Ai xứng đáng là người đàn ông Việt năm 2019?

16/12/2019 12:11 GMT+7

Năm 2019, mục Nóng trên mạng xã hội của Báo Thanh Niên "bêu tên" khá nhiều những vết đen trong cuộc sống như bạo hành gia đình , bia rượu, nhậu nhẹt... Nhưng không vì thế mà mạng xã hội mất đi những mảnh ghép màu sáng. Đặc biệt là cánh đàn ông, phái mạnh những người đã đem đến cuộc sống đầu sắc màu, cung bậc nhân văn.

Sức lan truyền của thông tin trên mạng xã hội ngày càng “khủng khiếp”. Hơn thế, tin xấu và tin giả lại còn có tốc độ tiếp cận bạn đọc nhanh hơn hết thảy. Theo thống kê, tin giả hấp dẫn hút view gấp 100 lần tin thật và 1% tin tức giả hàng đầu tới tay tối đa khoảng 100.000 người, trong khi tin thật chỉ đến được hơn 1.000 người.
Nhưng điều đó không có nghĩa những gì tốt đẹp bị cản trở. Thế giới mạng bao la và không gian cho những người tử tế vẫn không bị hạn hẹp. Những câu chuyện đẹp về tình cảm cha mẹ, về chữ hiếu, về tình yêu, hay nói chung về mối quan hệ giữa người và người vẫn lan tỏa mạnh bởi người dùng mạng xã hội vẫn không quên bấm nút “share” để cái đẹp lên ngôi.
Những chuyện tình cổ tích, những tấm gương hiếu thảo, những người xa lạ tử tế và những chuyến xe miễn phí... luôn rực sáng "bước" ra cuộc sống thực từ mạng xã hội hay ngược lại, từ cuộc sống lan truyền trên thế giới mạng.
Năm 2019 đang dần khép lại, chúng tôi hy vọng sang năm 2020 những gì đen tối sẽ nhường chỗ cho những điều đẹp đẽ trong cuộc đua tốc độ thông tin ngày càng khốc liệt. Mời bạn đọc chọn ra đấng mày râu xứng đáng cho danh hiệu "Người đàn ông của năm 2019". Hãy cùng Báo Thanh Niên điểm lại chân dung của họ - những người vốn được cư dân mạng gởi gắm "share" nhiều nhất năm 2019.

Gương sáng hiếu thảo

Mỗi tuần, mỗi tháng ở các tòa án, những vụ án thương tâm cứ đều đặn bị đưa ra xét xử. Và đâu đó trong các ký sự pháp đình ấy là những giọt nước mắt ngắn dài của cha mẹ già che đi nỗi đau do đứa con bất hiếu gây ra. Nhưng, giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống vẫn sáng lên hình ảnh những đứa con sống vì cha mẹ, mong mỗi ngày trôi qua là một ngày được đền ơn đấng sinh thành.

Tiền bạc không có thì kiếm ra, chứ cha mẹ mất rồi khó kiếm

Ông Trần Hữu Lý

Bầu chọn
Theo bạn, ai là người đàn ông hiếu thảo, dễ thương nhất năm 2019?
Đó là anh công an Phạm Minh Toán (xã Thanh An, H.Thạnh Hóa, Long An). Với chế độ phụ cấp ít ỏi 1,4 triệu đồng/tháng, anh dành dụm để lo cơm nước, thuốc men cho cha mẹ già. Và sự hiếu thảo của người con này đã “gõ cửa” trái tim của các nhà hảo tâm khi ước mơ có một mái nhà lành lặn cho cha mẹ thoát khỏi cảnh nắng mưa đã thành hiện thực.
Đó là anh Phạm Duy Hưng (31 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tối nào cũng đẩy mẹ già đi nhặt ve chai khắp các nẻo đường Sài Gòn. Chàng trai hiếu thảo ấy chỉ theo đuổi một định nghĩa duy nhất về hạnh phúc - “chỉ cần mẹ ăn nhiều, mẹ khỏe và ngủ được”. Hai mẹ con anh sống trong căn nhà trọ chừng 10 m2 nằm ở khu xóm Ruộng, nhưng họ là 2 mảnh ghép thực sự của hạnh phúc dù ngồi trong nhà mà nắng thì chiếu thẳng vào người còn mưa thì rớt vào đầu. Ban ngày làm bảo vệ, ban đêm đưa mẹ đi nhặt ve chai, anh Hưng chẳng còn thời gian và cũng chẳng màng đến chuyện vợ con bởi “có vợ hay không, không quan trọng. Miễn sao mẹ con ở với nhau khỏe là được”.

VIDEO: Chữ hiếu của chàng trai đẩy mẹ già 77 tuổi đi nhặt ve chai ở Sài Gòn

Đó là ông Trần Hữu Lý (76 tuổi) ngày ngày cần mẫn đạp xích lô ở Sài Gòn để góp tiền nuôi mẹ già 102 tuổi ở Quảng Ngãi. Gần 40 năm ông gắn đời mình với khu vực chân cầu Lê Văn Sỹ (Q.3) để mưu sinh và để ngủ qua đêm nhưng mỗi năm ông đều cố gắng sắp xếp về quê 2 lần. Với người đàn ông yêu Sài Gòn và lúc nào cũng nở nụ cười trên môi như ông Lý, "tiền bạc không có thì kiếm ra, chứ cha mẹ mất rồi khó kiếm" - phương châm sống nghe thật nhẹ nhàng nhưng hẳn cũng khiến nhiều người phải... nặng lòng.

VIDEO: Ông già 76 tuổi đạp xích lô góp tiền nuôi mẹ già 102 tuổi

Hiệp sĩ của những chuyến xe 0 đồng

Cộng đồng mạng năm 2019 từng nhiều lần bất bình trước cảnh tài xế container và cả tài xế xe máy tông người rồi bỏ chạy, để nạn nhân bơ vơ đau đớn giữa đường. Nhưng đối lập với những cảnh tượng ấy là hành động hào hiệp của những người chạy xe cấp cứu miễn phí.
Đó là “hiệp sĩ bóng đêm” Lê Anh Tuấn (22 tuổi, ngụ Bình Dương). Chuyên lo chuyện bao đồng, suốt 2 năm qua chàng trai này đã ngược xuôi ở Bình Dương với gần 300 chuyến xe 0 đồng đưa người bị nạn đi cấp cứu. Vậy mà có lúc anh còn bị nhầm là người gây ra tai nạn, bị đánh bầm dập để sau đó người nhà nạn nhân mới nhận ra họ… lầm. Tuấn không suy nghĩ nhiều bởi anh vẫn luôn nhận được những món quà lớn – lời cảm ơn từ người được anh giúp đỡ. Và có lẽ Tuấn là người hiếm hoi trên thế giới này mong muốn được “thất nghiệp”.

Có tối đang đi chơi với bạn gái thì có tai nạn, nên rút kinh nghiệm những lần sau mình toàn chở bạn gái đi chơi bằng xe… cứu thương, để cần thì chạy luôn

Anh Lê Anh Tuấn

VIDEO: 9x ngày bán rau, đêm chạy xe cấp cứu miễn phí

Bầu chọn
Theo bạn, ai là người đàn ông nghĩa hiệp nhất năm 2019?
Cũng trong 2 năm qua, anh Nguyễn Hoàng Nhật (35 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) - tài xế cấp cứu cũng chạy hàng trăm chuyến xe 0 đồng để chở những người nghèo khốn cùng về quê cho họ được nhắm mắt xuôi tay ở chốn thân quen. Anh Nhật và bạn đồng hành là vợ anh đã bán đất, bán nhà và kêu gọi sự chung tay của người khác để chiếc xe chở áo quan và người dưng của anh đi khắp miền Tây Nam bộ rồi ra Bắc, ra Trung. 

Tài xế làm "bà đỡ" bất đắc dĩ

Có lẽ chúng ta vẫn chưa thể quen được câu chuyện đau lòng khi một sản phụ chuyển dạ ở Bình Phước bị tài xế đuổi xuống xe khi đang trên đường đến bệnh viện rồi sinh con bên vệ đường và mất đi đứa trẻ. Nhưng trái ngược với cách hành xử vô cảm của người tài xế này là những cơn “mưa tim” mà cộng đồng mạng dành cho những anh tài xế tốt tính.
Đó là anh Hoàng Việt Cường (30 tuổi, ngụ Thanh Hóa) - người đã không ngại đường xa và đêm khuya để chở bà bầu đi bệnh viện và kết quả là chiếc xe taxi của anh trở thành bệnh viện dã chiến. Anh Cường còn sốt sắng cởi áo ra đưa cho gia đình lau và ủ ấm em bé vì trời rất lạnh. Với người cha của đứa con trai 5 tuổi, “tài xế hay kiêng kỵ bà bầu lên xe, mình thấy có gì đâu!'. Anh Cường cũng như nhiều trường hợp tài xế tốt bụng khác, họ hiểu được những nguy hiểm rình rập người phụ nữ bụng mạng dạ chửa bởi “đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”.

VIDEO: Bi kịch gia đình sản phụ bị tài xế bỏ rơi, phải đẻ con bên đường ở Bình Phước

Tài xế hay kiêng kỵ bà bầu lên xe, mình thấy có gì đâu

Anh Hoàng Việt Cường

Đó là tài xế công nghệ Nguyễn Tiến An (24 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), khi đang chạy ca đêm thì gặp tai nạn giao thông, đã không nề hà xuống xe và đưa các nạn nhân đang nguy kịch đến bệnh viện. Chàng trai trẻ này tâm niệm: “Gặp người bị tai nạn, ai cũng sợ máu me dơ bẩn, sợ liên lụy, còn mình thấy mà không giúp cứ áy náy sao ấy. Cứ nghĩ mình làm việc tốt thì không có xui, không có sợ gì hết á”.

Anh chồng tuyệt vời

Nạn bạo hành gia đình là một trong những vấn đề nhức nhối nhất năm 2019. Có những ông chồng vũ phu, sẵn sàng thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ. Họ không ngại ra đòn như võ sư với người đầu ấp tay gối. Mạng xã hội từng dậy sóng với màn đánh đập, bóp cổ vợ dã man của người chồng ở Tây Ninh trước mắt 2 con, mặc cho đứa con nhỏ la hét khóc lóc cho dù họ đã sống với nhau 10 năm. Bởi vì rượu mà ra… Bình thường hai vợ chồng vẫn vui vẻ nhưng khi uống rượu thì người chồng lại hung hăng, gây chuyện rồi dùng bạo lực với vợ.
Hay như người cha ở Đồng Nai hành hạ con gái ruột mới 2 tuổi rồi quay clip gởi cho vợ bé là mẹ ruột của cháu để dằn mặt. Rồi trường hợp bé Su đầy thương tâm ở TP.HCM. Là nô lệ của ma túy, cha dượng của bé Su (6 tuổi) đã dồn bực dọc lên em, đánh em và thậm chí dí tàn thuốc lá vào em khiến em phải nhập viện điều trị.
Nhưng cái xấu chẳng thể nào làm lu mờ cái đẹp vẫn ngời sáng giữa đời thường. Đó là người đàn ông vĩ đại của chị Trần Thị Đức (40 tuổi) vốn bị suy thận mãn tính, phải chạy thận. Sau 17 năm làm thầy giáo dạy toán ở Bình Định, anh Nguyễn Ngọc Thành phải gạt bỏ đam mê của mình, đưa vợ con vào TP.HCM và chọn chạy Grab để có thời gian chăm sóc vợ phải thường xuyên chịu đau đớn vì bệnh tật và cho con trai học lớp 9 được theo đuổi ước mơ làm ca sĩ.

Chắc là thiên đường có chuyện gì đó rất gấp nên mới kêu em về

Anh Đặng Thiên Ân

Tháng 8.2019, cộng đồng mạng đã không thể ngăn nước mắt trước một đám cưới đặc biệt diễn ra ở Củ Chi, TP.HCM. Bởi trong đám cưới ấy, chỉ có chú rể Đặng Thiên Ân (25 tuổi) mà vắng bóng cô dâu - người đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông thương tâm trước ngày cưới dự định của họ chỉ một tháng. Khi biết vợ tử nạn qua livestream của người dân, Ân đã tức tốc từ Nhật Bản bay về để làm đám cưới bên di ảnh vợ. Có hoa, có nhẫn cưới, có những bài hát họ cùng nhau chuẩn bị cho ngày chung đôi như mơ ước nhưng sinh ly tử biệt... 

Chủ quán cơm 1.000 đồng

Người ta thường trích dẫn câu "Không phải của mình, đừng có tranh" mỗi khi đọc tin về chuyện hôi của. Dân mạng từng rần rần bức xúc vụ hôi vịt khi xe chở vịt gặp nạn ở Quảng Bình. Thay vì hỗ trợ nhà xe giúp gom vịt thì một số người lại tranh thủ cơ hội để bắt vịt mang về nhà. Gặp cảnh khó khăn không giúp thì thôi, đằng này lại lao vào hôi của như chuyện cười ra nước mắt của anh tài xế chở bia ở Q.12, TP.HCM. Vì xe thắng gấp nên nhiều thùng vỏ bia rơi xuống đường. Anh tài xế phải bó tay nhìn người khác ngang nhiêu chở vỏ chai bia đi và thậm chí còn bị dọa hành hung khi nhắc trả lại.
Ngoài hôi của, nạn bùng hàng cũng khiến nhiều shipper phải lao đao trong năm 2019. Mạng xã hội từng rất phẫn nộ trước những trường hợp boom hàng, nào là tài xế Grab bị “bùng” tiền trà sữa 1,2 triệu đồng, hay nữ shipper GoViet bị khách “cho leo cây” khi mang 10 suất đồ ăn trị giá 490.000 đồng đến giao nhưng không ai ra nhận...
Ngược lại với những hành động khó hiểu như trên là những người luôn biết cúi... xuống để hiểu hơn về những mảnh đời bất hạnh cần đến sự hỗ trợ. Đâu đó ở giữa những thành phố lớn là những câu chuyện tử tế lan tỏa thông điệp yêu thương. Gần như ai ở H.Lai Vung, Đồng Tháp đều biết đến quán cơm chay từ thiện của anh Võ Văn Tâm (37 tuổi). Anh bỏ ra hàng trăm triệu đồng anh dành dụm được suốt 10 năm để mở quán cơm chay 1.000 đồng, giúp người khác có bữa no bụng.

Tâm thanh tịnh thì mới gieo được duyên lành

Anh Trần Thanh Long

Lòng tốt cứ thể lan tỏa khắp mọi nơi để những nụ cười ít nhiều bù đắp cho những giọt nước mắt mưu sinh. Vừa qua, anh Trần Thanh Long - Trưởng nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm đã khai trương chi nhánh thứ 9 của chuỗi nhà ăn 0 đồng, giúp những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống, những người phải tần tảo với nghề ve chai... ấm bụng trên bước đường đời. Sự đặc biệt của Nhất Tâm ở chỗ đây là nơi gặp gỡ của những tấm lòng nhân ái với tinh thần lá lành đùm lá rách. Người này ủng hộ nước rửa chén, người khác gởi dầu ăn, người kia công sức và người nọ góp... mặt bằng.

Người hùng của những "cuộc chiến"

Lợi dụng lòng tin và thậm chí lòng tốt của người khác, có những kẻ vô tâm trục lợi, như trường hợp lừa đảo nhận tiền mua vé tàu Tết ở TP.HCM, đưa lao động đi Hàn Quốc làm việc hay kêu gọi ủng hộ nạn nhân vụ tai nạn giao thông ở Tuyên Quang.
Thiên tai những năm gần đây càng trở nên khốc liệt, khiến môi trường sống của con người chao đảo. Cháy rừng, mưa bão, lũ lụt... diễn ra ngày càng phức tạp. Nhưng tình người vẫn đứng vững bất chấp cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Và trong cuộc chiến chống lại ma túy, đã có những chiến sĩ ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ. 

Khi đến bệnh viện, biết mọi người ổn, cả đội nhường lại áo khoác cho người dân rồi ra về

Anh Đặng Văn Phúc

Giữa năm 2019, dân mạng vô cùng đau xót khi phải chia tay vĩnh viễn thiếu tá Vi Văn Nhất - sĩ quan điều tra của Đội đặc nhiệm, thuộc Phòng Phòng chống ma túy - tội phạm của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa - người bị đồng phạm của đường dây vận chuyển ma túy bắn khi truy đuổi.
Cơn bão số 3 khiến nhiều tỉnh miền Trung phải oằn mình chịu nhiều thiệt hại về người và của vào tháng 8.2019. Bất chấp sự an toàn của bản thân, chàng trai Phạm Bá Huy (26 tuổi, ngụ bản Nhài, xã Sơn Điện, H.Quan Sơn, Thanh Hóa) đã giải cứu thành công một người đàn ông bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ. Hành động dũng cảm của người hùng này đã được dân mạng khen ngợi hết lời và giúp người dân vùng lũ ít nhiều cảm thấy cảm áp trong những ngày khó khăn.
 
Và cuộc giải cứu 4 phụ nữ, trong đó 2 người đang mang thai, giữa dòng nước dâng cao suốt đêm ở Tây Ninh cũng là một trong những sự kiện “đình đám” thu hút sự chú ý theo dõi của dân mạng khi được phát trực tiếp trên Facebook. Anh Đặng Văn Phúc - Đội trưởng Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh và các thành viên trong đội đã bất chấp nguy hiểm, thậm chí có lúc bị tê người vì nhiễm điện, ngâm mình trong nước suốt 2 tiếng đồng hồ để cứu người.
Có lúc khi đối đầu với cơn thịnh nộ của thiên nhiên, con người phải thua cuộc. Mạng xã hội từng đau buồn khi biết tin ông Hoàng Minh Tú (50 tuổi, công an viên thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị lũ cuốn khi liều mình lội xuống cống nhằm khơi thông dòng chảy. 

Bác bảo vệ dễ thương

Ai đó từng nói, không có nghề cao quý, chỉ có những người cao quý trong nghề. Một công việc tưởng chừng đơn giản, thậm chí có khi còn bị xem thường, nhưng lại vô cùng quan trọng bởi không chỉ tài sản mà cả tính mạng con người đều... cần đến. Đơn giản nhưng nguy hiểm, họ không làm gì khác ngoài... bảo vệ. Một số ít trong họ từng khiến dân mạng giận dữ với những hành xử không đẹp, như trường hợp một bảo vệ trường THCS ở TP.HCM bị tố dâm ô nữ sinh hay bảo vệ ga xe lửa bị tố lừa đảo mua vé tàu.
Còn lại rất nhiều người khiến chúng ta ngả mũ thán phục dù họ phải luôn đối mặt với những tình huống xấu như làm mất xe, bị đánh vì nhắc nhở, thậm chí bị chém đứt lìa cánh tay...  rồi ngay cả đối mặt với cướp. Giữa Sài Gòn phồn hoa đô thị, có một anh bảo vệ quán cà phê được dân mạng "truy tìm" ráo riết - đó là người sống đúng với cái tên mà anh tự diễn giải: “Tôi tên là Lâm Văn Cuộc, cuộc trong cuộc đời. Ý nói cuộc đời tươi đẹp ấy nha". Ai hư xe hay hết xăng mà anh gặp thì anh đều sẵn sàng giúp đỡ và thẳng thẳn từ chối tiền gởi biếu với câu nói... thẳng như tính cách: "Khỏi mày".

Không phải mình lớn tuổi mình được quyền làm sai, mà mình lớn mình phải làm đúng, phải có văn hóa

Ông Trần Ngọc Phương

Khác với hành động giúp người của anh Cuộc, một bác bảo vệ già ở Sài Gòn lại có cách riêng của ông để giúp ích cho đời. Đó là ông Trần Ngọc Phương (62 tuổi) làm việc ở một tòa nhà ở quận 11. “Ông Đồ” thời hiện đại mỗi ngày viết một câu danh ngôn lên giấy với nét chữ đẹp có một không hai và dán sau lưng máy quẹt thẻ xe để ai đi ngang qua đều đọc được. Những mảnh giấy chứa triết lý sống ấy đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những người làm việc và sinh sống ở tòa nhà này.
Năm 2019 gần khép lại nhưng hy vọng phong cách sống "đừng ngừng làm việc nhỏ cho người khác, có khi những việc nhỏ ấy lại chiếm phần lớn trong trái tim họ"... sẽ mở ra một năm mới tươi sáng. "Người yêu người sống để yêu nhau".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.