Bản tin Covid-19 ngày 29.8: Những câu chuyện đẹp giữa ngày dịch bệnh nóng bỏng
29/08/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 29.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .
Tự động phát
Ngày 29.8: Cả nước ghi nhận 12.663 ca Covid-19, 8.813 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 29.8 cho biết tính từ 18h ngày 28/8 đến 18h ngày 29.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.663 ca nhiễm mới. Trong ngày có 8.813 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 28 và 29.8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 344 ca ttử vong tại 14 tỉnh, thành phố; nâng tổng số ca Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 10.749 ca.
Thông tin về 12.663 ca nhiễm mới được công bố vào ngày 29.8 như sau:
- 44 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 12.619 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 5.712 ca trong cộng đồng. Gồm: Bình Dương (5.414), TP.HCM (4.957), Long An (533), Đồng Nai (377), Tây Ninh (234), Tiền Giang (155), Đà Nẵng (106), An Giang (103), Đồng Tháp (93), Khánh Hòa (92), Bình Thuận (78), Quảng Bình (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (55), Đắk Lắk (52), Nghệ An (50), Cần Thơ (37), Kiên Giang (29), Bến Tre (22), Phú Yên (21), Trà Vinh (20), Bình Phước (18), Quảng Ngãi (14), Bình Định (13), Bạc Liêu (12), Sơn La (11), Hậu Giang (11), Thanh Hóa (11), Thừa Thiên Huế (7), Ninh Thuận (6), Lâm Đồng (6), Cà Mau (5), Vĩnh Long (5), Gia Lai (3), Quảng Nam (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Ninh Bình (2), Lào Cai (2).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 522 ca. Tại Bình Dương tăng 1.365 ca, TP.HCM giảm 524 ca, Long An tăng 82 ca, Đồng Nai giảm 420 ca, Tây Ninh tăng 234 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 435.132 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 164/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.426 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 430.939 ca, trong đó có 217.028 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (209.921), Bình Dương (104.208), Đồng Nai (22.641), Long An (20.933), Tiền Giang (9.217).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 219.802 ca.
2. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.309 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.069
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.221
- Thở máy không xâm lấn: 118
- Thở máy xâm lấn: 877
- ECMO: 24
Trong ngày 28 và 29.8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 344 ca tử vong tại 14 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (256), Bình Dương (31), Tiền Giang (18), Long An (13), Đồng Nai (5), Kiên Giang (4), Vĩnh Long (4), Đà Nẵng (3), Đồng Tháp (3), Tây Ninh (3), Khánh Hòa (1), Ninh Thuận (1), Thừa Thiên-Huế (1), Vĩnh Phúc (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.749 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 12.715.682 mẫu cho 32.116.373 lượt người.
Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 19.431.093 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.999.888 liều, tiêm mũi 2 là 2.431.205 liều.
Tái kiểm tra di biến động dân cư nội thành TP.HCM
Sáng 29.8.2021, các chốt kiểm soát Covid-19 nội thành TP.HCM lại bắt đầu kiểm tra mã khai báo di chuyển nội địa của người dân. Mã khai báo này được hiển thị trên phần mềm quản lý công dân vùng dịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Chốt kiểm soát Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng ở quận Gò Vấp vắng vẻ so với những đợt khai báo trước đó. Đa phần người dân đều xuất trình được giấy đi đường hợp lệ, đã khai báo di biến động dân cư trước tại nhà và được lực lượng trực chốt cho qua.
Tuy nhiên, cũng có một bộ phận người đi đường bất ngờ khi biết phải khai báo mới được qua, được lực lượng chức năng hỗ trợ khai báo.
Trước đó, ngày 11.8, TP.HCM đã triển khai thực hiện khai báo di biến động dân cư tại các chốt kiểm soát Covid-19 trong nội thành và các chốt cửa ngõ TP.HCM. Tuy nhiên, các chốt kiểm soát nội thành xảy ra ùn ứ nên TP.HCM chỉ thực hiện khai báo di biến động dân cư tại các chốt cửa ngõ giáp ranh tỉnh thành khác.
Để thuận tiện cho việc di chuyển, Công an TP.HCM đề nghị người dân khai báo y tế tại website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc quét mã QR được in trên giấy đi đường do Công an TP.HCM cấp để thực hiện kê khai y tế tại nhà trước khi ra đường.
Đồng Nai mượn 500.000 liều vắc xin Vero Cell từ TP.HCM
Chiều 29.8, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết đang tổ chức tiếp nhận 500.000 vắc xin Vero Cell từ TP.HCM đưa về. Hiện Sở đang xây dựng kế hoạch tiêm số vắc xin này lên UBND tỉnh phê duyệt.
“Số vắc xin này được Đồng Nai tiếp nhận trong ngày hôm nay”, bác sĩ Vũ nói. Trước đó, Đồng Nai có văn bản mượn 500.000 triệu liều vắc xin Vero Cell từ TP.HCM và đã được địa phương này cùng Bộ Y tế đồng ý.
Cũng theo bác sĩ Vũ trước đó, Đồng Nai cũng đã triển khai tiêm 3.000 liều vắc xin Vero Cell cho các chuyên gia, người lao động Trung Quốc đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, từ ngày 27.4 đến 28.8, Đồng Nai ghi nhận 22.727 ca dương tính với Covid-19, trong đó 9.775 ca khỏi bệnh, 186 ca tử vong.
Về số lượng vắc xin, đến nay Đồng Nai được Bộ Y tế nhiều lần phân bổ với tổng số lượng hơn 800.000 liều. Hơn 714.000 người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó 55.450 người tiêm đủ 2 liều.
Khuyến cáo người dân không sử dụng địa long để chữa Covid-19
Theo Bộ Y tế, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 do biến chủng Delta gây ra đang diễn biến rất phức tạp ở nước ta hiện nay, lợi dụng tâm lý người dân về việc tìm kiếm các sản phẩm có tác dụng phòng, chống Covid-19, một số cá nhân sử dụng mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, chia sẻ những thông tin không chính xác, không có căn cứ khoa học, chưa được kiểm chứng về tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19 của dược liệu địa long trong thời gian qua.
Bộ Y tế dẫn thông tin trích dẫn từ Dược điển Việt Nam 5, cho biết, dược liệu địa long (tên khác: giun đất) là toàn thân đã phơi hay sấy khô của con giun [Pheretima aspergillum (E. Perrier), Pheretima vulgaris.Chen., Pheretima gitillelmi (Michaelsen), hay Pheretima pectinifera họ Cự dẫn (Megascolecidae). Loại đầu tiên là "quảng địa long", 3 loại còn lại là "hồ địa long".
Về cách chế biến: loài quảng địa long được thu hoạch từ mùa xuân đến mùa thu.
Hồ địa long được thu hoạch vào mùa hạ. Dùng lá nghể răm ngâm nước, đổ lên mặt đất, bắt lấy giun đất bò lên. Loại bỏ những con giun đất có bệnh. Làm sạch nhớt. Kẹp thẳng giun đất vào que nứa, mổ bụng ngay lập tức, moi bỏ phủ tạng và đất, lau sạch, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.
Địa long có vị mặn, tính hàn. Quy vào các kinh can, tỳ, phế, bàng quang. Công năng thanh nhiệt, trấn kinh, thông kinh lạc, bình suyễn, lợi niệu.
Chủ trị sốt cao bất tỉnh, kinh giản co quắp, đau khớp, chân tay tê bại, bán thân bất toại, trúng phong ho suyễn do phế nhiệt, phù thũng, tiểu ít, cao huyết áp. Cách dùng, liều lượng: ngày dùng 4,5 - 9 gam, dạng bột, thường dùng phối hợp trong các bài thuốc.
Bộ Y tế khẳng định, hiện, chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần địa long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị Covid-19 của địa long.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả người dân không tự ý mua, sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu theo lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh tiền mất tật mang.
Công an, bộ đội đỡ đẻ sản phụ ngay trên vỉa hè giữa dịch Covid-19
Một câu chuyện quá đỗi bất ngờ, trong một tình huống bất khả kháng vào rạng sáng 29.8 ở Q.Bình Tân (TP.HCM). Đó là chiến sĩ công an, bộ đội đã cùng một số người khác giúp sản phụ "vượt cạn" thành công ngay bên vỉa hè.
Theo đó, trong ca trực đêm 28, rạng sáng 29.8, anh Nguyễn Văn Tĩnh, lớp CSHS-LT26, Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân (đóng tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) trực tại Liên khu 5 - 6, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân.
Vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng nay, khi đang làm nhiệm vụ tại chốt gác phòng chống dịch Covid-19, có một thai phụ chuyển dạ, được người nhà chở bằng xe máy, xin được qua chốt đi sinh gấp.
Ngay lập tức, anh Tĩnh cùng với anh Đỗ Vũ Thắng (thuộc đơn vị Trung đoàn Gia Định), là bộ đội tình nguyện chống dịch, đã nhanh chóng hỗ trợ chở thai phụ đi cấp cứu. Trên đường đi (cách chốt trực không xa) thì thai phụ chuyển dạ và sinh con.
Trước tình huống bất khả kháng này, anh Tĩnh đã nhiệt tình, kịp thời đỡ đẻ giúp thai phụ vượt cạn thành công.
Quá trình dừng lại sinh con bên đường, thai phụ cùng các anh công an, bộ đội trên được anh Phan Thanh Sơn (Lớp CSHS-LT2, Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân) đang thực hiện nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát tại P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) tới trợ giúp, ứng cứu.
Sau đó, các anh công an, bộ đội đã gọi xe cấp cứu chở thai phụ và em bé đi bệnh viện.
|
|
|
|
Trước đó, thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân đã tăng cường, chi viện lực lượng cho Công an Q.Bình Tân để phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Gặp chiến sĩ bộ đội, công an đỡ đẻ cho sản phụ trên vỉa hè ở TP.HCM
Bằng bản năng và tinh thần trách nhiệm, anh Nguyễn Văn Tĩnh, học viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cùng anh Đỗ Vũ Thắng (thuộc đơn vị Trung đoàn Gia Định), khi đang làm làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát Covid-19 tại Liên khu 5 – 6 (P. Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã giúp một sản phụ “vượt cạn” ngay trên vỉa hè vào sáng 29.8.2021.
Đến trưa 29.8.2021, sau ca trực tại chốt và về nghỉ ngơi. Hai người chiến sĩ vẫn nhớ như in sự việc bất ngờ.
Anh Nguyễn Văn Tĩnh cho hay anh đã thực hiện theo các hướng dẫn từ nhân viên y tế dù cũng rất bối rối và lo sợ.
"Lúc đó mới sinh, ý kiến của lực lượng y tế thì người ta hướng dẫn là dùng một sợi dây nào đó. Người ta không nói cụ thể là dây gì hết. Người ta chỉ nói kiếm sợi dây gì đó để buộc dây rốn lại, ngăn tình trạng mất máu của em bé. Lúc này cũng nhanh trí nghĩ ra sợi dây khẩu trang nên đồng chí Phan Thành Sơn kịp thời làm theo hướng dẫn của lực lượng y tế đang đến là dùng sợi dây khẩu trang đó buộc dây rốn lại cho bé." Anh Tĩnh cho hay.
Sau khi đã đỡ đẻ giúp thai phụ “vượt cạn” thành công, các anh công an, bộ đội đã gọi xe cấp cứu chở thai phụ và em bé đi bệnh viện quận Bình Tân để các y bác sĩ chăm sóc.
Nghỉ ngơi sau ca trực xong, anh Nguyễn Văn Tĩnh, cùng anh Đỗ Vũ Thắng đã quay lại Bệnh viện Bình Tân để gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe sản phụ vừa vượt cạn. Hiện sức khỏe của mẹ và bé đã ổn định. Qua lời hỏi thăm, biết được hoàn cảnh của vợ chồng sản phụ nên anh Nguyễn Văn Tĩnh còn gửi người chồng 500 ngàn đồng cùng lời chúc cả hai mẹ con nhanh chóng khỏe mạnh.
Nghệ sĩ "dở khóc dở cười" kể chuyện đi chợ hộ trong siêu thị
Nữ diễn viên Nam Thư đã trở thành tình nguyện viên trong đội đi chợ hộ do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức nhiều ngày qua. Mỗi ngày, cô cùng khoảng gần 20 tình nguyện viên khác nhận các đơn hàng mà người dân đặt thông qua phường, sau đó phường gửi danh sách qua siêu thị rồi nhờ những tình nguyện viên như Nam Thư lựa hàng.
Từ khi trở thành tình nguyện đi chợ hộ, đây là siêu thị thứ ba mà Nam Thư làm việc. Trước đó, cô làm tình nguyện viên ở hai siêu thị là Co.op Xtra Vạn Hạnh (Q.10) và Co.op Mart Rạch Miễu (Q. Phú Nhuận) nhiều ngày, trước khi chuyển về Co.op Xtra Tân Phong (Q.7), một siêu thị gần nhà nữ diễn viên kể từ khi thành phố siết chặt giãn cách.
Hiện nay, siêu thị bổ sung theo nhiều combo hàng hóa, nhu yếu phẩm, giúp người dân thuận tiện trong việc đặt hàng, đồng thời công việc của tình nguyện viên đỡ vất vả.
|
Chia sẻ với phóng viên Truyền hình Báo Thanh Niên, nữ diễn viên quê gốc Vũng Tàu cho biết cô vào Sài Gòn từ những năm 18 tuổi, đến nay đã được 16 năm nên khi thành phố gặp khó khăn vì dịch bệnh, cô nghĩ bản thân phải có trách nhiệm.
|
Bởi vậy, dù khối lượng công việc ngày một tăng cao, lại phải tiếp xúc với nhiều người, làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nhưng nữ diễn viên vẫn cố gắng để cùng anh chị em đồng nghiệp đóng góp một chút công sức giúp người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Nhiều câu chuyện thú vị khi làm tình nguyện viên được Nam Thư chia sẻ trong video. Mời khán giả theo dõi.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 29.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)