Bản tin Covid-19 ngày 4.1: Cả nước thêm 21.728 ca | Karaoke, massage ở TP.HCM sắp mở cửa

04/01/2022 19:59 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 4.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 4.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Công bố 21.728 ca Covid-19, 16.227 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 4.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 3.1 đến 16h ngày 4.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.861 ca nhiễm mới, Sở Y tế Trà Vinh đăng ký bổ sung 6.867 ca; như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 21.728 ca. Trong ngày có 16.227 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 224 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 33.245 ca.

Ngày 4.1: Công bố 21.728 ca Covid-19, 16.227 ca khỏi | Hà Nội 2.499 ca | TP.HCM 664 ca

Thông tin về 21.728 ca vừa được công bố như sau:

  • 32 ca nhập cảnh.
  • 14.829 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.087 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.864 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.499), Tây Ninh (916), Khánh Hòa (797), TP.HCM (664), Bình Định (608), Hải Phòng (602), Bình Phước (593), Cà Mau (450), Vĩnh Long (431), Bến Tre (420), Đắk Lắk (367), Bắc Ninh (342), Thanh Hóa (286), Thừa Thiên-Huế (285), Hưng Yên (276), Đà Nẵng (253), An Giang (232), Quảng Ninh (227), Bạc Liêu (225), Thái Nguyên (220), Hải Dương (203), Lâm Đồng (202), Bắc Giang (202), Cần Thơ (196), Trà Vinh (196), Quảng Nam (194), Hà Giang (179), Gia Lai (171), Phú Yên (166), Quảng Ngãi (157), Đắk Nông (152), Đồng Tháp (138), Vĩnh Phúc (137), Ninh Bình (134), Nam Định (134), Bình Thuận (119), Hòa Bình (107), Sóc Trăng (103), Kiên Giang (97), Nghệ An (94), Tiền Giang (85), Hà Nam (79), Thái Bình (78), Phú Thọ (75), Sơn La (68), Cao Bằng (66), Bình Dương (65), Lào Cai (65), Kon Tum (63), Điện Biên (62), Đồng Nai (51), Bà Rịa - Vũng Tàu (42), Long An (41), Quảng Bình (40), Yên Bái (36), Hậu Giang (35), Ninh Thuận (33), Tuyên Quang (30), Hà Tĩnh (23), Lai Châu (18).
  • Ngày 4.1.2022, Sở Y tế Trà Vinh đăng ký bổ sung 6.867 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Trà Vinh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-1.147), Vĩnh Long (-411), Cà Mau (-371).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+399), Bến Tre (+153), Thái Nguyên (+121).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.687 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 24 ca Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.800.704 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.252 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.794.866 ca, trong đó có 1.410.567 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (505.523), Bình Dương (291.061), Đồng Nai (98.183), Tây Ninh (78.837), Hà Nội (54.230).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 16.227 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.413.384 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.651 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.720 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 981 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 132 ca
  • Thở máy xâm lấn: 800 ca
  • ECMO: 18 ca

Từ 17h30 ngày 3.1 đến 17h30 ngày 4.1 ghi nhận 224 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (26) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (2), Cà Mau (2), Long An (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (26 ca trong hai ngày), An Giang (18), Đồng Tháp (15), Vĩnh Long (15), Cần Thơ (11), Hà Nội (10), Sóc Trăng (10), Tây Ninh (10), Tiền Giang (10), Bến Tre (9), Kiên Giang (9), Bạc Liêu (8), Bình Dương (7), Long An (7), Huế (6), Hậu Giang (5), Cà Mau (5), Bình Thuận (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Hải Dương (2), Khánh Hòa (2), Lâm Đồng (2), Gia Lai (2), Trà Vinh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 223 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.245 ca, chiếm tỉ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 30.636.734 mẫu tương đương 75.256.465 lượt người, tăng 73.499 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 3.1 có 405.584 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 154.344.391 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.850.611 liều, tiêm mũi 2 là 69.614.463 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 6.879.317 liều.

Karaoke, massage, vũ trường ở TP.HCM mở cửa trở lại từ 10.1

Trưa 4.1.2022, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ ngày 10.1.2022 với điều kiện phải đảm bảo theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch đối với các loại hình vừa nêu.

TP.HCM cho phép quán karaoke, massage, vũ trường mở cửa trở lại từ 10.1

Quyết định của TP.HCM đưa ra sau khi Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản đề xuất chủ trương cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ hoạt động trở lại.

Trước khi hoạt động trở lại, các cơ sở kinh doanh loại hình nêu trên phải được chính quyền địa phương thẩm định và cho phép hoạt động.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành các Quyết định số 4244 ngày 20.12.2021 về bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh massage, spa và Quyết định số 3583 ngày 15.10.2021 về các tiêu chí đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, các cơ sở kinh doanh vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ….

UBND TP.HCM đề nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định và chỉ cho phép hoạt động lại đối với cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện và kịp thời điều chỉnh hoạt động của các đơn vị phù hợp với cấp độ dịch của địa phương.

Buổi học vừa trực tiếp vừa trực tuyến sau những ngày nghỉ dịch Covid-19

Sáng 4.1.2021, sau thời gian thí điểm cho học sinh khối 12 và khối 9 thì học sinh các từ khối 7 tại TP.HCM đã trở lại trường học trực tiếp. Trong ngày đầu, một số học sinh vì nhiều lý do khác nhau vẫn chọn ở nhà học trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn đồng ý đưa con tới trường học trực tiếp.

Buổi học vừa trực tiếp vừa trực tuyến sau những ngày nghỉ dịch Covid-19

Được trở lại trường sau một thời gian dài phải ở nhà học trực tuyến nên nhiều học sinh đã rất háo hức.

Tại trường THCS Hà Huy Tập, học sinh từng khối lớp sẽ được tổ chức tới trường vào các khung giờ khác nhau được đo thân nhiệt tại cổng trường. Khi ra về, các khối sẽ ra về ở các cổng khác nhau, tránh trường hợp tập trung đông người vào cùng một thời điểm.

Bên cạnh đó, thông qua giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình từng học sinh qua phụ huynh, kịp thời phát hiện sớm nếu có trường hợp bất thường trước lúc đến trường. Trường cũng lập các sơ đồ cố định và có phòng dự phòng đề có thể xử lý, khoanh vùng theo quy định nếu xuất hiện F0.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, từ ngày 4.1.2021 sẽ có gần 680.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại TP.HCM cùng trở lại trường học trực tiếp và chuẩn bị cho các bài kiểm tra học kỳ 1.

Trước đó, 13.12.2021 gần 150.000 học sinh lớp 9 và 12 đã trở lại trường học trực tiếp sau gần 4 tháng học trực tuyến. So với tỉ lệ thăm dò ý kiến phụ huynh học sinh thì số học sinh đến trường thực tế cao hơn khá nhiều, có trường gần 100% số học sinh đã đi học trở lại.

Từ thực tế sau 2 tuần tổ chức thí điểm cho học sinh học trực tiếp, lãnh đạo các trường THCS, THPT đều cho rằng quy trình thực hiện đã ổn định, dần thích nghi một cách chủ động và sẵn sàng các phương án, tình huống chuyển trạng thái dạy học khi cần thiết.

51 tỉnh, thành sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ hơn 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho 51 địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng.

51 tỉnh, thành sử dụng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 có kiểm soát

Trước đó, căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Dược TP.HCM cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng tại TP.HCM từ giữa tháng 8.2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 51 địa phương có dịch trong toàn quốc.

Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy thuốc Molnupiravir có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với các tỉ lệ như sau:

  • Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%.
  • Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%.
  • Tỉ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Bộ Y tế cũng cho biết vừa qua có 10 đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir nội.

Trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ký và có hiệu lực thực hiện ngay từ ngày 30.12, lần đầu tiên có nhiều chính sách đặc biệt được cho phép thực hiện để chống dịch, trong đó có việc sản xuất các thuốc mới điều trị Covid-19.

Nghị quyết giao Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu để sản xuất thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về dược cho mục đích khác để sản xuất thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19.

Trường hợp thiếu thuốc phòng, điều trị Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc sử dụng miễn phí thuốc sản xuất trong nước thuộc lô được sản xuất để phục vụ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19 nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

  • Được sản xuất theo đúng quy trình sản xuất trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành.
  • Đáp ứng tất cả các nội dung như hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt.
  • Được sự đồng ý của cơ sở sản xuất thuốc.

Các thuốc mới có chỉ định điều trị Covid-19 nhập khẩu, được cấp phép có điều kiện tại một trong số cơ quan quản lý thuốc SRA (Tổ chức Y tế thế giới công bố) được cấp phép trong 10 ngày.

Các thuốc mới có chỉ định điều trị Covid-19 sản xuất trong nước nếu có cùng dạng bào chế, đường dùng, hàm lượng với thuốc đã được SRA cấp phép thì Việt Nam cho phép miễn nộp hồ sơ nghiên cứu lâm sàng.

Đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31.12.2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của vi rút gồm: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir,... Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.

Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (như chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19…

Báo động từ hiện tượng người lây Covid-19 cho hươu

Theo NBC News, một nghiên cứu được công bố vào cuối tháng 12.2021 trên tạp chí Nature đã phát hiện ít nhất 6 lần hươu đuôi trắng bị nhiễm Covid-19 từ con người ở Ohio (Mỹ).

Báo động từ hiện tượng người lây Covid-19 cho hươu

Nhóm nghiên cứu của Đại học bang Ohio đã lấy mẫu của 360 con hươu hoang dã và có 35,8% có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều trường hợp trong số này bị lây nhiễm trong thời gian gần đây.

Sau khi xem xét quan hệ di truyền của các loại virus trên hươu, các nhà khoa học kết luận Covid-19 cũng đang lây truyền từ hươu sang hươu. Họ cũng tìm thấy 6 đột biến trên hươu không phổ biến ở người.

Trong khi đó, một nghiên cứu chưa qua bình duyệt khác phát hiện ra Covid-19 trong hạch bạch huyết của 94/283 con hươu chết do bị săn hoặc gặp tai nạn xe ở bang Iowa vào năm 2020.

Một nghiên cứu của chính phủ Mỹ công bố tháng 11 năm ngoái cũng phát hiện dấu hiệu từng mắc Covid-19 trong các mẫu máu của hươu hoang dã ở bang Illinois, Michigan, New YorkPennsylvania.

Khoảng 40% trong 624 mẫu máu có kháng thể, chứng tỏ các con hươu đó từng nhiễm SARS-CoV-2. Cả ba nghiên cứu trên đều cho thấy virus lây từ người sang hươu nhiều lần ở một số nơi.

Các nhà khoa học cho biết những chủng trội ở người vào từng thời điểm cũng đã được truyền sang hươu. Hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp Covid-19 lây ngược từ hươu sang người.

Tuy nhiên, giới khoa học cho biết khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, những biến thể đã bớt phổ biến ở người có thể tiếp tục tồn tại trên hươu và quay lại lây nhiễm cho người khi có cơ hội.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 4.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.