 5 (Quân khu 7) sử dụng để đưa nhu yếu phẩm qua các con hẻm

Nguyễn Anh

"Đây là lần đầu tiên mình nhìn thấy chiếc xe đạp thồ này luôn. Mình thấy rất là dễ thương, mang được rất nhiều đồ và đi vào hẻm rất là tiện", Trần Lê Ngọc My (hiện đang ở trọ tại phường 3, Q.Bình Thạnh) cho biết.
Theo bà Trần Thị Minh Nguyệt, Tổ trưởng tổ 63, khu phố 5 (P.3, Q. Bình Thạnh), việc bộ đội dùng các xe đạp thồ đưa quà đến nhà người dân rất nhanh chóng và tiện lợi. "Chiếc xe đạp nhỏ đi vô từng ngõ ngách trong hẻm, trao quà tận tay người dân trong đó luôn", bà Nguyệt nói.

Bộ đội đưa quà tận tay người dân

Nguyễn Anh

Những chiếc xe đạp thồ này được các chiến sĩ của Sư đoàn 5 sử dụng. Theo đó, các lực lượng của Sư đoàn 5 được phân công hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19 có mang theo 27 chiếc xe đạp thồ. Số xe này được phân về TP.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh và Q.12, mỗi nơi 9 chiếc.

Mỗi kíp xe gồm 4 chiến sĩ, một người cầm lái và 3 người hỗ trợ

Nguyễn Anh

Mỗi chiếc xe đạp thồ có khả năng chở được 200 kg, được sử dụng để chở hàng hóa vào trong các ngõ hẻm nhỏ, ngoằn nghèo mà các phương tiện như xe tải, xe ba gác không thể vào được. Mỗi kíp xe đạp thồ có một người cầm lái và 3 người hỗ trợ.
Q.Bình Thạnh nhận 9 xe đạp thồ và phân bổ về các phường. Phương tiện này được ưu tiên phân về các địa bàn có ngõ hẻm nhỏ, khó tiếp cận bằng xe tải.

Các chiến sĩ Sư đoàn 5 được phân công về Q.Bình Thạnh với 9 chiếc xe đạp thồ dùng để sử dụng vận chuyển hàng hóa

Nguyễn Anh

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 2.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.