Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 23.10: TP.HCM ghi nhận mức giảm sâu ca nhiễm mới

23/10/2021 18:56 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 23.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 23.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Bản tin Covid-19 ngày 23.10: TP.HCM sẽ tiêm vắc xin cho trẻ em trong vòng 1 tuần

Cả nước 3.373 ca Covid-19 mới, 749 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 23.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 22.10 đến 17 giờ ngày 23.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.373 ca nhiễm mới, 1.338 ca khỏi bệnh.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 77 ca tử vong tại 14 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 21.620 ca.Thông tin về 3.373 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 23.10 như sau:

  • 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 3.361 ca ghi nhận trong nước (giảm 616 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.332 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (749), Đồng Nai (605), Bình Dương (517), An Giang (224), Tiền Giang (156), Bạc Liêu (130), Kiên Giang (97), Tây Ninh (90), Bình Thuận (81), Phú Thọ (75), Long An (68), Trà Vinh (58), Gia Lai (53), Cần Thơ (43), Cà Mau (40), Khánh Hòa (39), Bà Rịa - Vũng Tàu (38), Thừa Thiên Huế (34), Đồng Tháp (32), Hậu Giang (25), Nghệ An (23), Bình Phước (22), Thanh Hóa (18), Vĩnh Long (15), Quảng Nam (13), Quảng Ngãi (12), Bình Định (12), Kon Tum (11), Bến Tre (10), Phú Yên (8 ), Quảng Trị (7), Hà Nội (7), Ninh Thuận (7), Thái Bình (6), Hà Giang (6), Hà Nam (5), Bắc Ninh (5), Lào Cai (5), Nam Định (3), Hải Phòng (2), Bắc Giang (2), Đà Nẵng (2), Ninh Bình (2), Đắk Nông (1), Hà Tĩnh (1), Quảng Ninh (1), Tuyên Quang (1).
Ngày 23.10: Cả nước 3.373 ca Covid-19, 749 ca khỏi | TP.HCM 749 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-456), Đắk Lắk (-266), Sóc Trăng (-148).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (+188), Tiền Giang (+95), Bạc Liêu (+47).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.422 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 884.895 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.986 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 880.149 ca, trong đó có 801.847 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 1/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn.

+ Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (424.155), Bình Dương (228.316), Đồng Nai (61.103), Long An (34.139), Tiền Giang (15.548).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.338
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 804.664

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.977 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.109
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 399
  • Thở máy không xâm lấn: 95
  • Thở máy xâm lấn: 358
  • ECMO: 16

Trong ngày, cả nước ghi nhận 77 ca tử vong tại 14 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (42), Bình Dương (12), Đồng Nai (5), Long An (3), Sóc Trăng (3), Tiền Giang (2), An Giang (2), Ninh Thuận (2), Bình Phước (1), Đắk Nông (1), Cần Thơ (1), Trà Vinh (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 70 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.620 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vợ chồng khuyết tật và niềm vui bán lại vé số sau những ngày nghỉ dịch Covid-19

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 90.829 xét nghiệm cho 184.542 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 21.550.086 mẫu cho 58.976.825 lượt người.

Trong ngày 22.10 có 1.660.581 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 71.889.209 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 51.157.792 liều, tiêm mũi 2 là 20.731.417 liều.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho người trở lại TP.HCM ra sao?

Sau thời gian giãn cách, nhiều người dân TP.HCM mắc kẹt ở các tỉnh và người lao động từ các tỉnh trở lại sinh sống, học tập, làm việc gia tăng. Sở Y tế TP.HCM cho biết thành phố sẽ tiêm cho tất cả trường hợp này, nếu ai chưa tiêm thì tiêm mũi 1, nếu đã tiêm mũi 1 tại địa phương thì tiêm mũi 2 khi đến hạn.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị người dân khi trở lại chủ động đăng ký qua Tổng đài 8066 theo hướng dẫn của Sở TT-TT để được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Về phía chính quyền địa phương, các phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt danh sách người dân để tổ chức tiêm chủng cả mũi 1 và mũi 2. Đối với người lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp, Sở Y tế TP.HCM đề nghị doanh nghiệp lập danh sách gửi về Sở hoặc UBND địa phương để Sở Y tế cung cấp vắc xin, nếu doanh nghiệp có số lượng người tiêm nhiều thì có thể tổ chức tiêm tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP.HCM tổ chức các xe tiêm vắc xin lưu động đến khu dân cư để tiêm chủng.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho người trở lại TP.HCM ra sao?

Sở Y tế đang phối hợp với các địa bàn cửa ngõ, tổ chức tiêm vắc xin ở khu vực gần chốt kiểm soát để tạo thuận tiện cho bà con chứ không nhất thiết phải về trực tiếp địa phương mới tiêm. Về việc tiêm vắc xin nói chung cho người dân, Sở Y tế hướng dẫn người dân tiêm mũi 1 hoặc chưa tiêm mũi 1 đăng ký qua đầu số 8066, hoặc ra phường, xã để đăng ký trực tiếp. Trong trường hợp người dân đã tiêm mũi 1, nhưng thất lạc giấy xác nhận thì các đơn vị tiêm hướng dẫn người dân làm giấy cam kết đã tiêm mũi 1 để tiêm mũi 2 chứ không được từ chối.

Liên quan đến việc tiêm vắc xin cho trẻ, Sở Y tế TP.HCM cũng đã trình lần thứ 2 về kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh từ lớp 6 - 12, trẻ không đi học... từ 12 - 17 tuổi, dự kiến 780.000 em. Theo tờ trình này thì đến nay, vẫn chưa rõ loại vắc xin và thời gian tiêm, cũng như chờ tập huấn từ Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi có vắc xin TP.HCM sẽ tiêm trong 5 ngày và tiêm vét 2 ngày; mũi 2 cũng sẽ tiêm trong thời gian 1 tuần. Ưu tiên tiêm vắc xin cho trẻ 16 - 17 tuổi trước, sau đó hạ dần độ tuổi.

Tại cuộc làm việc Sở Y tế TP.HCM về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thành phố đến 31.12 diễn ra vào sáng 22.10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng đây là thời điểm TP.HCM tập trung vắc xin, hiện đạt 99% mũi 1 và trên 75% mũi 2. TP.HCM cố gắng tiêm phủ hết và chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em. Lưu ý là ưu tiên tiêm cho trẻ từ 16 - 17 tuổi. Bộ Y tế ưu tiên vắc xin cho các tỉnh bố trí cho học sinh trở lại trường, do đó các tỉnh cần có kế hoạch để khi có vắc xin thì tiêm ngay.

Nghĩa tình bên những chiếc xe buýt ngày “đóng băng” vì dịch Covid-19

Đa số học sinh TP.HCM sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 ngay tại trường

Tối 22.10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP.HCM (dự kiến khoảng 780.000 trẻ).

Trẻ đi học sẽ tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh.

Trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn TP.Thủ Đức và các quận, huyện.

Đối với trẻ có bệnh nền, trẻ sẽ tiêm tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi.

Đối với trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi, cơ sở tiêm chủng lập danh sách trẻ từ 12 đến 17 tuổi tại thời điểm tiêm chủng (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại các tỉnh, thành khác để tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế).

Thời gian triển khai thực hiện tiêm theo thứ tự lứa tuổi giảm dần; ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16 đến 17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

Thời gian tiêm mũi 1 trong 5 ngày, dự kiến bắt đầu ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm vét trong vòng 2 ngày.

Đa số học sinh TP.HCM sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 ngay tại trường

Tiêm mũi 2 trong 7 ngày, sau khi đối tượng trên đã đủ thời gian khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin. Loại vắc xin sử dụng được Bộ Y tế phê duyệt dùng cho lứa tuổi từ 12 đến 17 tuổi. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản mỗi đối tượng và tiêm chủng cùng loại vắc xin.

UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT rà soát, lập danh sách tiêm cho tất cả học sinh đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12; Sở LĐTB-XH phối hợp với UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện lập danh sách tiêm cho nhóm trẻ có lứa tuổi từ 12 đến 17 tuổi không đi học hoặc các học sinh đang học, đang nuôi dưỡng tại các trường, trung tâm thuộc sở quản lý.

Bình Dương: Xác định chi hỗ trợ nhầm 2.044 người, đã thu hồi

Chiều 23.10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về việc chi trả các chế độ, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, cho biết trong quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân, tháng 8.2021, trong nhiều chính sách, Bình Dương thực hiện hỗ trợ 2 chính sách theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Bình Dương hỗ trợ người lao động ở nhà trọ (từ 15 tuổi trở lên) số tiền 300.000 đồng/người và Quyết định của UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ cho người ở trọ số tiền 500.000 người (gọi tắt là gói hỗ trợ 800.000 đồng/người).

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương thông tin tại cuộc họp chiều 23.10

đỗ trường

Tại cuộc họp, ông Lê Minh Quốc Cường khẳng định mặc dù phải thực hiện nhiều hoạt động phòng, chống dịch nhưng yêu cầu phải triển khai nhanh các gói hỗ trợ an sinh cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng thời phải đảm bảo đúng quy định. Sở LĐ-TB-XH Bình Dương đã thành lập tổ công tác xuống kiểm tra, chỉ đạo cùng với các cơ quan chuyên môn, cơ quan công an. “Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, lực lượng phân tán, có lúc có nơi thực hiện chưa chính xác nhưng đã được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời”, ông Cường nói.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên (đứng bên phải) tại cuộc họp.

đỗ trường

Giải thích về vấn đề trước đó Báo Thanh Niên có thông tin trong bài Bình Dương: Chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 cho hơn 22.900 người, buộc thu hồi hàng tỉ đồng, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên (Bình Dương), cho biết hiện Tân Uyên đã thực hiện chi trả được trên 95% (gói hỗ trợ 800.000 đồng/người), hoàn thành từ ngày 31.8 cho trên 538.000 lượt người.

“Thời điểm chi trả diễn ra trong thời kỳ 'đông cứng, khoá chặt' có sự trùng lắp, sai sót trong danh sách. Nhưng vấn đề ở đây là chúng tôi đã phát hiện được và đã không chi. Nếu đã chi thì thu hồi kịp thời ngay ở thời điểm đó”, ông Tươi nhấn mạnh.

Cụ thể, theo ông Tươi, trong quá trình nhập liệu, cập nhật số liệu đã phát hiện 23.029 trường hợp trùng lắp tên trong danh sách nhận và cho tiến hành kiểm tra, đối chiếu đã phát hiện ra 2.044 trường hợp chi nhầm với số tiền trên 1,6 tỉ đồng và đã thu hồi từ tháng 8.2021.

Ông Tươi cũng khẳng định, số danh sách bị trùng lắp còn lại (khoảng 21.000 trường hợp – PV) nếu địa phương đã nhận tiền từ ngân sách cũng sẽ được hoàn trả lại cho ngân sách, không để xảy ra tình trạng thất thoát.

Chuyện 'nhân viên y tế chuốc thuốc mê cả nhà' là tin giả

Ngày 23.10, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) - Công an TP.HCM cho biết đang xác minh, làm rõ thông tin lan truyền trên mạng với nội dung về việc một nhóm người mặc đồ bảo hộ vào nhà dân test nhanh Covid-19, sau đó chủ nhà bị mê man và mất tài sản.

Thông tin lan truyền trên mạng

chụp màn hình

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền việc chuyện có 3 người giả mạo nhân viên y tế đến nhà một người dân chuốc thuốc mê và trộm sạch tài sản, gây hoang mang dư luận.

Cụ thể, tài khoản mạng xã hội V.T.H.P. đăng tải: “Nhà bạn con ở CMT8 tối qua có 3 người mặc bảo hộ xuống nói test nhanh do công ty của chị của bạn con có người dương tính/mọi thông tin đều chính xác luôn/cho nên nhà cho vào ngồi ngoáy mũi/ kết quả là mê man tới giờ này luôn/kết quả là mê man tới giờ này luôn/camera chịu thua vì họ mặc bảo hộ/mới báo công an sáng nay/dạ mất sạch/Một hình thức lừa để lấy trộm đồ ở SG”.

Sau đó, nhiều tài khoản mạng xã hội cũng chia sẻ hình ảnh này, rồi lan truyền thông tin tương tự như: “Thông báo loại tội phạm mới bà con cảnh giác. Chúng hoạt động từ 3 đến 4 người mặc đồ bảo hộ xanh, thông báo là chúng tôi bên y tế được báo gia đình bạn có người nhiễm Covid kêu toàn bộ gia đình ra cho họ chọt mũi và test và ngủ hết kết quả là mất hết tài sản".

Công an TP.HCM làm rõ tin lan truyền 'nhân viên y tế chuốc thuốc mê cả nhà'

Một số tài khoản trên mạng đăng tải cho rằng sự việc xảy ra tại đường Cách Mạng tháng 8, Q.10 (TP.HCM).

Sáng 23.10, trao đổi với PV Thanh Niên, Công an Q.10 khẳng định trên địa bàn không xảy ra vụ việc nào như thông tin trên mạng chia sẻ. Hiện Q.10 cũng chưa nhận được trình báo của bị hại nào ghi nhận một vụ gây mê, trộm tài sản nào trên địa bàn.

Đến chiều 23.10, Phòng tham mưu - Công an TP.HCM cho biết, sau khi xác minh làm rõ, xác định thông tin 'nhân viên y tế chuốc thuốc mê cả nhà' là tin giả.

Công an TP.HCM cảnh báo, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng xấu đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Công an TP.HCM đề nghị người dân chú ý, nêu cao tinh thần cảnh giác; đồng thời, không lan truyền tin đồn không có căn cứ, sai sự thật gây hoang mang dư luận.

Hải Phòng sẽ treo biển thông báo tại nhà có người thực hiện cách ly

Thông tin từ UBND TP.Hải Phòng cho biết, TP.Hải Phòng hiện chỉ áp dụng các biện pháp cách ly với những người từ vùng đỏ (nguy cơ rất cao) và vùng cam (nguy cơ cao).

Người từ 2 vùng trên nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 sẽ cách ly y tế tập trung 7 ngày kể từ ngày về, đến địa phương, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe; người chưa tiêm đủ liều hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng chưa qua 14 ngày thì thực hiện cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày về, đến địa phương, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ nhất, thứ 7, thứ 14.

Hải Phòng sẽ treo biển thông báo tại nhà có người thực hiện cách ly

Đối với những trường hợp người già yếu, bệnh lý nặng, trẻ nhỏ từ vùng đỏ và cam về mà cần có người chăm sóc, áp dụng cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày về, đến địa phương, lấy mẫu 3 lần vào ngày thứ nhất, thứ 7, thứ 14.

Những người từ các địa bàn khác về TP.Hải Phòng chỉ cần tự theo dõi sức khỏe, luôn thực hiện 5K, nếu có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau mỏi cơ... phải báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Những người mới được công bố khỏi bệnh Covid-19 theo quy định, chưa quá 6 tháng khi về thành phố phải áp dụng cách ly y tế tại nhà 7 ngày kể từ ngày về, đến địa phương, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu âm tính thì kết thúc cách ly.

Chỉ có người từ vùng đỏ và vùng cam vào TP.Hải Phòng mới phải thực hiện cách ly

Lê Tân

Những người đã hoàn thành cách ly vùng đỏ và cam khi về Hải Phòng phải thực hiện cách ly 7 ngày tại nơi lưu trú hoặc cách ly chặt chẽ tại nhà và phải thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ 7 khi kết thúc cách ly.

Những người về TP.Hải Phòng thuộc diện cách ly phải tự trả các chi phí liên quan trong thời gian thực hiện cách ly.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly tại nhà, nơi lưu trú, việc cách ly tại nhà và thực hiện treo biển thông báo “Gia đình đang có người thực hiện cách ly y tế” để cộng đồng biết, hỗ trợ.

Đóng cửa nhiều tháng trời, rạp phim Sài Gòn mong ngóng ngày trở lại

Nhiều địa phương trên cả nước như Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Lâm Đồng... đã cho phép các dịch vụ karaoke, rạp chiếu phim mở lại ở các mức độ khác nhau, tùy tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn chưa có động thái nào mới. Nhiều rạp chiếu phim tại TP.HCM trong năm 2021 đã phải đóng cửa đến gần nửa năm trời khiến tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Đóng cửa nhiều tháng trời, rạp phim Sài Gòn mong ngóng ngày trở lại

Trong suốt gần nửa năm qua, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp điện ảnh thời điểm này là dòng tiền, khi doanh thu phòng vé ở Việt Nam nói chung ở mức gần như bằng 0 trong khi phải gánh nhiều chi phí duy trì hoạt động.

Rạp phim chỉ mở được vài tháng trong suốt năm nay

lê nam

Hiện tại, hai thị trường rạp chiếu lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội vẫn đóng băng. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, ra phim của các hãng. Không chỉ các phim bom tấn nước ngoài mà nhiều phim Việt được đầu tư kỹ càng đều không thể ra mắt vào thời điểm này.

Vì vậy, dù một số địa phương đã cho phép hoạt động lại rạp phim nhưng lượng phim còn rất nghèo nàn, khán giả không có nhiều lựa chọn hấp dẫn.

Để có thời gian chạy đà trước mùa cao điểm như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, đại diện hệ thống rạp chiếu phim bày tỏ mong muốn được sớm mở cửa đón khách trở lại ngay trong tháng 11.

Các cụm rạp mong ngóng trở lại vào tháng 11.2021

lê nam

Đại diện các hệ thống rạp cho biết, tâm lý và thói quen chi tiêu của khách hàng đã thay đổi sau thời gian dài giãn cách. Khách hàng cần có thời gian để thích nghi, các cụm rạp cũng cần thời gian để "hâm nóng" thị trường. Nếu tiếp tục đóng cửa thì các doanh nghiệp điện ảnh sẽ khó cầm cự.

Đại diện hệ thống rạp CGV cũng đã lên kế hoạch triển khai nhiều phương án trong việc phòng dịch Covid-19 nếu được hoạt động trở lại. Cụm rạp này còn thành lập tổ an toàn phòng chống Covid-19 tại tất cả rạp để tập huấn về an toàn phòng chống Covid-19 cho tất cả nhân viên, đồng thời phản ứng nhanh trước các sự cố khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm.

Đại diện BHD cũng cho biết, bên cạnh các biện pháp 5K, cụm rạp này còn yêu cầu toàn bộ nhân viên và khách hàng phải có thẻ xanh và cam kết chỉ hoạt động từ 30-50% công suất ghế nhằm đảm bảo các yêu cầu về giãn cách.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 23.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.